Nước biển dâng: Thảm họa của các quốc gia ven biển

Hàng trăm triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ mất nhà cửa vì toàn bộ các thành phố sẽ chìm nghỉm dưới nước trong ba thập kỷ tới, theo các nhà nghiên cứu.

Theo phát hiện mới được công bố hôm thứ Ba trên tạp chí Nature Communications, cho biết sinh kế của hàng trăm triệu người sống tại các thành phố ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng do viễn cảnh ngập lụt sẽ cao gần gấp 3 lần so với dự báo trước đây.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mực nước biển toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 0,6 m đến 2,1 m và có thể nhiều hơn trong suốt thế kỷ 21.

Và đến năm 2050, các vùng đất hiện có khoảng 300 triệu người sinh sống sẽ gần như bị xóa sổ do nước triều hoặc lũ lụt dâng hàng năm. Đến năm 2100, khoảng 200 triệu người sẽ phải dời bỏ nhà cửa do đất đai đã vĩnh viễn nằm dưới dòng nước triều, khiến tất cả các khu vực ven biển đều không thể tồn tại.

"Kết quả chỉ ra rằng rất nhiều người đang bị ảnh hưởng bởi nguy cơ này", ông Benjamin Strauss - một trong những tác giả nghiên cứu và CEO của tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, chỉ ra. Ông Strauss nói thêm rằng các khu vực bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nước biển dâng cần phải hành động ngay lập tức để tránh "thảm họa kinh tế và nhân đạo" trong tương lai gần.

Nước biển dâng sẽ là thảm họa đối với các quốc gia bị ảnh hưởng.

Nước biển dâng sẽ là thảm họa đối với các quốc gia bị ảnh hưởng.

Toàn bộ các thành phố ven biển có thể bị xóa sổ nếu không có đủ hệ thống đê biển. Theo một nghiên cứu, khoảng 70% người dân có nguy cơ bị đe dọa bởi mưa lũ và ngập lụt hàng năm tập trung ở 8 quốc gia châu Á: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Nhật Bản.

Theo một thông cáo báo chí của Climate Central, các thành phố lớn nằm ở vị trí thấp của Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương như Thượng Hải, Thiên Tân và Hong Kong. Các thành phố châu Á khác có nguy cơ bao gồm thủ đô Hà Nội của Việt Nam, thủ đô Bangladesh của Bangladesh và thành phố Kolkata của Ấn Độ.

Toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam có thể bị xóa sổ khi nước triều dâng, theo dự đoán của tổ chức Climate Central.

Không chỉ châu Á, còn có 19 quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả Brazil và Vương quốc Anh, có thể rơi vào thảm kịch tương tự vào năm 2100.

"Nếu phát hiện của chúng tôi chính xác, các cộng đồng dân cư ven biển trên toàn thế giới phải chuẩn bị cho một tương lai khó khăn hơn nhiều so với dự đoán hiện tại", nghiên cứu cảnh báo. "Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ngay cả ở Mỹ, mực nước biển dâng trong thế kỷ này có thể gây ra hàng loạt làn sóng di cư quy mô lớn ra khỏi khu vực duyên hải dễ bị tổn thương, cùng với đó là tái phân bố dân số trên cả nước và gây áp lực lớn cho các khu vực nội địa".

Biến đổi khí hậu đã khiến các dòng sông băng và các tảng băng tan chảy nhanh chóng, từ dãy Himalaya đến Nam Cực. Các báo cáo trước đây đã dự đoán rằng mực nước biển có thể tăng thêm 0,9 mé - điều mà các nhà nghiên cứu của Climate Central cho rằng quá bảo thủ.

"Chúng tôi đang sống ở một thế giới trong đó mực nước biển không còn ổn định mà sẽ tăng lên trong nhiều thập kỷ và trên thực tế là trong hàng thế kỷ", ông Strauss nói.

Mực nước biển đang dần trở thành thảm họa đối với những cư dân ven biển, những người có thể bị buộc phải di dời quê hương. Toàn bộ các hòn đảo Thái Bình Dương có thể bị nhấn chìm dưới nước, tạo ra làn sóng người tị nạn khổng lồ.

Mực nước biển tăng góp phần làm cho nhiệt độ toàn cầu ấm hơn, thay đổi khí hậu và nguồn nước, điều này đồng nghĩa là hàng triệu người có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước uống, khủng hoảng sức khỏe, sản lượng nông sản suy giảm và nền kinh tế toàn cầu bị phá vỡ.

Huy Vũ

Theo CNN

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/nuoc-bien-dang-tham-hoa-cua-cac-quoc-gia-ven-bien-158404.html