Nước Anh tiến thoái lưỡng nan

Nước Anh đang 'tiến thoái lưỡng nan' trong cuộc đàm phán về Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU). Luân Ðôn khó có thể đạt được một thỏa thuận có lợi với Brúc-xen và đang phải thay đổi chính sách đàm phán, trong khi số người Anh muốn ở lại EU vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo kế hoạch đàm phán Brexit, chỉ còn khoảng bảy tháng nữa là Anh sẽ rời khỏi “mái nhà chung” EU. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng T.Mây đang “như gà mắc tóc” bởi chưa tìm được tiếng nói chung về “hóa đơn ly hôn” với EU. Thậm chí, gần đây, ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ đàm phán Brexit thất bại.

Theo lộ trình, nước Anh sẽ rời EU vào tháng 3-2019 và được hưởng giai đoạn chuyển tiếp cho tới cuối năm 2020 với các quyền lợi, nghĩa vụ như khi còn là một thành viên của EU. Sau đó, một mối quan hệ mới giữa hai bên sẽ chính thức sang trang mới và Anh độc lập với EU. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán thời gian qua đã vấp phải nhiều vướng mắc liên quan đến thỏa thuận tự do thương mại giữa hai bên trong tương lai, vấn đề đường biên giới Bắc Ai-len thuộc Anh, cũng như những bất đồng trong nội bộ nước Anh. EU đã đề nghị với Anh một thỏa thuận tự do thương mại rộng rãi, tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận này còn khác rất xa với một hiệp định mà phía Anh đang tìm kiếm. Về vấn đề đường biên giới Bắc Ai-len, EU đã chuẩn bị một cơ chế khẩn cấp cho phép tiếp tục can thiệp vào thương mại tại Bắc Ai-len sau Brexit. Thế nhưng, Anh phản đối vì cho rằng cơ chế này sẽ làm suy yếu liên kết của Bắc Ai-len với phần còn lại của “xứ sở sương mù”.

Thủ tướng Anh T.Mây mới đây đã cảnh báo, EU phải tham gia đàm phán với tinh thần xây dựng và nghiên cứu kỹ mọi đề xuất của Luân Ðôn, thay vì đưa ra những ý tưởng viển vông và ép nước Anh thực hiện. Tuy nhiên, sự cứng rắn của EU trong các vấn đề nêu trên đã buộc bà T.Mây và Chính phủ Anh phải thay đổi chính sách, mục tiêu đàm phán. Trước đây, nữ Thủ tướng Anh tuyên bố “thà không có thỏa thuận còn hơn đạt được một thỏa thuận tồi”, nhưng nay Luân Ðôn đã chấp nhận một “Brexit mềm”, nghĩa là nhượng bộ nhiều hơn để có thể đạt được thỏa thuận. Giới phân tích châu Âu cho rằng, EU sẽ chỉ đáp ứng những yêu cầu của Anh nếu Anh đủ can đảm bước ra khỏi bàn đàm phán, song Anh chưa sẵn sàng. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cho thấy, trong trường hợp đàm phán Brexit thất bại, GDP của Anh sẽ sụt giảm 4%, trong khi GDP của 27 nước thành viên EU còn lại chỉ giảm 0,5%. Con số này cho thấy EU không có lý do gì phải vội vàng hay nhượng bộ Anh.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, chính phủ của bà T.Mây còn đối mặt sức ép ngày càng gia tăng từ phe đối lập cũng như nội bộ đảng cầm quyền ở trong nước liên quan đến Brexit. Mới đây, chính trường Anh đã dậy sóng khi Bộ trưởng Ngoại giao B.Giôn-xơn và Bộ trưởng Phụ trách vấn đề Brexit Ð.Ðê-vít đệ đơn từ chức nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ về một quan hệ thương mại mật thiết với EU hậu Brexit. Trước khi từ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã gọi Brexit là “giấc mơ sắp tàn”.

Sự chia rẽ quan điểm về Brexit không chỉ diễn ra trong chính giới Anh, mà còn trong dư luận nhân dân. Bên cạnh một bộ phận lớn người dân muốn Anh độc lập khỏi EU, ngày càng nhiều người ủng hộ phương án ở lại EU. Hãng tin Sky News của Anh vừa công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, một nửa số cử tri Anh ủng hộ việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để lựa chọn một trong ba phương án, gồm rời khỏi EU với một thỏa thuận, không cần thỏa thuận (Brexit cứng) hoặc ở lại EU. Có tới 51% số cử tri Anh cho rằng việc rời EU là một sai lầm.

Tình cảnh nêu trên đã khiến Chính phủ Anh lâm vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Trong khi đó, ngày càng có nhiều lời cảnh báo với nước Anh về việc đàm phán Brexit thất bại và những hậu quả là khôn lường. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) M.Các-ni mới đây nhận định, Anh có thể sẽ “trắng tay” khi rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Theo đó, “xứ sở sương mù” sẽ phải đối mặt nguy cơ giá tiêu dùng tăng do những công ty có thể thực thi các kế hoạch ứng phó nhằm duy trì hoạt động của các chuỗi cung ứng. Trên thực tế, những tín hiệu tiêu cực từ một “Brexit cứng” đang khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm cách rời bỏ nước Anh trong những ngày gần đây.

Hà Việt

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37218802-nuoc-anh-tien-thoai-luong-nan.html