'Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau'

Ngày Nước thế giới 22-3-2019 có chủ đề 'Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau' nhằm cụ thể hóa những cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải được hưởng lợi: 'Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của con người bạn'.

Ngày Nước thế giới (22-3) có chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” (Water for all - Leaving no one behind) hướng đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của các nhóm cộng đồng dân cư nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG6). Theo đó, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng và điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững vì một thế giới ổn định và thịnh vượng.

Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu số 6 (SDG6) là nước sạch và vệ sinh. SDG6 hướng đến năm 2030 đạt được: quyền truy cập và công bằng trong tiếp cận với nước uống an toàn với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người trên toàn cầu; chấm dứt sử dụng nhà vệ sinh thô sơ, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái và những người dễ bị tổn thương. Cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm và giảm thiểu giải phóng, xả thải các hóa chất và vật liệu nguy hiểm vào nguồn nước; giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng đáng kể việc tái chế, tái sử dụng an toàn trên toàn cầu. Gia tăng hiệu quả sử dụng nước trên tất cả các lĩnh vực và đảm bảo khai thác, cung cấp nước ngọt bền vững để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người bị khan hiếm nước. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, bao gồm thông qua hợp tác xuyên biên giới. Bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm: núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ. Mở rộng hợp tác quốc tế và hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm: thu gom nước, khử muối, hiệu quả nước, xử lý nước thải, tái chế và công nghệ tái sử dụng nước. Hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường.

Hình ảnh tuyên truyền ngày Nước thế giới

Ở An Giang, kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước trong năm qua, cho thấy: chất lượng nước mặt sông Tiền, sông Hậu và kênh, rạch (ở những nơi lấy mẫu) dao động từ ô nhiễm nặng đến mức dùng cho tưới tiêu, vì hầu hết thông số vi sinh vật, chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng vượt giới hạn quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Chất lượng nước ngầm tại những vị trí quan trắc có các thông số: chất hòa tan, độ cứng tổng, kim loại nặng (sắt, mangan, asen, chì) và vi sinh vượt Quy chuẩn QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Chất lượng nước bị tác động (gồm: tác động từ khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch, nuôi trồng thủy sản) dao động từ mức ô nhiễm nặng đến mức dùng cho cấp nước sinh hoạt nhưng phải qua xử lý. Trong đó, đáng quan tâm tác động từ nuôi trồng thủy sản, hoạt động khu, cụm công nghiệp… Nước giếng chưa đảm bảo tốt cho cả nước giếng tầng nông và tầng sâu. Các thông số TDS, độ cứng tổng số, N-NH4+, Fe, Mn, As, Pb và Coliform có giá trị vượt quy chuẩn…

Nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức các hoạt động phù hợp hưởng ứng ngày Nước thế giới (22-3). Theo đó, An Giang sẽ triển khai các hoạt động, như: mít-tinh, diễu hành nhân ngày Nước thế giới (22-3); phát động chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy; treo băng-rôn, pa-nô, áp-phích ở các nơi công cộng, trụ sở cơ quan làm việc; tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, triển lãm với chủ đề tài nguyên nước. Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng về nước và cuộc sống, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng để động viên kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều thành tích trong việc sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và tiết kiệm. Đẩy mạnh chương trình, dự án đảm bảo nước sạch và vệ sinh cho mọi người, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/-nuoc-cho-tat-ca-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau--a242434.html