Nước cờ nguy hiểm của Ba Lan

Hội nghị quốc tế về 'tương lai hòa bình và an ninh tại Trung Đông' diễn ra 2 ngày 13 và 14/2 tại Ba Lan. Mặc dù là hội nghị về Trung Đông nhưng Nga lại là một trong hai chủ đề chính tại nghị trình.

Biết trước được rằng hội nghị này chỉ phục vụ cho mục đích riêng của Mỹ và Ba Lan nên nhiều quốc gia và tổ chức không mặn mà chỉ cử phái đoàn cấp thấp tới tham dự, đặc biệt là nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức. Lãnh đạo ngoại giao EU Federica Mogherini cũng vắng mặt.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và đồng nhiệm Ba Lan Jacek Czaputowic tại Hội nghị quốc tế về Trung Đông tại Ba Lan ngày 14/2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và đồng nhiệm Ba Lan Jacek Czaputowic tại Hội nghị quốc tế về Trung Đông tại Ba Lan ngày 14/2

Châu Âu không muốn gây thêm mâu thuẫn với Nga. Các nhà phân tích đánh giá mục tiêu chiến lược của hai đồng minh Ba Lan và Mỹ là nguy hiểm có thể gây thêm xáo trộn địa chính trị trên thế giới và khoét sâu thêm mâu thuẫn trong phương Tây.

Robert Czulda, chuyên gia thuộc đại học Lodz, cho rằng Ba Lan đứng trước hai bên, một bên là Mỹ, một bên là Liên minh châu Âu. Cả hai phe đều đặt cho Ba Lan một câu hỏi về chính sách Nga là gì? Đến lúc Mỹ yêu cầu Ba Lan phải lựa chọn, tất nhiên Warsaw chọn Washington vì không phải EU bảo đảm an ninh cho Ba Lan mà là NATO trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò chính.

Mỹ dường như đã lôi kéo được Ba Lan đứng về phía mình trong chiến lược gây sức ép với Iran. Nhưng đổi lại, Ba Lan cũng có “thâm ý” của mình. Đó là xây dựng chiến lược xa hơn, tạo vị thế đặc biệt trong chính sách châu Âu cũng như chính sách Nga của Mỹ. Có thể Ba Lan kỳ vọng nhờ vào Mỹ để có được thanh thế của một nước lớn trong EU, NATO hay Warsaw chơi kế sách “cáo mượn oai hùm” để đối phó với Nga.

Trong cuộc họp báo chung rất hạn hẹp với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz chủ yếu tập trung vào “kẻ thù chung” của hai nước là Nga. Hai ông phản đối dự án Nord Stream 2, dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu. Ông Mike Pompeo cho rằng dự án này chỉ mang lại cho Nga tiền và lại khiến cho an ninh châu Âu bị suy yếu. Đường ống này dự trù do Nga và Đức cùng xây dựng, sẽ chuyển khí đốt từ vùng Biển Baltic về thẳng tới Đức rồi sau đó phân phối cho các quốc gia châu Âu khác nhưng hoàn toàn tránh không đi qua các quốc gia Đông Âu như Ba Lan và Ukraine. Thời gian gần đây, Ba Lan đã ký hợp đồng mua khí đốt của Mỹ để đổi lấy được bảo vệ về mặt quân sự. Về phần mình, đồng nhiệm Ba Lan cũng ca ngợi quan hệ đồng minh Ba Lan-Mỹ. Ông Czaputowicz tuyên bố: “Tôi muốn cảm ơn ngài ngoại trưởng về sự phục vụ của binh sĩ Mỹ trên đất Ba Lan. Nhờ họ, chúng tôi cảm thấy được an toàn hơn trong đất nước mình. Hai chúng tôi đã bàn về kế hoạch phát triển, củng cố sự có mặt của Mỹ tại Ba Lan”.

Ba Lan luôn có mối thâm thù với Nga, coi Nga như là mối đe dọa an ninh chủ yếu. Warsaw muốn chiều theo Mỹ, tổ chức hội nghị để phục vụ chiến lược riêng là có được một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan. Washington sẽ quyết định về vấn đề này trong tháng tới. Ngày 13/2, Reuters dẫn lời ông Eric Pahon, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ vẫn chưa thống nhất về bất kỳ kế hoạch tăng cường lực lượng quân đội ở Ba Lan, và hai nước vẫn đang đàm phán về vấn đề này. Vào năm ngoái, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét yêu cầu từ Ba Lan về kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này, đồng thời thừa nhận rằng ông chia sẻ mối lo lắng của Ba Lan về vai trò của Nga trong khu vực.

Ông Pahon cho biết thêm rằng những suy đoán về việc Mỹ tăng số lượng binh lính tại Ba Lan ở thời điểm này là chưa có căn cứ, đồng thời khẳng định sẽ thông báo kết quả các cuộc đàm phán vào thời điểm thích hợp. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher trả lời tờ báo Financial Times rằng, số lượng binh lính Mỹ chắc chắn sẽ được bổ sung, và số lượng sẽ tăng thêm đáng kể.

Nhưng việc Mỹ mở căn cứ tại Ba Lan không phải là mong muốn của toàn khối EU. Châu Âu đã chứng kiến mỗi khi NATO có động thái mở rộng ảnh hưởng về biên giới phía đông là Nga đã phản ứng ra sao. Những biến động ở Ukraine là thí dụ điển hình. Một căn cứ quân sự Mỹ đặt ở Ba Lan, tất nhiên Nga sẽ không để yên. Đó sẽ là nước cờ nhiều rủi ro cho Ba Lan và châu Âu.

Th.Long

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nuoc-co-nguy-hiem-cua-ba-lan-528027.html