Nước đã đến chân, du lịch phải dẹp được 'bệnh thành tích'

Đại dịch Covid-19 có là cơ hội 'tái cơ cấu' ngành du lịch Việt vốn vẫn đang tồn tại nhiều điểm yếu kém, hạn chế?

Cơn bĩ cực của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành du lịch Việt Nam nói riêng có lẽ đỡ khắc nghiệt hơn nhiều tình trạng mà rất nhiều nước trên thế giới đang phải trải qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Không phải ngẫu nhiên mà hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam là nền kinh tế chịu tác động ít nhất bởi đại dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước có thể đạt 2,8%. Việt Nam đang đứng trước cơ hội kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, và vì thế, tương lai nhiều mầu hồng vẫn đang mở rộng với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận, cú đánh từ đại dịch Covid-19 đến nhóm các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch vẫn rất nặng nề. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Khách nội địa được dự báo cũng giảm 50% so với năm ngoái. Dự kiến, ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh nghiệp du lịch ngay lập tức được xếp vào nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề và được giải cứu.

Sẽ là những tranh luận khó có hồi kết nếu đề cập tới vấn đề cứu hay không cứu những ông chủ resort than phiền vì không có khách, những đại gia lữ hành buồn lòng vì ‘vắng người trên các chuyến xe’. Rất nhiều doanh nghiệp thuộc đủ mọi lĩnh vực vốn đã khó khăn lại tiếp tục gánh chịu hệ lụy từ dịch bệnh, đến mức câu chuyện phá sản được coi như một tình thế ‘tất dĩ ngẫu’. Có thể, họ còn không đủ sức để cất lời kêu cứu hay dẫu có cố sức, cũng chỉ xuất hiện những tiếng thều thào không hồi đáp.

Vắng khách do đại dịch Covid-19, một resort ở Ấn Độ đã tận dụng hồ bơi để nuôi cá

Vắng khách do đại dịch Covid-19, một resort ở Ấn Độ đã tận dụng hồ bơi để nuôi cá

Băn khoăn về ưu tiên ngành dịch vụ hay ngành sản xuất cũng sẽ vấp phải bức tường đá tương tự. Khi chưa có chiến lược cứu trợ dựa trên những nghiên cứu, tính toán, dự đoán bài bản, chuyên nghiệp, đổ tiền vào những doanh nghiệp vẫn còn tương đối khỏe mạnh là lựa chọn an toàn hơn. Viễn cảnh khi các ngành sản xuất suy yếu, những ngành dịch vụ sẽ ảnh hưởng theo, và đây là một cơn ốm yếu từ bên trong, đương nhiên, đã được lường đến. Thế nhưng, vẫn còn quá nhiều lý do để lạc quan, mà mới đây nhất, thống kê 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu 20 tỷ USD, trong đó khu vực FDI xuất siêu 29 tỷ USD.

Không ai chấp nhận bàn lùi, hay nói cách khác, phải thảo luận cách thức tối ưu hóa hiệu quả dựa trên bàn cờ đã có sẵn nhiều nước đi. Đối với trường hợp ngành du lịch, đang có hai vấn đề cần quan tâm. Một là, thiết kế gói hỗ trợ lần hai thế nào. Hai là, liệu đây có là cơ hội ‘tái cơ cấu’ ngành du lịch Việt vốn vẫn đang tồn tại nhiều điểm yếu kém, hạn chế?

Được biết, với ngành du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp. Ngoài ra, sẽ điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở du lịch đến hết năm 2021 và duy trì các biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất.

Hẳn đã có những niềm xúc động sâu xa khi số phận của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch được quan tâm, ưu ái. Dẫu rằng, khi trí óc cất tiếng nói mạnh hơn tiếng trái tim, người ta băn khoăn rằng, kể cả khi thủ tục thông thoáng, việc giảm tiền ký quỹ chỉ giúp doanh nghiệp lấy lại được vài trăm triệu, một con số tương đối khiếm tốn.

Điều chỉnh giá điện chẳng thể là một niềm an ủi lớn hơn, đơn giản bởi, khi vắng hoặc không có khách, tiền điện không là một vấn đề quá lớn. Tính toán tương tự được áp dụng với việc gia hạn thời gian nộp thuế. Tiền thuê đất không thể là vấn đề với nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành hay những doanh nghiệp lưu trú xây khách sạn trên khoảnh đất thuộc quyền sở hữu của chính họ.

