Nước cờ mạo hiểm

Mỹ đã khởi động lại các hoạt động quân sự chung với lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria nhằm bảo vệ các mỏ dầu quan trọng trước nguy cơ bị tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến công.

Việc Washington đưa binh sĩ trở lại miền bắc Syria sau khi rút quân chưa lâu chứng tỏ tác động từ sức ép trong nước và ngoài nước đối với quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump, đồng thời cho thấy sự cân nhắc trong mỗi “nước cờ” của Mỹ trên “bàn cờ Syria”.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng M.Kenzie đã thông báo về các hoạt động chung của lực lượng Mỹ và người Cuốc, đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, tốc độ triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào tàn quân IS ở Syria sẽ gia tăng trở lại. Ông M.Kenzie ca ngợi mối quan hệ hiện tại của quân đội Mỹ với lực lượng người Cuốc là “khá tốt đẹp” bất chấp mọi biến động. Tổng thống D.Trump cũng ra lệnh cho binh sĩ Mỹ đóng quân tại Iraq di chuyển vào miền đông Syria với lý do để bảo vệ các mỏ dầu của khu vực này.

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, Washington sẽ không hưởng lợi từ dầu mỏ của Syria và thu nhập từ nguồn “vàng đen” sẽ được chuyển cho Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Cuốc lãnh đạo, một đồng minh chủ chốt của Washington trong cuộc chiến chống IS. Theo Mỹ, mục tiêu của việc này là cho phép SDF có năng lực xây dựng sức mạnh quân sự trong cuộc chiến chống IS. Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân chống IS, Thiếu tướng Hải quân U.Bai-nơ cho biết, khi IS kiểm soát nhiều mỏ dầu năm 2015, lực lượng này đã bán 45 nghìn thùng dầu, thu về 1,5 triệu USD mỗi ngày.

Dù Mỹ đưa ra lý do gì cho việc đưa binh sĩ trở lại Syria thì động thái này được cho là chịu tác động từ sức ép của nội bộ chính quyền Mỹ và đồng minh. Nhiều nghị sĩ Mỹ và các nước đồng minh chỉ trích quyết định đột ngột của Tổng thống Mỹ D.Trump về việc rút quân khỏi Syria có nguy cơ làm “đổ xuống sông xuống bể” các nỗ lực chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu, tạo lỗ hổng an ninh cho tổ chức cực đoan này trỗi dậy. Việc Mỹ rút quân khỏi Syria cũng vô hình trung tạo điều kiện cho Nga tăng tầm ảnh hưởng ở Syria, tác động tiêu cực tới lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper tuyên bố, nước này sẽ ngăn cản các lực lượng bên ngoài tiếp cận những mỏ dầu mà Washington đang bảo vệ ở đông bắc Syria. Người đứng đầu Lầu năm góc khẳng định, Washington vẫn duy trì binh sĩ đồn trú tại vùng đất chiến lược này để ngăn IS hay bất kỳ lực lượng nào khác, kể cả Nga và Syria, tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng ở đông bắc Syria. Quan chức quốc phòng Mỹ còn nhấn mạnh, quân đội nước này sẵn sàng sử dụng nguồn lực quân sự “áp đảo” để đáp trả bất kỳ tổ chức nào đe dọa sự an toàn của các binh sĩ Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên, quyết định của Mỹ đưa lực lượng trở lại để bảo vệ các mỏ dầu ở Syria được coi là “nước cờ mạo hiểm” khi vấp phải sự phản đối của cả Nga và chính quyền Damascus. Nga chỉ trích động thái của Mỹ nhằm kiểm soát các mỏ dầu của Syria. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin về việc quân đội Mỹ đang xây dựng hai căn cứ mới tại tỉnh Deir ez-Zor ở đông bắc Syria. Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc Bộ Quốc phòng Mỹ đứng sau hoạt động tuồn lậu dầu thô của Syria ra nước ngoài và chuyển số tiền thu được vào các tài khoản của bộ này.

Phía Nga đã công bố những bức ảnh chụp từ trên không cho thấy các đoàn xe đang chở dầu với khối lượng lớn ra khỏi Syria dưới sự bảo vệ của binh sĩ Mỹ và nhân viên của các công ty quân sự tư nhân. Moscow khẳng định sẽ không hợp tác với Washington trong vấn đề dầu mỏ Syria, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Syria là thực thể duy nhất nên kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia Trung Ðông này. Trong khi đó, Tổng thống Syria B.Assad cáo buộc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay cho các tay súng khai thác dầu mỏ của Syria, đồng thời khẳng định sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria sẽ dẫn đến sự kháng cự cho đến khi Lầu năm góc rút binh sĩ khỏi nước này.

Những tuyên bố cứng rắn từ phía Mỹ nhằm biện minh cho việc Lầu năm góc đưa quân trở lại miền bắc Syria sau quyết định rút quân vội vàng. Mỹ khẳng định tiếp tục sát cánh với các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, song động thái này khiến cho tình hình Syria trở nên phức tạp. Tổng thống Syria B.Assad khẳng định, không lực lượng chiếm đóng nào có thể hiện diện ở nước này và ông cho rằng cách thức hiệu quả nhất đối với người Syria hiện nay là đoàn kết để khiến Mỹ rời khỏi các vùng lãnh thổ Syria. Nhà lãnh đạo Syria cảnh báo, người dân nước này sẽ đấu tranh chống lại “tham vọng của phương Tây” và thiết lập lại nền hòa bình, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

ÐAN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42385802-nuoc-co-mao-hiem.html