Nước đi mới của Vũ trụ Điện ảnh Marvel

6 tập phim 'Ms. Marvel' khép lại, tạo tiền đề phát triển nhiều tuyến nhân vật mới thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) mở rộng với hàng loạt series trong Giai đoạn 4. Từ WandaVision đến Moon Knight, Marvel không ngừng nỗ lực thử sức với nhiều thể loại phim khác nhau, trên "khung sườn" là các nhân vật siêu anh hùng.

Khác với những đàn anh, đàn chị trước, Ms.Marvel mang màu sắc học đường, dưới góc nhìn của một nữ sinh tuổi teen. Cũng vì thế, series thiếu đi sự nghiêm trọng cần thiết và nhận nhiều ý kiến trái chiều.

 Ms. Marvel mang hơi hướm một phim tuổi teen.

Ms. Marvel mang hơi hướm một phim tuổi teen.

Ms. Marvel xoay quanh Kamala Khan (Iman Vellani) - cô gái người Mỹ gốc Pakistan vừa bước qua độ tuổi 16. Ngày nọ, cô sở hữu sức mạnh siêu phàm cùng khả năng tạo vật chất từ năng lượng, thông qua vòng tay do bà cố để lại. Từ đây, Kamala bắt đầu cuộc hành trình xuôi về cội nguồn gia tộc, từ đó hé lộ sự thật chấn động.

Thực chất, loạt phim không có nhiều liên kết với nhóm Avengers hay Vũ trụ Marvel nói chung, trừ chi tiết Kamala Khan là fan cuồng nhiệt của Captain Marvel (Brie Larson).

Song, những bí mật được nữ chính phát hiện xuyên suốt 6 tập phim đóng vai trò gợi mở cho những kịch bản lớn hơn của MCU.

Màn ra mắt khó khăn

Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, series nhận chỉ trích khi Marvel thay đổi gốc gác nhân vật chính. Trong truyện tranh, Kamala Khan là một Inhuman. Khi lên phim, nguồn sức mạnh đến từ chiếc vòng tay, nên khả năng của cô được ví như Green Lantern của vũ trụ DC.

Tập đầu của series sau khi công chiếu đã nhận về hàng loạt "bão" một sao trên Imdb và Rotten Tomatoes.

Ngoài những phàn nàn xung quanh việc thay đổi sức mạnh, số khác còn than phiền về việc Marvel quá tập trung vào vấn đề xã hội thay vì câu chuyện. Người Hồi giáo thường được Hollywood mô tả tiêu cực cũng là một trong những lý do khiến series chịu nhiều định kiến.

Phim ban đầu nhận chỉ trích vì xuất thân nhân vật chính.

Có một sự thật rằng dù nhiều thế hệ trôi qua, nhưng trong mắt người Mỹ, Hồi giáo vẫn là mối nguy hại. Marvel có nước đi mạo hiểm khi chọn thể hiện một nền văn hóa và tôn giáo lên màn ảnh, hơn nữa còn là một đất nước có lịch sử phức tạp như Pakistan.

Đáp trả những nhận xét, Iman Vellani trả lời trong một cuộc phỏng vấn với NME: "Tôi nghĩ series về cô gái 16 tuổi người Hồi giáo biến thành siêu anh hùng là điều đáng sợ đối với rất nhiều người. Họ dè chừng vì định kiến cá nhân, chứ không có lý do. Nhiều khi nỗi sợ hãi khiến người ta trở nên vô lý".

Câu chuyện đủ giữ chân người xem

Trong 3 tập đầu, nhịp phim chậm, chủ yếu mang tính cung cấp thông tin.

Ms. Marvel dành tương đối thời lượng kể quá trình phát hiện ra sức mạnh, sự hào hứng làm anh hùng, cũng như những vấp ngã đầu đời của Kamala. Với những chi tiết úp mở, nhiều giả thuyết được đặt ra từ phía cộng đồng fan.

Moon Knight ra mắt hồi đầu năm được đánh giá là một trong những series hay nhất, kể từ WandaVision Loki. Ms. Marvel được công chiếu ngay sau đó vài tháng, khó tránh khỏi cái bóng quá lớn của phim tiền nhiệm.

