Nước cờ của Ấn Độ sau quyết định cấm nhập khẩu vũ khí

Mục đích của lệnh cấm nhập khẩu một số loại vũ khí và phương tiện quân sự mà Ấn Độ vừa đưa ra theo đánh giá nhằm thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng trong nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, họ sẽ sớm ban hành lệnh cấm nhập khẩu 101 loại vũ khí để chuyển sang đặt hàng trong nước, hành động trên nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi về tự cường quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, họ sẽ sớm ban hành lệnh cấm nhập khẩu 101 loại vũ khí để chuyển sang đặt hàng trong nước, hành động trên nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi về tự cường quốc phòng.

Theo nhận xét, mục tiêu mà ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hướng tới chính là được như đối thủ lớn nhất của họ - Trung Quốc, nhưng giữa hai nước có sự khác biệt đáng kể về cách thức tiến hành.

Cần lưu ý trong một thời gian dài, Trung Quốc mới là nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí và nhà cung cấp lớn nhất của họ cũng là Nga.

Tuy nhiên Bắc Kinh rõ ràng có tham vọng và sự đầu tư cho công nghiệp quốc phòng bài bản hơn hẳn New Delhi.

Thông qua những hợp đồng mua sắm, Trung Quốc mạnh dạn tiến hành sao chép không giấy phép, họ chấp nhận giai đoạn đầu cho ra đời các sản phẩm không đạt chuẩn, tính năng kỹ chiến thuật cũng như độ tin cậy rất hạn chế.

Nhưng sau gần ba thập kỷ miệt mài cải tiến kết hợp với những sáng tạo riêng, quốc gia này đã tự chủ được gần như 100% vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự tối tân, không còn phụ thuộc vào nước ngoài.

Mặc dù thời gian qua họ vẫn có những hợp đồng mua sắm vũ khí lớn từ Nga như tiêm kích đa năng Su-35S hay hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400, nhưng bản chất đã có sự thay đổi.

Các phương tiện này chủ yếu đóng vai trò mẫu đối chứng công nghệ hay làm “quân xanh” trong diễn tập đối kháng, ít được triển khai cho nhiệm vụ tác chiến so với sản phẩm quốc phòng nội địa.

Về phần Ấn Độ, họ cũng có vài dự án chế tạo vũ khí đáng quan tâm, tuy nhiên do bất cập trong quá trình đầu tư hay nghiên cứu phát triển mà những chương trình trên đều bị đánh giá là thất bại hay có quá nhiều tai tiếng.

Dễ nhận thấy nhất là tiêm kích hạng nhẹ HAL Tejas hay xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun, với công nghệ chắp vá từ Nga, Pháp, Israel… thiếu tính thống nhất, dẫn tới thời gian thử nghiệm kéo dài hàng chục năm.

Điều đó khiến những vũ khí này chưa đi vào phục vụ đã bị đánh giá là lạc hậu, làm cho Ấn Độ phải thay đổi trọng tâm khi quyết định mua sản phẩm nước ngoài để thay thế.

Trong tương lai, công nghiệp quốc phòng Ấn Độ quyết định sẽ “đi tắt” để có thể sớm đuổi kịp Trung Quốc, khi họ không đủ thời gian cũng như trình độ để bước theo con đường của Bắc Kinh.

Giải pháp mà New Delhi đưa ra đó là buộc đối tác phải chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất trong những hợp đồng lớn.

Tuy vậy chương trình chế tạo súng trường tấn công AK-203, xe tăng T-90MS hay tiêm kích Rafale… ban đầu vẫn chỉ được thực hiện với các bộ thiết bị do nhà cung cấp mang sang để Ấn Độ tự lắp ráp.

Giai đoạn tiếp theo Ấn Độ mới tiến tới nội địa hóa từng phần, như vậy thực chất lệnh cấm chỉ nhằm vào vũ khí “nguyên chiếc” mà thôi.

Ngoài ra cũng chưa có gì đảm bảo đối tác sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ lõi vốn làm nên sức mạnh của vũ khí cho Ấn Độ.

Bài học từ tiêm kích tàng hình FGFA hợp tác phát triển cùng Nga, hay việc phải đàm phán lại với Pháp về hợp đồng từng được ký kết để sản xuất chiến đấu cơ Rafale tại chỗ là điều New Delhi phải cân nhắc.

Có thể thấy rằng trước mắt Ấn Độ vẫn còn muôn vàn khó khăn trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, về lâu dài họ vẫn cần phải có chiến lược đầu tư nhằm tự chủ nhiều hơn về mặt công nghệ.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-nuoc-co-cua-an-do-sau-quyet-dinh-cam-nhap-khau-vu-khi-post441185.antd