Nước cờ Syria của Nga đảo ngược sau ba năm khốc liệt

Hoạt động quân sự của Nga tại Syria đã khởi động vào ngày 30/9/2015. Hơn 63. 000 quân nhân, trong đó có 26.000 sĩ quan và 434 tướng lĩnh, đã tham chiến ở đây và có những kinh nghiệm vô giá.

Các lực lượng Nga đã sử dụng 231 loại vũ khí tiên tiến mới, bao gồm nhiều máy bay, hệ thống phòng thủ đất đối không và các tên lửa hành trình.

Sức mạnh tổng lực Nga tại Syria

Tổng cộng, lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã tiến hành 39.000 hoạt động, tương đương hơn 100 chuyến bay mỗi ngày, tiêu diệt 121.466 mục tiêu và giết chết hơn 86.000 chiến binh, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết. Lực lượng Nga đã thực hiện 66 cuộc tấn công tên lửa hành trình tầm xa. Các hoạt động đã được hỗ trợ bởi máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm A-50 và Tu-214R cùng máy bay tác chiến điện tử Il-20M1 (EW). Tổng số lực lượng hàng không vũ trụ Nga tham chiến không lớn, với khoảng 30-50 máy bay chiến đấu và 16-40 trực thăng được triển khai tại bất kỳ thời điểm nào.

Su-35S, một tiêm kích ưu việt mới, đã được chứng minh là một vũ khí đáng gờm. Dave Majumbar, một chuyên gia quân sự hàng đầu và biên tập viên quốc phòng của National Interest, tin rằng "Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi người Nga tìm cách bán nhiều máy bay loại này ra thế giới, đặc biệt là những quốc gia không muốn hoặc không thể mua máy bay phương Tây ”.

Nga đã đổ rất nhiều tài lực vào cuộc chiến Syria. (Nguồn: BQP Nga)

Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34M là một chú ngựa thồ chịu được sức nặng của công việc. Máy bay này được trang bị hệ thống phụ đặc biệt SVP-24 Tefest để tính toán độ chính xác cao hơn. Hệ thống định vị vệ tinh GLONASS được sử dụng để so sánh liên tục vị trí của máy bay và mục tiêu và đo các thông số môi trường. Ngay cả khi GLONASS bị kẹt, các cảm biến sẽ thực hiện công việc. Định hướng kích nổ sẽ cho phép phi công tập trung phát hiện các mối đe dọa và mục tiêu. Điều kiện thời tiết hay thời điểm thả bom không ảnh hưởng gì. Su-35 và Su-30SM cũng tham gia vào các hoạt động không đối đất dù nhiệm vụ chính là ở mặt trận trên không. MiG-29 SMT cũng đã đến Syria vào tháng 9/2017 để thử nghiệm.

Các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS cùng máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, đồng hành cùng Su-30SM, Su-35 và Su-27SM3, cũng lần đầu tiên tham chiến. Các máy bay ném bom chiến lược này sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-55 hoàn toàn mới với đầu đạn thông thường.

Chiến trường Syria là nơi lần đầu tiên Nga chứng minh khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa có độ chính xác cao, bao gồm cả việc Su-24M và Su-34 sử dụng tên lửa không đối đất có điều hướng laser Kh-29L và tên lửa nhẹ Kh-25ML có mô-đun hướng dẫn. Máy bay trực thăng tấn công Mi-28N và Ka-52 cũng lần đầu tiên thử nghiệm chiến đấu, tham gia giải phóng các thành phố Palmyra và Aleppo.

Trong suốt thời gian ba năm tại chiến trường Syrira, 86 tàu bề mặt, 14 tàu ngầm và 83 tàu bổ trợ đã tham gia vào chiến dịch. Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất của Nga, đã ở trong khu vực này từ tháng 11/2016 đến tháng 1/2017. Hệ thống tên lửa chống tàu ngầm Bastion và Oniks đã bảo vệ nhóm hải quân Nga triển khai ở gần bờ của Syria. Tên lửa hành trình hải quân Kalibr, được lắp đặt trên các tàu bề mặt và tàu ngầm, có thể tấn công chính xác các mục tiêu dưới đất ở khoảng cách 2.600km. Kalibr đã được sử dụng 13 lần để thực hiện 100 cuộc không kích.

