Nước lên cao đe dọa đê tả Bùi, Hà Nội sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân

Trước thực tế nước sông đã tràn đê tả Bùi, trong khi dự báo đêm nay mưa lớn tại Hòa Bình sẽ khiến nước sông tiếp tục lên cao ở mức nguy hiểm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu huyện Chương Mỹ sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân đến nơi an toàn....

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, chiều 30/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với ngập lụt tại địa bàn huyện Chương Mỹ.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thị sát tình hình an toàn đê tả Bùi

Báo cáo Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, đây là đợt mưa lũ lịch sử. Lũ từ Hòa Bình liên tục đổ về đoạn sông Bùi khiến nước dâng cao.

Đê Hữu sông Bùi cao trình 6.5m đã bị tràn 1 tuần nay. Đê Tả Bùi cao trình 7,5m, đến chiều 30/7, nước đã vượt báo động 3. Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, dự kiến đêm nay, khu vực Kim Bôi, Hòa Bình sẽ có mưa lớn và ngày mai 1/8, nước mới lên đỉnh điểm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, trong những ngày qua do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 18/7 đến 22/7 trên địa bàn huyện có mưa to và rất to. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt 7,5m ngày 30/7, trên báo động 3 là 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m.

Lũ rừng ngang đã tràn qua các khu vực Tân Mai, Bùi Xá của Thị trấn Xuân Mai; Xuân Linh, Bùi Xá của xã Thủy Xuân Tiên. Nước dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn của đê Hữu Bùi, làm ngập đê Bùi 2, gây ngập úng cho hầu hết diện tích canh tác ở vùng Hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng Tả Bùi – Hữu Đáy.

Nước đã tràn vào 2349 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó các thôn, xóm, khu dân cư bị ngập sâu là Bùi Xá – Thị trấn Xuân Mai; Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn – xã Nam Phương Tiến…Các thôn Yên Trình, Thuận Lương – xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập.

Nước đã tràn vào 2.349 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó các thôn, xóm

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài (Bộ NN và PTNT) cho biết, qua kiểm tra hiện trường cho thấy, công tác bảo đảm an ninh trật tự, đời sống người dân cũng như công tác chống tràn đê của huyện Chương Mỹ tại khu vực đê tả sông Bùi đúng kỹ thuật và tinh thần khẩn trương.

Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh về thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận rằng việc nước lên do xả lũ hồ Hòa Bình. “Nước lên không phải do xả lũ hồ hòa bình, hiện nay hồ hòa bình đóng toàn bộ các cửa xả, đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. Đây là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục xảy ra”, Tổng Cục trưởng Trần Quang Hoài khẳng định.

Tổng Cục trưởng cũng đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hiện trường là kiên cố bờ tả, bởi nếu có sự cố ở đây gây thiệt hại lớn về đời sống và kinh tế.

Hiện nay Đồng bằng sông Hồng bắt đầu đợt lũ chính vụ, Tổng cục trưởng đề nghị Chi cục đê điều Hà Nội tăng cường các lực lượng tuần tra canh gác và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó.

Trực tiếp kiểm tra hiện trường chiều 30/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Sở NN&PTNT cung cấp ngay 10.000 bao cát để các lực lượng tiếp tục triển khai đắp đê cao thêm 50cm nữa ngay trong đêm 30/7.

Chủ tịch UBND TP đề nghị huyện giao một Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp thông báo cho nhân dân các xã kê cao tài sản, di dời dân đến vùng an toàn đề phòng đêm nay tiếp tục mưa, nước dâng cao thêm; đảm bảo tuyệt đối an toàn về người.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng chỉ đạo các đơn vị cung cấp 5.000 bình nước uống cho các hộ dân ngay trong đêm nay. Chủ tịch UBND TP lưu ý các địa phương phải tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, ngăn việc người dân đi đánh cá ở khu vực nguy hiểm…; đồng thời sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân đến nơi an toàn khi nước tiếp tục lên cao.

Ông Nguyễn Đức Chung đặc biệt yêu cầu các đơn vị liên quan phải duy trì hệ thống điều hành bằng bộ đàm từ Chủ tịch UBND TP tới các lực lượng tại hiện trường 24/24 để kịp thời xử lý các tình huống, bảo đảm an toàn cho tuyến đê.

Để đảm bảo đời sống người dân lâu dài, Chủ tịch UBND TP cho biết, ngay sau đợt lũ này, thành phố sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho kè tuyến đê Tả Bùi bằng bê tông dự ứng lực như cách các nước Hà Lan, Bỉ đã làm. Với chiều sâu 10m và cao trình trên 8m phục vụ chống lũ trong hàng chục năm, thậm chí 100 năm tới.

Ngoài ra, sau đợt lũ này, thành phố sẽ tập trung nạo hút lòng sông để khơi thông dòng chảy. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo thực hiện ngay việc hỗ trợ gia đình có hai em nhỏ bị đuối nước 20 triệu đồng và gia đình người dân bị nạn khi đi đánh cá 10 triệu đồng.

Liên quan đến an toàn đê tả Bùi, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, nghiêm trọng nhất bây giờ đối với Hà Nội là lũ đang đe dọa đê tả Bùi của huyện Chương Mỹ.

Theo ông Thịnh, mực nước ở sông Bùi đoạn Yên Duyệt hiện là 7,52m, nếu đúng như dự báo nước sẽ lên khoảng nửa mét nữa là 8m thì tình hình sẽ hết sức nghiêm trọng đối với huyện Chương Mỹ nếu không có biện pháp quyết liệt để giữ đê.

“Nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ vào toàn bộ huyện Chương Mỹ và đi ngược lên các khu vực sâu bên trong Hà Nội, kể cả quận Hà Đông và một số quận nội thành. Các tuyến giao thông ra phía Tây sẽ bị chia cắt rất nghiêm trọng. Thiệt hại sẽ rất lớn” – ông Thịnh cảnh báo.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201807/nuoc-len-cao-de-doa-de-ta-bui-ha-noi-san-sang-di-doi-14000-ho-dan-609883/