Nước không phải là tài nguyên vô tận

Lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm 'mưa phá' là từ bác Tư – một chủ trang trại với 10ha trồng cam và quýt tại huyện Xuyên Mộc. Đó là những ngày đầu tháng 5, khi tôi lên thăm trang trại, bác Tư buồn rầu cho biết, vụ cam năm nay 'coi như xong'. Nguyên nhân là do từ một cơn mưa – mưa phá.

Theo giải thích của bác Tư, mưa phá là những cơn mưa đến sớm hoặc đến bất ngờ vào gần cuối mùa khô, thường rơi vào thời điểm hiện tại. Những cây cam, quýt đang trong trạng thái khô queo, ngủ yên, tĩnh lặng dưới cái nắng gần 40 độ ngoài trời suốt những ngày dài. Sương đêm hay hơi nước hiếm hoi len lỏi trong từng thớ đất chỉ đủ giữ cho cây không bị kiệt sức. Rồi một ngày, trời đang chang chang nắng, bỗng đâu mây đen kéo đến, những hạt mưa to nặng trút xuống khu vườn vừa nhanh, vừa mạnh, đủ để đánh thức những cây cam, quýt đang mòn mỏi chờ mưa. Thế là cành chuẩn bị nứt ra vô số kẽ chồi, sẵn sàng chuẩn bị cho một mùa quả bội thu, đáp lại công ơn chăm sóc của bác chủ vườn. Nhưng rồi không có bất kỳ một cơn mưa nào tới tiếp theo sau đó nữa. “Cơn mưa giết chết vườn cây trong tức tưởi, bất lực, ngay trước vạch đích”, bác Tư nói.

Bác Tư cũng như nhiều nông dân khác, dù đã chủ động ứng phó nhưng vẫn không thể tránh khỏi trước thay đổi mang tính chất khắc nghiệt, cực đoan, khó lường của thời tiết. Đặc biệt là những năm gần đây, vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, mưa đến muộn, các hồ nước bắt đầu cạn, thậm chí có một số lòng hồ trơ đáy. Nhiều giếng đào để phục vụ tưới cho các vườn cây đang trong tình cảnh khô cạn. Sự suy giảm nguồn nước từ các sông, suối, hồ… đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân mỗi ngày.

Theo Viện Tài nguyên thế giới, trong 50 năm qua, dân số toàn cầu tăng hơn 4 tỷ người khiến nhu cầu sử dụng nước ngọt tăng cao, đặc biệt là nước sinh hoạt tăng gấp 6 lần. Đến nay, 1/4 thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi lượng mưa, tốc độ băng tan, lũ lụt, hạn hán. Cảnh báo trong 5 năm tới, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng ngày càng cao, thế giới có khoảng 3,5 tỷ người khan hiếm nước ngọt. Ngay tại Việt Nam, hạn mặn gay gắt đang gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có tới 96.000 hộ dân không đủ nước sinh hoạt và hàng chục nghìn ha lúa không có nước tưới.

Còn tại BR-VT, mùa khô năm nay kéo dài, mực nước tại các ao hồ, sông suối đang ngày càng hạ thấp. Trong đó, huyện Xuyên Mộc là địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ mất trắng. Và đây không phải là lần đầu tiên người dân đối mặt với tình trạng thiếu nước do biến đổi khí hậu.

Những thách thức từ biến đổi khí hậu đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý phát thải khí nhà kính cũng như đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Kinh nghiệm từ Israel – một đất nước có hơn 60% diện tích phủ sa mạc, chỉ khoảng 2% diện tích là mặt nước cho thấy, để trở thành quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới chính là nhờ cuộc cách mạng về nước sạch. Người Israel phát minh ra những kỹ thuật kiểm soát nước không tưởng vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước và được áp dụng hiệu quả như tưới nhỏ giọt, tưới dưỡng chất, khử nước mặn và tái sử dụng nước thải.

Đặc biệt, việc cần làm thường xuyên là người dân phải hiểu rằng, nước không phải là thứ miễn phí, càng không phải tài nguyên vô tận.

NGÔ GIA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/202005/nuoc-khong-phai-la-tai-nguyen-vo-tan-899864/