'Nước cờ' quyết định

Cuối cùng thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một 'nước cờ' quyết định, chính thức khởi động cuộc Đối thoại toàn quốc để thảo luận các vấn đề mà người dân quan tâm và trong vòng 2 tháng, người dân Pháp sẽ phải 'biến tức giận thành giải pháp'. Sau cam kết tăng lương, giảm thuế cho người có thu nhập thấp, việc tổ chức cuộc Đối thoại toàn quốc là biện pháp lớn thứ hai để giải quyết cuộc khủng hoảng biểu tình 'Áo vàng' làm chấn động toàn nước Pháp suốt 2 tháng qua.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “Đối thoại toàn quốc

Trong cuộc đối thoại quốc gia đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa Pháp này, tất cả các công dân sẽ được tự do bày tỏ ý kiến liên quan đến 4 chủ đề lớn, gồm chính sách thuế, hệ thống tổ chức chính quyền nhà nước, chính sách chuyển đổi và phát triển nguồn năng lượng bền vững và nền dân chủ nhằm xây dựng một khế ước mới cho đất nước, định hình hoạt động của Chính phủ và Quốc hội, xác định vị trí của nước Pháp trong Liên minh châu Âu (EU) và trên thế giới. Rõ ràng, Tổng thống Pháp đang trao cho người dân “sứ mệnh” đồng hành cùng ông đưa nền Cộng hòa Pháp “tiến bước”.

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 15/3, trên cả nước, chính quyền địa phương sẽ mở sổ thu thập ý kiến của công dân và cuộc thảo luận sẽ được tiến hành bất cứ địa điểm nào. Từ đầu tháng 3, các vùng - đơn vị hành chính địa phương cao nhất của Pháp - sẽ lập ra các “hội nghị công dân” với thành phần khoảng 100 người lựa chọn bằng hình thức rút thăm ngẫu nhiên từ đại diện của tất cả các bên liên quan để trao đổi và cho ý kiến về các đề xuất thu được. Để bảo đảm cuộc đối thoại diễn ra một cách minh bạch và vô tư, một hội đồng 5 thành viên, trong đó hai người do Thủ tướng bổ nhiệm, hai người do lãnh đạo hai viện Quốc hội đề cử và một người do chủ tịch hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường lựa chọn, cũng được thành lập. Với hình thức tổ chức được đánh giá là bao quát và công khai, cuộc đối thoại được kỳ vọng sẽ trở thành lối thoát cho cuộc khủng hoảng “Áo vàng”, đồng thời có thể giúp khôi phục lòng tin của người dân vào các thiết chế chính quyền.

Tất nhiên, sáng kiến này đã vấp phải sự chỉ trích của phe đối lập. Trong khi các đảng ôn hòa truyền thống như Những người Cộng hòa, đảng Xã hội coi đây là chiêu thức truyền thông của Tổng thống, tỏ ra dè dặt và để ngỏ khả năng tham gia, thì lãnh đạo thiên tả Jean-Luc Mélenchon của đảng “Nước Pháp bất khuất” tuyên bố đối thoại chỉ là cách để chính quyền lảng tránh dự án cải tổ hiến pháp. Phe cực hữu “Tập hợp quốc gia” cũng cho rằng giải pháp không phải là đối thoại, mà phải tiến hành cải tổ hiến pháp lập tức, giải tán hạ viện và tiến hành bầu cử.

Trên thực tế, Tổng thống Macron không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lắng nghe ý kiến của người dân, tháo gỡ "ngòi nổ" phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông sẽ trôi qua trong bất lực. Khi bài phát biểu cứng rắn hồi cuối năm 2018 của ông Macron - theo đó cam kết không tăng thuế xăng dầu, chi thêm 10 tỷ euro cải thiện sức mua của dân nghèo - không giúp làm giảm bạo lực, ông buộc phải tung lá bài sau cùng là “hội ý với toàn dân” - biện pháp có một không hai trong lịch sử”. Chỉ có đối thoại, ông mới có thể tái lập sợi dây liên lạc với người dân Pháp, vốn đã bị đứt đoạn từ vài tháng nay, nhằm tìm ra một lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng, “biến nỗi tức giận thành giải pháp”. Và để đạt được điều đó thì cần sự chân thành, cần một cuộc thảo luận thực sự, cởi mở, minh bạch.

Truyền thông Pháp cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng thống Macron cần vượt lên những hoài nghi, phải làm sao thuyết phục được phe "Áo vàng", vốn coi những lời kêu gọi của ông là hoàn toàn "rỗng", tin tưởng vào lời nói và hành động của ông.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nuoc-co-quyet-dinh.aspx