Nước mắm truyền thống gửi 'tâm thư' xin được trả lại đúng tên

Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đề nghị lập một hội ngành nghề nước mắm duy nhất nhằm bảo vệ 'quốc hồn, quốc túy' của dân tộc.

Trong văn bản gửi tới các Bộ Nội vụ, Tư pháp, Y tế, Công an và lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cho rằng nhận thức chung của người dân và chính quyền đều hiểu "nước mắm" là tên gọi của một sản phẩm lâu đời của Việt Nam sản xuất bằng cá và muối.

Điều này thể hiện rõ trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02-16/2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành: "Nước mắm là dung dịch đạm được tạo thành từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối". Nhận thức ấy cũng phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003 về nước mắm do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, nêu rõ yêu cầu về nguyên liệu gồm cá tươi và muối ăn.

Trước đây, tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2003 chỉ có một khái niệm duy nhất là nước mắm được sản xuất từ cá và muối.

Trước đây, tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2003 chỉ có một khái niệm duy nhất là nước mắm được sản xuất từ cá và muối.

Theo đó, nước mắm được phân hạng thành bốn loại: đặc biệt, thượng hạng, hạng 1, hạng 2.

Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu phức tạp khi tháng 5-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ hủy hiệu lực thi hành của TCVN 5107:2003, thay bằng TCVN 5107:2018. Trong đó đưa thêm khái niệm mới "nước mắm nguyên chất" và thay đổi định nghĩa nước mắm là “sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường, phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu và mùi”.

Điều chỉnh này được ban hành vào thời điểm nước mắm sản xuất theo quy mô công nghiệp với mùi vị, hương liệu khác với nước mắm truyền thông trở nên phổ biến trên thị trường và quen thuộc trong bữa cơm nhiều gia đình.

Tới năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn mới, đưa ra hai khái niệm: nước mắm nguyên chất và nước mắm.

Đáng chú ý, theo Ban vận động, các điều chỉnh của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sát với thời điểm Massan – doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nước mắm sản xuất theo quy mô công nghiệp được bổ sung tham gia Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Ở vị trí này, tháng 2-2018, đại diện Masan quyết liệt yêu cầu đưa vào dự thảo cụm từ "nước mắm nguyên chất", còn "nước mắm" được giữ lại nhưng để chỉ nước mắm pha chế.

Đây cũng là lý do mà cộng đồng sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống phải nhấn mạnh yếu tố “truyền thống” để làm rõ sự khác biệt và tăng sự nhận biết của người tiêu dùng với sản phẩm của mình. Ban vận động lấy tên Hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cho hồ sơ lập hội của mình để nhắc nhở và gìn giữ nghề sản xuất có lịch sử trên 200 năm của Việt Nam, gắn bó với văn hóa, quê hương, hồn cốt Việt…

Với “tâm thư” ngày 14-5 này, Ban vận động cũng đề nghị các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 02-16/2012/BNNPTNT, trả lại cụm từ "nước mắm" về đúng nghĩa là nước mắm truyền thống, là hỗn hợp lên men của cá và muối.

Được biết, đến nay Bộ Nội vụ đang thụ lý hồ sơ xin lập hội của Ban vận động lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam do Bộ Nông nghiệp công nhận và Ban vận động lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam do Bộ Y tế hậu thuẫn.

Vì cả hai đều chung ngành nghề nên Bộ Nội vụ đã đề nghị hai Ban vận động ngồi lại với nhau, thống nhất để khỏi trùng lặp, chồng chéo. Tuy nhiên, hai Ban vận động đã không thống nhất được nên hồ sơ lập hội bị trả lại.

Mới đây, ngày 9-5, khi cả hai Ban vận động quyết liệt nộp lại hồ sơ, cơ bản giữ nguyên như cũ, Bộ Nội vụ đã mở cuộc họp để nghe ý kiến đại diện các bên. Sau đó lãnh đạo Bộ Nội vụ đã bàn và thấy rằng khó có thể đáp ứng yêu cầu của cả hai Ban vận động này.

Cuộc chiến giữa nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống với nước mắm sản xuất theo phương pháp, quy mô công nghiệp và hương vị khác xem ra vẫn còn nóng bỏng.

MAI HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nuoc-mam-truyen-thong-gui-tam-thu-xin-duoc-tra-lai-dung-ten-837185.html