Buk-M2s và Pantsir-S1 là những hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên được triển khai ở Syria và đã được chứng minh là vũ khí hiệu quả nhất chống lại máy bay không người lái. Hai hệ thống này đang bảo vệ căn cứ Hmeimim khỏi các cuộc tấn công của UAV hàng ngày mà không có mục tiêu giả nào thâm nhập vào không gian được bảo vệ của quần đảo. S-400 đã được triển khai tại Hmeimim để bảo vệ bầu trời Syria kể từ tháng 11/2015 và sau đó có S300V4 hỗ trợ. Cũng có nhiều hệ thống tên lửa phòng không đang bảo vệ căn cứ hải quân Tartus nơi các tàu Hải quân Nga neo đậu. Hệ thống chiến tranh điện tử di động Krasukha-4 đã được chuyển giao cho Hmeimim vào ngày 25/ 9 để tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng không.

Các máy bay không người lái (UAV) đã tiến hành hơn 25.000 lượt bay và phát hiện 47.500 mục tiêu. Có khoảng 70 UAV thực hiện nhiệm vụ mỗi ngày. Thời gian bay tổng thể của UAV Forpost, Orlan-10, Aileron và Zala là khoảng 140, 000 giờ. Tình hình tại đây được theo dõi suốt ngày đêm.

Các cố vấn quân sự Nga cũng đã đào tạo và cố vấn cho các binh sĩ của Quân đội Ả Rập Syria (SAA), trong khi phát triển các mối quan hệ với các lực lượng dân quân thân chính phủ. Từ năm 2016, Nga cũng quản lý và tài trợ cho lực lượng các tình nguyện viện được triển khai cùng các đơn vị SAA.

Lật ngược nước cờ không hồi kết

Trong năm 2015, Nga đã được dự đoán rằng sẽ lao vào một cuộc xung đột Syria kéo dài mà chưa nhìn thấy hồi kết. Cuộc chiến này cũng được cho là sẽ kéo theo nhiều hao tổn về nguồn lực của nước này mà không đạt được bất kỳ kết quả tích cực nào. Các chuyên gia phương Tây tin rằng Nga sẽ phải duy trì sự triển khai lực lượng dài hạn và ngày càng xa biên giới của mình. Nhưng tình hình đã hóa ra khác đi.

Kể từ khi Nga bắt đầu đến chiến trường Trung Đông, chính phủ Syria đã đi từ bờ vực sụp đổ đến gần chiến thắng, khi tái thiết lập quyền kiểm soát ở phần lớn lãnh thổ đất nước. Đây là một sự nắm quyền vững chắc. Aleppo đã xóa sổ những kẻ khủng bố và lấy lại quyền kiểm soát của Palmyra. Trong thế kỷ này, chiến thắng của Nga tại Syria là ví dụ duy nhất của một chiến dịch quân sự đạt được thành công trong một khoảng thời gian ngắn với những kết quả tích cực, mở đường cho một giải pháp thương lượng, với trọng tâm là chuyển sang một tiến trình chính trị. Đã đến lúc các nhà ngoại giao, không phải súng ống, tiến vào bàn đối thoại.

Nga đã trở thành một thế lực chính ở Syria và tham gia quá trình tái thiết hậu xung đột. Vào ngày 17/9, Moscow và Ankara đã nhất trí về một giải pháp ngoại giao cho tỉnh Idlib phía bắc Syria. Quá trình hòa bình Astana do Nga bắt đầu đã có những tiến bộ, chẳng hạn như việc thiết lập các khu vực giảm leo thang cùng nhiều vấn đề khác. Tái thiết sau chiến tranh đã bắt đầu ở nhiều khu vực.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/nuoc-co-syria-cua-nga-dao-nguoc-sau-ba-nam-khoc-liet-367975.html