Nước cờ bán cổ phiếu dưới mệnh giá

DoanhNhanOnline – Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã được phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Nhưng chỉ cổ đông lớn được lợi trong ván cờ này. Theo Bản cáo bạch mà...

DoanhNhanOnline – Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã được phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Nhưng chỉ cổ đông lớn được lợi trong ván cờ này.

Theo Bản cáo bạch mà TTF vừa công bố, công ty sẽ phát hành thêm 14,4 triệu cổ phiếu với giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng chào bán là cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược. Trong đó, phát hành cho cổ đông hiện hữu là 8,8 triệu cổ phiếu, tương đương 44,2 tỷ đồng, với tỷ lệ thực hiện quyền 20:3; đối tác chiến lược là 5,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 27,9 tỷ đồng.

Cơ sở để đi trước luật

Hiện Luật Chứng khoán quy định mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã vận dụng dự thảo Thông tư hướng dẫn việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá để cho phép TTF thực hiện phát hành cổ phiếu. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành dưới mệnh giá phải có thặng dư vốn cổ phần hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp số thiếu hụt ở vốn chủ sở hữu do bán cổ phần dưới mệnh giá.

Theo công bố của TTF, tính đến quý 1/2013, TTF còn thặng dư vốn cổ phần lên đến 272,6 tỷ đồng, hoàn toàn bù đắp được phần vốn thiếu hụt do chào bán dưới mệnh giá.
Thêm vào đó, khi phê duyệt phương án phát hành dưới mệnh giá của doanh nghiệp này, UBCKNN còn xem xét kỹ đến việc dùng thặng dư vốn cổ phần bù đắp phần thiếu hụt trong vốn điều lệ ra sao; TTF có đảm bảo hợp lý, hài hòa trong lợi ích cổ đông không? Theo lãnh đạo TTF, cổ phiếu phát hành lần này được dành cho chính cổ đông hiện hữu nên việc dùng tiền của họ để tự bù đắp là điều hoàn toàn hợp lý. Các đối tác chiến lược cũng nằm trong danh sách cổ đông hiện hữu của TTF.

Vì sao TTF bán dưới mệnh giá?

Báo cáo tài chính của TTF tính đến quý 1/2013 cho thấy, công ty này đang đối mặt với áp lực trả nợ ngắn hạn rất cao, lên đến 1.685 tỷ đồng. Trong khi đó, vay dài hạn không nhiều, chỉ 161 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngân hàng, nhưng TTF lại tập trung đầu tư dài hạn cho trồng rừng và bất động sản nên chưa mang lại hiệu quả ngay. Chi phí lãi vay năm 2012 ở mức cao từ 11 – 15%/năm và hiện khó giảm thêm nhiều trong năm 2013 vì công ty mất vị thế thương lượng.

Mặt khác, do còn tồn kho nguyên liệu chậm luân chuyển nên công ty phải chịu chi phí tài chính cao. Việc tồn kho nguyên liệu cao từ năm 2008 đến nay mà chưa thanh lý được nhiều đã dẫn đến tổng giá trị hàng tồn kho của công ty là gần 2.047 tỷ đồng, chiếm hơn 59% tổng tài sản và chiếm 76% tài sản ngắn hạn.

Trong khi đó, doanh thu thuần hợp nhất trong quý 1/2013 của công ty chỉ đạt gần 563 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 1,66 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Lý do được công ty giải thích là thiếu nguồn vốn hoạt động nên công ty không hoàn thành được các đơn hàng.

TTF đặt kỳ vọng lớn về nguồn thu trong kế hoạch năm 2012 về một loạt sản phẩm mới tung ra thị trường, nhưng bị hoãn lại do không đủ tiền thực hiện quảng bá và sản xuất đại trà. Kế hoạch tung sản phẩm mới vẫn tiếp tục được công ty đặt ra trong năm nay, nhưng đến nay vẫn chậm trễ thực hiện cũng do không đủ ngân sách.