Moon Knight là siêu anh hùng bạo lực và đen tối, trong khi phim về Kamala lại tươi sáng phù hợp với tuổi học trò. Với xu hướng ưa chuộng các siêu anh hùng có chiều sâu hiện nay, khán giả trưởng thành dễ cảm thấy Ms. Marvel mờ nhạt.

Bất chấp những khó khăn, phim bật lên nhờ câu chuyện đi tìm chính mình, cũng như việc tôn vinh vẻ đẹp của nền văn hóa Pakistan.

Ms. Marvel là câu chuyện siêu anh hùng thiếu niên điển hình nhưng cũng gần gũi với đời thường. Ngay cả trước khi có sức mạnh, Kamala vẫn đang chật vật tìm kiếm chỗ đứng của mình trong thế giới. Thông điệp mà bộ phim truyền tải rất đơn giản: Ai cũng có thể làm siêu anh hùng, bất kể xuất thân, màu da, tôn giáo.

Đằng sau lớp vỏ bọc siêu anh hùng, Ms. Marvel là câu chuyện tìm kiếm bản ngã.

Sự xuất hiện của Cục kiểm soát thiệt hại Damage Control (DODC) đặt Kamala vào tình thế khó xử về việc trở thành một siêu anh hùng, vì sự hiện diện của cô trở thành mối đe dọa không chỉ đối với gia đình mà còn đối với cộng đồng của cô, những người vốn bị chính phủ kiểm soát.

Không cần đao to búa lớn, tính nữ quyền được mô tả rất nhẹ nhàng trong phim, điển hình qua nhân vật Nakia (Yasmeen Fletcher). Dù xuất hiện ít, phân cảnh cô đáp trả lại đặc vụ Deever (Alyssa Reiner) cho thấy sự thông minh và bản lĩnh dù còn trẻ tuổi.

Dàn diễn viên thực lực nhưng kịch bản ôm đồm

Kamala Khan là vai diễn đầu tay của Vellani, song cô nhanh chóng chiếm được cảm tình người xem nhờ diễn xuất duyên dáng.

Gia đình nhà Khan gồm người anh trai Aamir (Saagar Shaikh), bố mẹ Muneeba và Yusuf (do Zenobia Shroff và Mohan Kapoor thủ vai) đều có tương tác tự nhiên với nhân vật chính.

Ms. Marvel cho thấy một siêu anh hùng đúng nghĩa được tạo nên nhờ tình cảm gia đình.

Iman Vellani có màn chào sân ấn tượng.

Kamala còn nhận được sự giúp đỡ lớn từ cậu bạn thân giỏi công nghệ Bruno Carelli (Matt Linz) và Kareem/ Red Dagger (Aramis Knight). Nguồn năng lượng tươi trẻ mà các diễn viên mang lại là một trong những điểm sáng của series. Tuy nhiên, thời lượng xuất hiện của các nhân vật không nhiều, chưa kể Marvel còn sa đà vào mạch phụ về Sự chia cắt (The Partition) - thời điểm lịch sử quan trọng ở Ấn Độ - mà bỏ quên mạch chính.

Mặt khác, phe phản diện Clandestine gây thất vọng với tạo hình nhàm chán cùng cá tính nhạt nhòa.

6 tập phim đã kết thúc nhưng Ms. Marvel vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp và mang tính chất giới thiệu nhiều hơn là một phần phim độc lập. Nhìn chung, Ms. Marvel vẫn là sự bổ sung cần thiết cho một MCU ngày càng lớn mạnh.

Trong tập cuối, qua cuộc đối thoại giữa Bruno và Kamala, các fan không khỏi bất ngờ khi dị nhân (mutant) - chủng loài nổi tiếng nhất nhì Marvel được gọi tên. After credit còn có vai khách mời của một nhân vật quan trọng, dẫn đến bộ phim The Marvels năm sau.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-di-moi-cua-vu-tru-dien-anh-marvel-post1336565.html