Nước Đức trước kỷ nguyên 'Không Merkel'

'Tôi không được sinh ra làm Thủ tướng và tôi chưa bao giờ quên điều đó. Phục vụ nhân dân như Thủ tướng là một 'danh dự'. Tôi rất biết ơn rằng tôi đã có thể làm điều này trong một thời gian dài. Nhưng đã đến lúc bắt đầu một chương mới', Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.

Chương mới cho nước Đức?

Hôm 29-10, tức một ngày sau thất bại nặng nề của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tại cuộc bầu cử địa phương ở bang Hessen, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng CDU dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới tại thành phố Hamburg. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính trị gia quyền lực nhất châu Âu này sẽ rời xa chính trường, trở lại cuộc sống thường nhật sau 13 năm giữ vị trí cao nhất trong chính phủ Đức.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở đảng CDU, bà Angela Merkel nói: “Đảng bảo thủ của tôi có thể bầu một lãnh đạo mới tại Đại hội đảng ở Hamburg, cùng với một chương trình cơ bản mới, để chuẩn bị cho thời gian sau khi tôi nghỉ. Tôi không được sinh ra làm Thủ tướng và tôi chưa bao giờ quên điều đó. Phục vụ nhân dân như Thủ tướng là một "danh dự". Tôi rất biết ơn rằng tôi đã có thể làm điều này trong một thời gian dài. Nhưng đã đến lúc bắt đầu một chương mới".

Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo sẽ từ chức Chủ tịch đảng CDU vào kỳ Đại hội đảng tháng 12 tới. ảnh: Getty

Khi được hỏi sẽ làm gì sau khi rời văn phòng Thủ tướng, người phụ nữ từng được mệnh danh là quyền lực nhất thế giới mỉm cười lịch sự: "Tôi nghĩ rằng tôi rất, rất giỏi trong việc giữ cho bản thân mình bận rộn".

Hãng tin AP cho hay, một trong những lý do khiến bà Angela Merkel quyết định như vậy là vì kết quả cuộc bầu cử bang Hessen diễn ra hôm 28-10. Đảng CDU của bà chỉ giành được 27,6% số phiếu. Và dù đảng CDU vẫn về nhất tại bang này nhưng số phiếu ủng hộ đã giảm gần 11% so với kết quả bầu cử năm 2013 (gần 39%).

Đây là một thất bại đau đớn của đảng CDU bởi không chỉ uy tín giảm sút của đảng này mà liên minh của CDU trong chính phủ là đảng Dân chủ xã hội (SPD) cũng nhận một kết quả tệ hại (được khoảng 20% số phiếu ủng hộ, tức giảm 10% so với kỳ bầu cử 5 năm trước). Thủ hiến bang Hessen, ông Volker Bouffier - một trong những nhà lãnh đạo của CDU thừa nhận "bước thụt lùi lớn nhất của chính phủ liên minh kể từ năm 1946".

Đảng CDU và đảng liên minh SPD đã thất bại đau đớn trong cuộc bầu cử ở bang Hessen. ảnh: News.cn

Trong khi đó, đảng cực hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) - một đối thủ mạnh của CDU và SPD lại lần đầu tiên trong lịch sử giành ghế tại Nghị viện bang Hessen với 12% phiếu ủng hộ, nâng tổng số ghế của đảng này trong Nghị viên các bang ở Đức lên 16 ghế. Trước đó, kết quả bầu cử tại bang Bavaria cũng cho thấy, đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) - một trong 3 đảng tham gia chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel chỉ giành được 37,3% phiếu trong tổng số phiếu bầu của 9,5 triệu cử tri, tức ít hơn 10% số phiếu so với kỳ bầu cử năm 2013.

Bà Angela Merkel giữ chức Chủ tịch CDU kể từ năm 2000 và giữ chức Thủ tướng Đức từ năm 2005. Trong 13 năm giữ vài trò đứng đầu chính phủ Đức, bà đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu, và tạo nên sự ổn định cho nước Đức, được người dân gọi với biệt hiệu trìu mến là "Mutti", hay là Mẹ.

Tuy nhiên, uy tín chính trị của bà đã bị sụt giảm mạnh kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào năm 2015. Quyết định mở cửa biên giới Đức của chính phủ do bà Angela Merkel đứng đầu đã dẫn tới hệ quả có hơn 1,2 triệu người di cư tràn vào nước Đức trong 3 năm qua, tạo ra nhiều xáo trộn về xã hội, cũng như đẩy nước Đức và châu Âu vào tình thế bất ổn về an ninh.

Điều này được phản ánh rõ nét qua cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội liên bang Đức hồi tháng 9-2017, mà liên minh cầm quyền gồm CDU, CSU và SPD đều bị mất phiếu một cách nghiêm trọng. Còn lần này, giới quan sát nhận định, các thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử tại bang Bavaria và Hessen của CDU, CSU SPU đang gây sức ép lớn lên chính phủ và đe dọa làm tan vỡ chính phủ liên minh.

Nhiều người bày tỏ lấy làm tiếc vì bà Angela Merkel đã làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng cũng có người cho rằng quyết định của Thủ tướng tạo nên điều mới mẻ cho chính trường Đức.