Xem ra, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ những chính sách này lại là các đại gia du lịch sở hữu nhiều bất động sản nghỉ dưỡng và những doanh nghiệp vẫn còn thu hút được lượng khách đủ để cầm cự. Sẽ lại nghe thấy tiếng thở dài về lẽ công bằng khi nền kinh tế khó khăn, các đối tượng khỏe hơn cần phải thể hiện trách nhiệm lớn hơn. Vậy mà, người giàu vẫn nở nụ cười rạng rỡ, được mùa…

Đã có những đề xuất kích cầu du lịch chung bằng cách hỗ trợ tiền, voucher du lịch cho người dân. Tuy nhiên, dù có áp dụng những biện pháp kích cầu trực tiếp này, hiệu quả vẫn là một câu hỏi lớn. Chính sách phát tiền cho người dân tăng chi tiêu ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản… đã ghi nhận phản ứng bất ngờ từ phía người dân. Đến những người có thu nhập trung bình hàng chục ngàn USD vẫn lựa chọn tiết kiệm chi tiêu khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù sống trong một quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, người Việt liệu có mạnh tay chi tiền đi chơi? Ở kịch bản xấu hơn, biến tướng chính sách khiến cho hiệu quả thực sự chỉ đến với ‘nhóm lợi ích’, một nguồn lực quý giá của đất nước lại bị phung phí.

Tiếp cận theo hướng coi đại dịch là một cơ hội tái cơ cấu ngành du lịch Việt Nam dễ nhận được sự đồng tình hơn. Những điểm yếu của ngành công nghiệp không khói tại dải đất hình chữ S đã được chỉ rõ. Về thị trường, khách quốc tế phụ thuộc vào khách Trung Quốc, Hàn Quốc, chưa khai thác được các thị trường giàu có như Mỹ, Nhật, châu Âu, du lịch nội địa vẫn chưa phát huy hết tiềm năng... Về sản phẩm du lịch, xu hướng bê tông hóa, điểm đến ‘đồng dạng’, phát triển thiếu định hướng dẫn đến tự đánh mất bản sắc… đang tồn tại. Những gót chân Achilles này cần phải được khắc phục.

Vậy chúng ta cần làm thế nào? Sẽ rất khó đưa ra định hướng và các biện pháp hiệu quả nếu ngành du lịch không tự nhìn nhận chính xác hiện trạng phát triển của mình. Nhiệm vụ này hiện đang ở tình trạng ‘bất khả thi’ khi ngay từ bước thống kê đầu tiên, con số đã không gần với sự thật.

Hiện tại, lượng khách quốc tế được tính theo số liệu hải quan. Nói nôm na, cứ nhập cảnh vào Việt Nam là được tính du khách quốc tế, trong khi rất nhiều trong số đó là du học sinh từ nước ngoài, Việt kiều về thăm thân, người nước ngoài vào Việt Nam lao động, công tác…

Đối với khách nội địa, sự không thống nhất trong cách thống kê khách nội địa giữa các địa phương, chưa phân biệt khách qua đường hay khách nghỉ đêm… dẫn đến việc tính trùng, tính sai. Đó là chưa kể, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú có thể cũng không tính đúng, tính đủ lượng khách để giảm gánh nặng đóng góp.

Khi việc tính đúng, tính đủ số lượng khách trong nước và quốc tế còn chưa thực hiện được, rất khó đòi hỏi những dữ liệu quan trọng khác như: thời gian lưu trú, các dịch vụ sử dụng, mức chi tiêu trung bình… cũng chính xác. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực của các công bộc ngành du lịch để cởi bỏ nút thắt này.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là điểm rối ở tư duy. Cuộc đua thành tích xuất hiện tương đối phổ biến ở các địa phương, các lĩnh vực kinh tế và ngành du lịch không là ngoài lệ. Đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải nhìn vào thực tế, nước đã đến chân, các lĩnh vực kinh doanh trong nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch muốn có được những kết quả thực chất và đẹp đẽ thì buộc phải thay đổi.

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nuoc-da-den-chan-du-lich-phai-dep-duoc-benh-thanh-tich-3423353/