Những yếu tố này đặt sức ép lên TTF buộc phải có nguồn tiền mặt để giải quyết nhu cầu vốn và để đạt được kế hoạch năm 2013. Có thể hiểu được vì sao TTF đặt quyết tâm bán hết cổ phiếu phát hành dưới mệnh giá. Thậm chí, nếu số lượng cổ phiếu chưa được phân phối hết sẽ được công ty xử lý theo hướng: hội đồng quản trị phân phối cho các đối tượng khác với giá chào bán không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc xin phép UBCKNN gia hạn thời gian chào bán nếu xét thấy cần thiết.

Với giá phát hành 5.000 đồng/cổ phiếu, công ty dự kiến thu được khoảng 72,2 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này sử dụng để cơ cấu lại tài chính, bổ sung vốn lưu động và cải thiện dòng tiền nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua nguyên vật liệu và trang trải chi phí trong quá trình hoạt động.

Ai lợi, ai thiệt?

Khảo sát cho thấy, giá trị thị trường cổ phiếu của TTF suốt một thời gian dài chỉ xoay quanh mốc 5.000 đồng/cổ phiếu. Vì vậy, ban lãnh đạo công ty tin rằng, việc chọn mức giá phát hành 5.000 đồng cổ phiếu là hợp lý để thu hút người mua.

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc TTF cho biết, hiện công ty có 59 triệu cổ phần đang lưu hành. Giả định đợt phát hành lần này bán hết 100% thì số lượng cổ phần sau phát hành là 73,5 triệu cổ phần. Do số lượng cổ phần tăng nên sau khi phát hành thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) sẽ bị pha loãng. Cụ thể, dự kiến năm 2013 EPS của cổ phiếu TTF sẽ giảm 8,46%, từ 524,89 đồng/cổ phần xuống còn 480,47 đồng.

Mặc dù khó khăn của TTF nằm ở chỗ thiếu thanh khoản và hàng tồn kho cao, nhưng với ưu thế là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam, không phải không có cơ hội để doanh nghiệp này vượt khó. Hiện TTF đang thực hiện một số đơn hàng với tổng trị giá khoảng 43,8 triệu USD, trong đó 33,8 triệu USD là của những khách lớn như: Ashley, Ikea, Alexander Rose, Lapeyre, Yekun và Asahi. Dự kiến, công ty sẽ nhận thêm 24 triệu USD cho những đơn hàng còn lại xuất trong năm 2013. Đối với công trình nội địa, TTF đang thực hiện một số đơn hàng với tổng trị giá khoảng 291 tỷ đồng và đang thực hiện một số đơn hàng sản xuất ván và gỗ với tổng trị giá khoảng 145 tỷ đồng.

TTF đã bắt đầu triển khai dự án mua và trồng 100.000 ha rừng sản xuất tại Việt Nam từ năm 2007. Hiện tại, công ty đang sở hữu khoảng 10.000 ha rừng đã trồng và được chấp thuận chủ trương đối với khoảng 90.000 ha đất để trồng tại Phú Yên, Đăk Lăk và Đăk Nông.

Chưa kể, TTF có năng lực thiết kế tốt, khả năng bán trực tiếp đến các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, nhà bán sỉ lớn trên thế giới mà không thông qua các công ty trung gian.
Dù khó khăn nhưng vẫn có nhiều khả năng khi có nguồn vốn đáp ứng đúng yêu cầu hoạt động thì TFF sẽ phát triển trở lại.

Do đó, trường hợp TTF bán cổ phiếu dưới mệnh giá, doanh nghiệp sẽ phải chịu âm phần thặng dư vốn, nhưng nếu là cổ đông hiện hữu, phần âm này cũng sẽ chảy vào túi họ thông qua việc chuyển hóa thành vốn cổ phần.

Ngoài ra, phần âm thặng dư sẽ được giảm trừ vào các quỹ và thặng dư lợi nhuận khác của công ty. Cho nên, chỉ có cổ đông nắm giữ phần cổ phiếu phát hành dưới mệnh giá và cổ đông lớn được lợi, còn đương nhiên cổ đông nhỏ phải chịu thiệt.

Minh Phương

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/nuoc-co-ban-co-phieu-duoi-menh-gia/