Nước láng giềng Việt Nam có số trẻ béo phì tăng vọt

Chẳng ai xa lạ, đó chính là nước láng giềng rộng lớn Trung Quốc của chúng ta, theo một nghiên cứu toàn cầu mới nhất vừa công bố.

Theo Báo cáo về Bệnh tật Toàn cầu, do một nhóm nghiên cứu ở Đại học Washington ở Seattle đứng đầu, qua kiểm tra chứng béo phì ở 195 quốc gia từ năm 1980 đến năm 2015, họ đã nhận thấy tỷ lệ béo phì ở các quốc gia có thu nhập trung bình đang tăng lên. Cuộc nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tờ New England Journal of Medicine đã chỉ ra rằng Trung Quốc là nơi có 15 triệu trẻ em béo phì vào năm 2015, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Ấn Độ là nước đứng thứ hai với 14 triệu trẻ em béo phì.

Theo Financial Times, ở Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ chiến đấu để thoát khỏi sự đói nghèo cùng cực, việc béo tốt được thể hiện cho sự giàu có và phú quý. Thế nhưng hiện nay, cũng giống như ở nhiều nước phương Tây, tầng lớp người nghèo tại các đô thị lại là đối tượng chính cho sự béo phì.

Theo nghiên cứu, Trung Quốc có khoảng 57 triệu người lớn béo phì, chiếm khoảng 12% người trưởng thành của đất nước này. Đây là con số cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, nơi có tới 79 triệu người trưởng thành béo phì.

Nhưng vấn đề là phần lớn nạn nhân của dịch bệnh béo phì đang diễn ra ở Trung Quốc lại là các trẻ em.

Theo SCMP, ông Ma Guansheng, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Bắc Kinh, cho biết trong một báo cáo hồi năm ngoái thì chính thái độ của người lớn và các yếu tố môi trường là nguyên nhân cho sự suy giảm sức khỏe của trẻ em Trung Quốc. Rất ít trẻ đi xe đạp hoặc đi bộ đến trường. Việc gia tăng áp lực học tập có nghĩa là trẻ em phải dành nhiều thời gian để học tập và ít còn có thời gian để chơi bên ngoài.

Một nghiên cứu khác thì lại đổ lỗi cho dòng thực phẩm và đồ ăn vặt của phương Tây đã làm gia tăng tỷ lệ béo phì ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu nhận thấy điều này cũng có một phần đúng vì: thói quen ăn uống và nguồn thức ăn có nhiều liên quan đến béo phì ở trẻ em hơn là sự giàu có.

Các chuỗi thức ăn nhanh của phương Tây đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, khiến cho những loại thực phẩm được chế biến giàu năng lượng này ngày càng trở nên dễ tiếp cận nhờ giá cả phải chăng hơn đối với quảng đại quần chúng. Sự thành công của các thương hiệu này có thể giải thích cho sự tăng cân ở một số quần thể người, cả ở thành thị và nông thôn Trung Quốc.

Để chống lại đại dịch này, các trường học trên khắp đất nước đang bắt đầu khuyến khích lối sống lành mạnh và bắt đầu thu được một số có hiệu quả. Năm ngoái, một trường mẫu giáo ở Thượng Hải đã bắt đầu cho trẻ thừa cân ăn những bữa ăn nhẹ với rau quả, trong khi nhóm gầy yếu thì được cho ăn với trứng, thịt và bánh bích quy. Thế nhưng việc này nhanh chóng trở thành đề tài gây tranh cãi bởi cách thức phân loại trẻ em 5 tuổi theo cân nặng. Tuy nhiên, ít nhất thì họ cũng đang đi đúng hướng.

Các chuyên gia tin rằng việc cung cấp các loại thực phẩm lành mạnh tại trường học cũng như tại các cơ tập luyện thể thao công cộng sẽ góp phần quan trong vào việc thay đổi thói quen ăn uống cho trẻ em Trung Quốc.

Theo SH

Minh Minh

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/quoc-gia-nao-da-danh-bai-cac-doi-thu-de-tro-thanh-nuoc-co-nhieu-tre-em-beo-phi-nhat-the-gioi-a193398.html