Nước châu Á có mức tăng ca COVID-19 mới tới 22.000%

Làn sóng COVID-19 không chỉ hoành hành ở Ấn Độ mà còn càn quét các quốc gia đang phát triển trên khắp châu Á với mức tăng cao khủng khiếp.

Trong những tuần gần đây, các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan hay các nước láng giềng với Ấn Độ như Bhutan và Nepal báo cáo số ca mắc COVID-19 tăng vọt.

Nguyên nhân một phần xuất phát từ biến thể COVID-19 siêu lây lan cùng tâm lý chủ quan và thiếu nguồn lực để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.

Tại Lào, số ca bệnh của nước này tăng hơn 200 lần trong hơn một tháng. Các bệnh viện tại Nepal đang rơi vào tình trạng hết giường bệnh và cạn kiệt nguồn cung oxy. Các cơ sở y tế ở Thái Lan đang phải chịu áp lực lớn khi nước này tăng mạnh số ca bệnh. 98% số ca nhiễm mới ở xứ chùa Vàng được xác định là do biến thể COVID-19 dễ lây lan.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. (Ảnh: Reuters)

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. (Ảnh: Reuters)

Các đảo quốc ở Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Mặc dù quy mô bùng phát cũng như tỷ lệ lây nhiễm ở các nước này không thể so sánh với các chỉ số ở Ấn Độ, nhưng mức tăng đột biến ở một vài quốc gia báo hiệu nguy cơ tiềm ẩn.

Theo xếp hạng về sự thay đổi số ca nhiễm mới được ghi nhận trong tháng này so với tháng trước, Lào đứng đầu với mức tăng 22.000%. Xếp sau là Nepal và Thái Lan, cả hai đều chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt hơn 1.000% so với tháng trước.

Ở phần trên của danh sách còn có Bhutan, Trinidad và Tobago, Suriname, Campuchia và Fiji. Các nước này đều ghi nhận mức tăng ở tốc độ ba con số.

"Tất cả các quốc gia đều có nguy cơ nhiễm bệnh. COVID-19 dường như đang trở thành dịch bệnh "lưu hành" và là nguy cơ đối với tất cả các quốc gia trong tương lai gần", David Heymann - giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) cho hay.

Tại Lào, kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho tới ngày 20/4, nước này mới chỉ ghi nhận 60 ca bệnh và không có người chết. Hiện tại, quốc gia Đông Nam Á báo cáo hơn 1.000 ca bệnh. Diễn biến hiện tại ở Lào cho thấy những thách thức mà một quốc gia không giáp biển phải đối mặt.

Tình hình hiện tại ở Nepal - quốc gia ghi nhận hơn 350.000 ca mắc COVID-19 cho thấy nguồn lực của họ thiếu hụt thế nào khi phải đối phó với dịch bệnh. Những ngày gần đây, người dân ở thủ đô Kathmandu buộc phải hỏa táng thi thể của nạn nhân COVID-19 ngoài trời do các lò hỏa táng hết chỗ.

Thái Lan - quốc gia đang cố vực dậy ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề vừa đưa ra quyết định cách ly bắt buộc trong hai tuần đối với tất cả du khách. Thái Lan cũng đang cấp tập lập thêm các bệnh viện dã chiến để đáp ứng số lượng lớn bệnh nhân.

Sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt sau các lễ hội đón năm mới, chính quyền Sri Lanka phong tỏa một số khu vực, cấm tổ chức đám cưới, hội họp, đồng thời đóng cửa các rạp chiếu phim và quán rượu.

Sau khi tránh được COVID-19 nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, một số đảo quốc Thái Bình Dương đang hứng chịu làn sóng COVID-19 đầu tiên. Các thành phố ở điểm nóng du lịch Fiji phải đóng cửa sau các ca mắc COVID-19 trong quân đội lây lan ra cộng đồng.

"Sư gia tăng các ca mắc gần đây ở Thái Bình Dương cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai vaccine thay vì chỉ dựa vào kiểm soát biên giới. Ấn Độ là lời cảnh báo gây sốc cho phần còn lại của thế giới về việc đại dịch có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh như thế nào", chuyên gia Jonathan Pryke tới từ Viện Lowy (Australia) cho hay.

Hôm 4/5, Truyền thông Triều Tiên cảnh báo người dân chuẩn bị cho một đại dịch kéo dài, mô tả đây là “thực tế không thể tránh khỏi” và khẳng định các loại vaccine hiện nay "không ngăn được bách bệnh".

Triều Tiên tuyên bố chưa có ca mắc COVID-19 nào, nhưng các chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về các con số mà quốc gia láng giềng của Trung Quốc công bố.

Tại Hàn Quốc, khoảng 3,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Xứ củ sâm có kế hoạch chích ngừa cho khoảng 12 triệu người vào cuối tháng 6 để hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo virus vẫn có thể lưu hành và vaccine sẽ không ngăn chặn hoàn toàn được chuỗi lây nhiễm.

"Chúng ta phải sống chung với COVID-19, như việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm theo mùa", Oh Myoung-don - người đứng đầu ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi Hàn Quốc cho hay.

Song Hy (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nuoc-chau-a-co-muc-tang-ca-covid-19-moi-toi-22-000-ar610343.html