Nước Đà Nẵng lo lò đốt rác Quảng Nam: Có thái quá?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói thẳng là Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng lo lắng quá xa về dự án 'Lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa'.

Ngày 15/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam”, do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư gần 100 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích khoảng 7ha.

Mới đây, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phản ứng bằng cách gửi văn bản lên HĐND và UBND TP Đà Nẵng cho rằng dự án “Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa” hoàn thành đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên…, và do đó mức độ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân TP Đà Nẵng.

Dawaco dẫn chứng dự án lò đốt rác thải sinh hoạt này có quy mô lớn 240 tấn/ngày nằm trên lưu vực sông Yên và đây là nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng. Trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh các vấn đề như vận chuyển rác, khí thải, mùi hôi, nước thải xử lý rác cũng như nước rỉ rác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên, vị trí xây dựng lò đốt rác xã Đại Nghĩa, xã Đại Hiệp cách xã Hòa Khương (TP Đà Nẵng) và đập dâng An Trạch chỉ khoảng 4km do đó mức độ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân TP Đà Nẵng.

Bãi rác Đại Nghĩa thay thế cho bãi rác Đại Hiệp đóng cửa vào cuối năm 2018. Ảnh Báo Quảng Nam.

Bãi rác Đại Nghĩa thay thế cho bãi rác Đại Hiệp đóng cửa vào cuối năm 2018. Ảnh Báo Quảng Nam.

Đề nghị HĐND và UBND TP Đà Nẵng quan tâm đến dự án lò đốt rác thải sinh hoạt này và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng xử lý điều chỉnh vị trí dự án cũng như có các chỉ đạo đến các cơ quan quản lý chuyên ngành tham mưu, giải quyết để không gây các ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Yên cấp nước cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sáng ngày 26/5, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có nội dung giải thích trước sự lo lắng của Cty CP Cấp nước Đà Nẵng. Ông cho rằng ông cũng khá ngạc nhiên về ý kiến này.

Theo ông Thanh, với tinh thần cầu thị và để chắc chắn hơn, sáng ngày 25/5, ông đã đi khảo sát lại một lần nữa, từ vị trí đặt nhà máy đến điểm tiếp cận gần nhất của sông Yên và đến khu vực sông thuộc đập dâng An Trạch. Qua đó, có thể thấy rằng lo lắng của Dawco là quá xa và không phù hợp với thực tế.

Ông Lê Trí Thanh cho biết khu xử lý rác Đại Hiệp nằm trên núi thấp phía Tây QL14B, tiếp giáp khu nghĩa địa nhân dân và mỏ đá xây dựng của doanh nghiệp, hoạt động từ năm 2003 đến nay nhằm thu gom xử lý rác cho huyện Đại Lộc và một số địa phương lân cận bằng công nghệ chôn lấp. Ngay từ khi chọn lựa vị trí, Quảng Nam đã khảo sát, đánh giá rất kỹ tác động đến môi trường xung quanh, hơn 15 năm qua chưa có vấn đề gì về môi trường cả. Tuy nhiên, hiện nay bãi rác đã đầy (300.000m3) nên phải tìm một vị trí khác, đồng thời với lựa chọn công nghệ tiên tiến hơn. Khu chôn lấp rác Đại Hiệp sẽ dừng hoạt động, được xử lý phục hồi môi trường và trồng lại cây xanh.

Còn vị trí nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa cách khu xử lý rác Đại Hiệp 400m về phía Tây, cách nhà dân gần nhất thuộc xã Đại Nghĩa theo đường chim bay 1.100m, cách nhà dân gần nhất thuộc xã Hòa Khương trên 4.000m so với qui chuẩn 500m.

Nhà máy sử dụng công nghệ lò đốt RS-VINABIMA-5000 là rất ổn. ĐTM của dự án đã được Sở TN-TM Quảng Nam phê duyệt.

Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh, nhà máy được xây dựng tường rào có rãnh thu gom nước, và còn có hệ thống thu gom khí tại bể chứa để dẫn về lò đốt, bổ sung không khí cho quá trình đốt theo chu trình khép kín, vì vậy đứng ngay trong nhà máy cũng gần như không có mùi.

Nước rỉ rác vì vậy có rất ít và nằm gọn trong bể chứa, được dẫn ra ngoài đưa vào hệ thống 4 bể xử lý rồi chuyển qua chứa trong bể sinh học (dung tích tối đa 3.500m3), từ đây lại được lắng và chuyển qua bể chứa nước để tái sử dụng làm mát cho thiết bị đốt, đồng thời cũng là bể nước cho công tác PCCC.

Lượng nước thải tối đa 65m3/ngày, được xử lý tuần hoàn, không xả ra bên ngoài. Như vậy có thể khẳng định về cơ bản không có nước bẩn do hoạt động của nhà máy xả thải ra môi trường, vậy lấy đâu ra nước đổ về sông Yên? Vì vậy, lo lắng của Cty CP Cấp nước Đà Nẵng là quá xa và không phù hợp với thực tế.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý không nên đi quá xa trong vấn đề này để không tạo hoang mang, hiểu nhầm trong dư luận.

Hồng Sơn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nuoc-da-nang-lo-lo-dot-rac-quang-nam-co-thai-qua-3380753/