Những thách thức không nhỏ

Theo hãng tin DPA, dù không tranh cử chức Chủ tịch CDU song bà Angela Merkel sẽ vẫn tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Đức cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Nhưng với một chính phủ liên minh ngày càng không được ưa chuộng và không ổn định, người ta không loại trừ khả năng bà Angela Merkel sẽ kết thúc nhiệm kỳ sớm hơn. Vì vậy, nội bộ đảng CDU cũng đã đẩy nhanh các thảo luận về người kế nhiệm "bà đầm thép Đức".

Tờ DW đưa tin, nhân vật đang được chú ý nhiều nhất và có thể thay thế vị trí của bà Angela Merkel trong đảng CDU là Tổng thư ký CDU Annegret Kramp-Karrenbauer. Tuy nổi tiếng và có tiếng nói trong chính trường Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer lại không được biết đến bên ngoài quốc gia này. Vì vậy, sự ủng hộ của quốc tế cũng như uy tín của bà trên chính trường châu Âu được cho là sẽ yếu hơn rất nhiều so với bà Angela Merkel. Ngoài ra còn có hai nhân vật khác là Bộ trưởng Y tế Jens Spahn - người vẫn thường chỉ trích chính sách mở cửa nhập cư của chính phủ và Friedrich Merz - đối thủ cũ của bà Angela Merkel trong CDU.

Và tình thế nước Đức sau cuộc bầu cử trong CDU tháng 12 tới sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ai sẽ giữ chức Chủ tịch CDU. Nếu đó là người trung thành với đương kim Thủ tướng thì chuyển giao quyền lực sẽ suôn sẻ. Nhưng nếu kết quả ngược lại thì sẽ có nhiều xáo trộn và thậm chí những năm tháng cuối nhiệm kỳ của bà Angela Merkel sẽ không hề dễ dàng.

Trong 13 năm làm Thủ tướng Đức, 12 năm bà Angela Merkel được Tạp chí Forbes bầu chọn là Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. ảnh: Reuters

Phản ứng trước quyết định của Thủ tướng, nhiều người Đức bày tỏ lấy làm tiếc vì bà Angela Merkel đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng cũng có người cho rằng quyết định của Thủ tướng tạo nên điều mới mẻ cho chính trường Đức và rằng với một châu Âu già cỗi cùng một chính quyền dưới 13 năm điều hành của chính phủ liên minh, đã đến lúc nước Đức chọn một con đường mới để phát triển, nhất là trong bối cảnh sự chuyển động nhanh chóng của thế giới.

Thomas Heilmann, một thành viên cấp cao của CDU trong Quốc hội Đức cho biết: "Quyết định của bà Angela Merkel tạo cho nước Đức cơ hội để có một sự khởi đầu mới - điều chắc chắn là cần thiết vào lúc này. Tôi trung thành với CDU và Thủ tướng. Nhưng lòng trung thành đó không ngăn tôi nhìn thấy thực tế, và thực tế là kết quả bầu cử của đảng do bà dẫn đầu đã không tốt như trước đây".

Trong khi đó, Jan Techau, Giám đốc Chương trình Châu Âu tại Quỹ Marshall của Mỹ nhận định: "Áp lực nội bộ ở Đức đối với bà Angela Merkel đang trở nên quá mạnh. Nhưng dù gì thì nước Đức cũng cần có một sự thay đổi, cho dù điều đó cũng tạo ra những thách thức không nhỏ".

Stefan Koopman, một nhà kinh tế tại Rabobank nói: "Thông báo của bà Angela Merkel không đáng ngạc nhiên nhưng nó vẫn đến như một cú sốc. Nó nhấn mạnh sự mong manh mới của chính trị Đức và sự không chắc chắn lớn đối với một châu Âu mà không có bà Angela Merkel ở vị trí lãnh đạo. Đức đã là một cái nôi của sự ổn định chính trị trong thập kỷ qua, nhưng điều này bây giờ có vẻ đã khác".

Stefan Koopman lập luận rằng, sự rút lui của bà Angela Merkel có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới không chỉ cho đất nước lớn nhất châu Âu mà còn cho chính lục địa này. Nó cũng có thể khiến Đức trở nên bất ổn hơn và ít có khả năng dẫn đầu ở châu Âu vào thời điểm mà liên minh này cần một nhà lãnh đạo có tầm trong một loạt các chủ đề, từ sự ra đi sắp tới của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) đến các kế hoạch ngân sách gây tranh cãi của Italia.

"Thật khó để vượt qua phạm vi ảnh hưởng của Đức đối với các vấn đề châu Âu trong thời kỳ Angela Merkel, đặc biệt là trong chính sách kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, các chính sách thắt lưng buộc bụng do Đức dẫn đầu đã được áp dụng đối với các nước nợ như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đặc biệt là Hy Lạp.

Hình ảnh bà Angela Merkel cũng là hiện thân của chính sách ngoại giao của châu Âu trong những năm gần đây, đòi hỏi một đường lối khó khăn trong việc duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine, với các nước châu Âu khác ít nhiệt tình hơn. Bên trong EU, phiên bản tự do bảo thủ của bà Angela Merkel đã giúp phục vụ như là một bức tường chống lại sự thúc đẩy dân tộc từ các nhà lãnh đạo bảo thủ khác ở các nước như Hungary và Ba Lan.

Và chính bà Angela Merkel, người chủ yếu đứng lên với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã giành được sự tôn trọng của nhiều người ở châu Âu và xa hơn nữa, người đã chấp nhận bà như một người bảo vệ trật tự tự do", Stefan Koopman nhấn mạnh.

Huyền Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nuoc-duc-truoc-ky-nguyen-khong-merkel-517515/