Nước biển Dung Quất đổi màu giống khói lưu huỳnh

Nếu quan sát kỹ, màu vàng của nước biển cộng với bọt sủi nhẹ rất giống với hiện tượng phản ứng hóa học có liên quan đến lưu huỳnh.

 Vây quanh eo biển là nhiều cảng biển và công ty xuất, nhập hàng vào nạo vét cảng.

Vây quanh eo biển là nhiều cảng biển và công ty xuất, nhập hàng vào nạo vét cảng.

Từ ngày 6/12 đến nay, nước biển ở khu vực gần cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cảng Hào Hưng, Doosan Vina và cảng Hòa Phát Dung Quất tự nhiên đổi màu khiến các ngành chức năng ở Quảng Ngãi đặt câu hỏi và các kết quả kiểm nghiệm đến nay chưa được công bố.

Trên bản đồ vệ tinh, khu vực từ mũi Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến cửa biển Kỳ Hà tỉnh Quảng Nam có địa hình giống như một eo biển khổng lồ, kéo dài hàng chục km và nước biển ở khu vực đầu eo biển có màu khác lạ, đó là màu vàng như nước trà, có nơi màu đen sẫm.

Ngày 6/12, khi phát hiện nước biển đổi màu thì một số người dân địa phương cho rằng, đó là hiện tượng bình thường sau mỗi đợt bão và nước có màu vàng do hòa tan rong biển bị bứt gốc dạt vào bờ. Nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến ngược lại cho rằng, đây là hiện tượng bất thường.

Ý kiến nói về sự bất thường của nước biển ngày càng được củng cố, vì bão tan nhiều ngày rồi nhưng nước biển vẫn vàng sẫm. Tại hiện trường, nước biển không có mùi hôi, không có dấu vết của váng dầu. Người dân tại địa phương vẫn ra bờ biển thả lưới đánh bắt cá bình thường, nhiều con cá đối bắt lên vẫn sống và đến nay chưa thấy có hiện tượng cá chết.

Chiếc tàu PV Alliance bị mắc cạn từ bão số 5 và trôi dạt vào bờ vào đêm 30/11 đang nằm ngay tại khu vực biển này được xem là nghi can số 1. Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Quảng Ngãi khẳng định chiếc tàu này đã được hút sạch dầu ra khỏi các khoang trước khi bão số 6 đổ bộ vào, nên khả năng ảnh hưởng từ chiếc tàu này là không có. Và tại hiện trường, quan sát luồng nước vàng không thấy có vệt xuất phát từ hướng tàu PV Alliance.

Tàu PV Alliance ban đầu bị nghi ngờ gây tràn dầu.

Vậy nước biển đổi màu đột ngột có nguyên nhân từ đâu? Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Tổng cục Môi trường) đã cử đoàn công tác về xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) khảo sát, tìm hiểu vụ việc. Trung tâm quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên cũng tổ chức lấy 8 mẫu nước biển và 2 mẫu trầm tích tại khu vực có nước biển màu đen để phân tích.

Đối diện với khu vực “eo biển nước vàng” là Cảng tổng hợp Hào Hưng, thuộc Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ngãi. Trong khu vực cảng của đơn vị này đang ùn ứ nhiều bãi dăm gỗ thu hoạch từ cây keo để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dăm gỗ nếu ngâm nước thì cũng có màu vàng. Tuy nhiên, bãi dăm này nằm ở khu vực khô ráo.

Bên cạnh đó là Cảng chuyên dụng Doosan Vina của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina thì chỉ chuyên xuất hàng là những sản phẩm công nghiệp nặng. Cảng biển nằm cách xa nhất là cảng xuất sản phẩm của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn và hiện nay đang có nhiều tàu hàng vào chở nhiên liệu.

Khu vực cảng gần eo biển nước vàng nhất là Cảng Hòa Phát Dung Quất. Cảng chuyên dụng này đi vào hoạt động từ ngày 20/1/2019, chuyên nhập phôi thép được vận chuyển từ Khu liên hợp Hòa Phát Hải Dương tại Kinh Môn. Khu vực này vẫn đang được đơn vị Hòa Phát tổ chức nạo vét và thuê các tàu vận chuyển đất đá, bao gồm: Hoàng Phương 145, Hải Nam 68, Congo River, Khánh Linh 68, Vũ Đình 16, Minh Linh 03, He Hai 689. Tuy nhiên, màu nước vàng không giống với màu nước biển trộn lẫn với đất. Và việc nạo vét và nhấn chìm đất đá để khai thông cảng được đơn vị này tiến hành từ ngày 2/5/2019.

Một số người dân địa phương có ý kiến nghi ngờ về nhà máy thép nằm gần đó xả thải. Đặt câu hỏi này với ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất thì ông Thọ cho biết: “Chúng tôi khẳng định rằng, không có bất cứ đường ống nào dẫn từ công ty ra biển. Khi nhà máy thi công, có hơn 1.000 người dân ở địa phương đến làm công nhân xây dựng và lắp đặt, nên bà con có điều kiện vừa làm, vừa kiểm tra và giám sát được những điều mà đơn vị đã cam kết. Công nghệ luyện thép của nhà máy là cốc khô, tận dụng nhiệt để tạo ra điện năng phục vụ chính nhà máy”.

Cá đánh bắt tai khu vực này vẫn sống bình thường.

Ông Lê Sáng, một ngư dân chuyên đi đánh cá dọc vùng biển này vốc một chậu nước vàng như màu của khói lưu huỳnh đưa lên mũi ngửi và cho biết, không thấy mùi lạ, không có cá chết nên ngư dân vẫn đánh cá mang về ăn.

HẢI ANH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nuoc-bien-dung-quat-doi-mau-giong-khoi-luu-huynh-post254654.html