Nước giải nhiệt không nên uống thay nước lọc

Những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên tới 37-380C khiến cho cơ thể dễ bị mất nước, sinh ra mệt mỏi, uể oải. Vì vậy, đồ uống giải nhiệt luôn được mọi người ưa thích. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, đồ uống giải nhiệt không phải uống thế nào cũng tốt.

Nước giải nhiệt ngày nóng không nên dùng thay nước lọc. Ảnh: P.T

Nước giải nhiệt ngày nóng không nên dùng thay nước lọc. Ảnh: P.T

Hại thân vì lạm dụng nước giải nhiệt

Để hạ nhiệt cơ thể trong những ngày thời tiết nóng nực, oi bức, những nguồn bổ sung thêm nước như: Nước dừa non, nước sấu ngâm, mơ ngâm, nước mía, nước ép trái cây hay lá rau má, rau ngô, mã đề… được nhiều người lựa chọn. Họ quan niệm những loại nước chế biến từ cỏ cây (thảo dược) vốn lành tính, không gây hại nên có thể tùy ý sử dụng.

Trường hợp con chị Nguyễn Thị Thơm (ở Nam Định) là một ví dụ. Cách đây vài bữa, con chị đã phải vào viện cấp cứu do mất nước quá nhiều. Nguyên nhân được bác sĩ xác định là do gia đình đã cho cháu bé uống quá nhiều loại nước lá. Trước đó, thấy cháu nổi mụn, mọc rôm nên anh chị đã cho con lấy râu ngô rồi rễ cỏ tranh đun uống thay nước lọc hàng ngày để giải nhiệt. Thấy con thường xuyên đi tiểu, chị lại nghĩ là tốt vì thải hết chất độc ra khỏi người, tốt cho sức khỏe. Gia đình chị chẳng thể ngờ đây lại là nguyên nhân khiến bé bị mất nước phải đi viện.

Vợ anh Hoàng Mạnh Hùng (ở Gia Lâm, Hà Nội) cũng vào viện trong tình trạng mất nước phải bù điện giải do lạm dụng nước giải nhiệt. Chị có thói quen mua nhiều rau má về xay sinh tố để tủ lạnh uống dần thay nước lọc hàng ngày. Vừa rồi uống được khoảng vài ngày, chị thấy bụng khó chịu, đi tiêu chảy dù mua thuốc uống vẫn không đỡ mà còn lả người đi.

Theo Lương y Quốc Trung (Phòng khám chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng), vào ngày hè rất nhiều người có thói quen lấy các loại rễ cỏ tranh, mía lau, mã đề, rau má... về nấu riêng từng thứ hoặc kết hợp với nhau với mục đích thanh nhiệt, giải độc. Bên cạnh đó là các loại nước uống làm từ đậu xanh, đậu đen, ngó sen, sắn dây, đậu ván trắng… Những loại đồ uống này tương đối lành tính và có công dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho ngày nắng nóng.

Dù các loại nước này có tốt đến đâu cũng không nên dùng liên tục hàng ngày thay nước lọc. Bởi ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược có tác dụng lợi tiểu dễ làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải… Uống nhiều vào buổi tối càng dễ đi tiểu nhiều về đêm gây mất ngủ. Mọi người chú ý đến liều lượng và thay đổi thường xuyên các thành phần trong việc nấu nước mát cho gia đình.

Chẳng hạn, râu ngô lượng dùng khoảng 20gr tươi trở lại, ở dạng râu ngô khô là 10gr. Trẻ nhỏ uống chỉ nên là 1-2 ly nhỏ khoảng 200-300ml mỗi ngày. Dùng chữa bệnh chỉ dùng khoảng10 ngày rồi ngưng một tuần rồi dùng lại. Đối với người đái tháo đường, không sử dụng công thức có mía lau. Còn rau má có tính hàn nên những người lạnh bụng cần thận trọng khi dùng…

Uống nước đúng cách ngày nắng

BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, với các loại đồ uống mùa hè không phải uống thế nào cũng được. Mọi người cũng cần phải lưu ý khi lựa chọn.

Rất nhiều người thích uống các loại nước có gas vì dễ mua, dễ uống và tiện dụng. Đa phần mọi người sẽ cảm thấy sảng khoái, khỏe hơn sau khi uống nước có gas, thậm chí khỏe hơn là do trong các loại thức uống có gas có nhiều đường, hấp thu nhanh làm tăng đường huyết, có một số chất kích thích thần kinh trung ương như cafein làm cơ thể tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng nước ngọt có gas sẽ không tốt cho sức khỏe khiến đường huyết tăng cao…

Bạn nên uống nước lọc hàng ngày. Với người bình thường, lượng nước được đưa vào cơ thể khoảng 2.500ml nước/ngày, trong đó nước uống khoảng 1.000-1.500ml. Nếu phải di chuyển nhiều trên đường hay làm việc ngoài trời cần bổ sung thêm nhiều nước hơn. Không nên để đến lúc khát mới uống nước. Khi đó cơ thể chúng ta đã mất đi một lượng nước khá lớn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến tim, nguy cơ đột quỵ dưới trời nắng nóng.

Tốt nhất là uống các loại nước có tác dụng thanh nhiệt, giải nóng như nước chè xanh, nước ép rau hoa quả. Nước ép trái cây như nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… nếu khi chế biến không cho thêm đường sẽ tốt hơn. Các loại nước quả ép này vừa cung cấp nước, vừa cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp xóa tan những mệt mỏi, lưu thông khí huyết tốt. Các loại nước ép từ rau củ như: Củ đậu, bí xanh, nước rau má… vừa không sợ bị tăng cân, mà còn có tác dụng giải nhiệt nhất là trong những ngày hè nóng bức.

Việc sử dụng nước dừa thay thế nước lọc, nhất là với bà bầu trong những ngày hè cần thận trọng. BS Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện 198) cho rằng, không nên thấy nước dừa ngon mà uống nhiều. Mọi người chỉ nên xem nước dừa là thức uống bổ sung và vẫn phải bổ sung thêm nước lọc. Bởi lạm dụng có thể là nguyên nhân khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, ủ rũ, ớn lạnh, đầy bụng, khó tiêu.

Uống quá hai quả dừa trên ngày sẽ gây ra tình trạng thừa đường, thừa calo dễ dẫn tới béo phì. Hàm lượng đường trong nước dừa non tương đối cao nên tránh uống trước bữa ăn vì sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, nhất là ở trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai. Người mới đi nắng về hay vận động viên thể thao tập luyện mất nhiều mồ hôi muốn uống nước dừa để giải nhiệt, cần cho thêm một chút muối vào trong nước dừa để bổ sung điện giải cho cơ thể.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi uống nước lọc hay nước giải nhiệt cần uống từ từ để cho cơ thể hấp thu nước, không uống tới mức quá no trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng lưu lượng tuần hoàn, làm tăng gánh nặng cho tim. Điều này sẽ rất nguy hiểm đối với người lao động nặng, vừa đi nắng về, vận động viên vừa hoạt động mạnh xong.

Để cơ thể chống lại cái nóng ngày hè, ngoài dùng các loại nước uống giải nhiệt, bạn cũng cần ăn nhiều hoa quả giàu vitamin A, C, E… và thực phẩm chứa selen là những vi lượng rất cần cho cơ thể lúc nắng nóng. Chúng có nhiều trong thịt, tôm cua, sò, ốc, rau xanh, thực phẩm giàu protein.

Hà My

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nuoc-giai-nhiet-khong-nen-uong-thay-nuoc-loc-20170509091441044.htm