Nước Anh tranh luận về Thỏa thuận Brexit mới

Thủ tướng Anh Theresa May hôm 4/12 đã thúc giục Quốc hội ủng hộ thỏa thuận 'ly hôn' mà bà mới đạt được với Liên minh châu Âu (EU), trong lúc bắt đầu cuộc tranh luận kéo dài 5 ngày về số phận của Brexit và cả số phận của Chính phủ của bà.

Thủ tướng Theresa May đứng trước thách thức lớn chưa từng có trong việc thông qua Thỏa thuận Brexit Nguồn: Reuters.

Vòng tranh luận 5 ngày

Thỏa thuận mà bà May đạt được - trong đó lên kế hoạch giữ mối quan hệ gần gũi với EU sau Brexit - đã vấp phải sự chỉ trích từ cả những người ủng hộ và phản đối Brexit, khiến cho bà khó có thể thúc đẩy thỏa thuận này trước Quốc hội. Trong trường hợp Thỏa thuận được thông qua, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019 theo các điều khoản đã đàm phán với Brussels. Nhưng nếu không được thông qua, bà May có khả năng phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về thỏa thuận này.

Thất bại cũng làm tăng khả năng Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận - một viễn cảnh mang tới sự hỗn loạn cho nền kinh tế và giới doanh nghiệp Anh, và khiến bà May chịu sức ép phải từ chức. Cũng có nhiều khả năng Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.

Trong hôm 4/12, Thủ tướng May đã dành ra nhiều giờ thương thuyết trước Quốc hội, mời nhiều nhà lập pháp tới tư dinh của bà ở Phố Downing nhằm thuyết phục họ ủng hộ thỏa thuận mới. Thế nhưng, nhiều nhà phê bình cho rằng thỏa thuận mới sẽ biến Anh thành một nước lệ thuộc vào EU.

Các đồng minh của bà May ở Quốc hội - đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland - cũng bác bỏ thỏa thuận này, trong khi phe đối lập tuyên bố sẽ không phê chuẩn nó.

Tính đến nay, chỉ có ít nhà lập pháp trong Hạ viện Anh bị thuyết phục rằng Thỏa thuận mới là tốt cho đất nước. Chính phủ của bà May cũng đang chịu sức ép từ nhiều vị quan chức từng phục vụ trong Nội các của bà, trong đó có cựu Bộ trưởng Brexit David Davis, người tuyên bố rằng: “Thỏa thuận này không phải là Brexit”.

Khả năng từ chức

Hơn 2 năm kể từ khi Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU, các cuộc tranh luận đầy thử thách một lần nữa khiến cho khả năng nước này phải tổ chức thêm một cuộc trưng cầu gia tăng, gây chia rẽ trong cộng đồng người dân nước này, trong khi nhiều người đặt ra câu hỏi về tương lai bất định của nước nhà.

Quan ngại nhất trong số này phải kể tới giới doanh nghiệp Anh. Thủ tướng May hy vọng rằng, nếu bà thúc đẩy Thỏa thuận thông qua tại Quốc hội, giới doanh nghiệp trong nước sẽ lấy lại niềm tin, trong khi các công ty nước ngoài sẽ nối lại các khoản đầu tư vào Anh.

Bà May nói rằng, Thỏa thuận mới mà bà đạt được với EU sẽ cho phép Anh duy trì quan hệ gần gũi với khối này sau Brexit, cho phép Anh được hoạt động thương mại tự do với phần còn lại của thế giới, trong khi cũng đáp ứng được một trong số những yêu cầu mà cử tri đặt ra - đó là ngăn chặn dòng người di cư tràn vào Anh.

Tuy nhiên, ngay cả các vị Bộ trưởng trong Nội các của bà May cũng cho rằng thỏa thuận trên là “không hoàn hảo”. Sự chia rẽ này khiến cho phe phản đối Brexit càng có thêm động lực để ngăn chặn thỏa thuận tại Quốc hội. Những người ủng hộ Brexit thậm chí còn tuyên bố sẽ hạ bệ Thỏa thuận này và buộc bà May phải từ chức.

Các nhà lập pháp có tư tưởng ủng hộ EU ở Anh nói rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại Thỏa thuận này, trong khi đảng Lao động đối lập đòi bà May từ chức.

Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland cũng thể hiện rõ sự phản đối của họ đối với Thỏa thuận này bằng cách ủng hộ đảng Lao động trong việc gây sức ép cho Thủ tướng May. Điều này khiến cho vị trí Thủ tướng của bà May bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong khoảng thòi gian 5 ngày tranh luận về Thỏa thuận mới, sức mạnh của phe đối lập ở Anh sẽ được thể hiện rõ ràng hơn, khi mà giới lập pháp đưa ra ý kiến của họ. Nhiều nhà quan sát cho rằng, nỗ lực thông qua thỏa thuận mới của bà May sẽ gặp phải thách thức lớn chưa từng thấy.

Khó khăn hơn, đảng Lao động đã đề xuất một điều luật sửa đổi trong đó nêu rằng Chính phủ không thể - dưới bất kỳ trường hợp nào - rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận, và cần phải cân nhắc mọi biện pháp thay thế khác trước khi rời khỏi khối này. Trong khi đó, giới lập pháp thân EU cũng thúc đẩy một bộ luật sửa đổi khác nhằm ngăn chặn Thỏa thuận của bà May.

Đứng trước thách thức lớn, đội ngũ của Thủ tướng May vẫn kiên định với Thỏa thuận mới. “Thỏa thuận này... là cách tốt nhất mà tôi tin rằng sẽ đảm bảo nước Anh rời khỏi EU đúng thời hạn ngày 29/3 năm sau” - Tổng chưởng lý Geoffrey Cox nói trước Quốc hội Anh - “Đây là Thỏa thuận sẽ đảm bảo được tính pháp lý”.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/nuoc-anh-tranh-luan-ve-thoa-thuan-brexit-moi-tintuc424426