Nước Anh 'lạc trôi' trong Brexit

Tháng 6/2016, cử tri Anh - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới - đã bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tổ chức mà họ đã tham gia từ năm 1973, sau khi nhiều thế hệ Chính phủ tỏ rõ tính nước đôi đối với tư cách thành viên EU, nhiệt tình ủng hộ việc các thị trường hội nhập với nhau hơn nhưng lại từ chối đồng tiền cũng như những chính sách chung, ví dụ như khu vực tự do đi lại.

Thủ tướng Theresa May và mục tiêu lịch sử - đưa Anh trở thành nước đầu tiên rút khỏi EU

Thủ tướng Theresa May và mục tiêu lịch sử - đưa Anh trở thành nước đầu tiên rút khỏi EU

Dù một số người châu Âu hiện tin rằng EU sẽ tốt hơn nếu không có Anh, nhưng việc nước Anh ra đi sẽ làm suy yếu EU về chính trị, chiến lược và tài chính. Nó có thể dẫn đến sự rối loạn nghiêm trọng các liên kết thương mại giữa thị trường Anh và EU vốn chiếm 44% xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và 53% nhập khẩu của Anh. Những người ủng hộ Brexit thì cho rằng một khi ở ngoài EU, Anh sẽ củng cố mối quan hệ chính trị và thương mại chặt chẽ hơn với Mỹ và các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác.

Thỏa thuận Brexit Thủ tướng Theresa May ký với EU gồm hai phần. Phần đầu là một thỏa thuận rút lui quy định Anh phải trả cho EU bao nhiêu tiền, các quyền của công dân Anh sinh sống ở EU và công dân EU sinh sống ở Anh. Thỏa thuận này cũng bao gồm các cam đoan “chốt chặn” để tránh một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, yếu tố có thể đe dọa tiến trình hòa bình trên hòn đảo này. Thỏa thuận cũng thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó, nhiều quyền và nghĩa vụ của Anh với tư cách là thành viên EU được giữ nguyên nhưng Anh sẽ mất quyền bỏ phiếu trong EU. Giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài đến cuối năm 2020 và có thể được gia hạn thêm hai năm nữa. Phần thứ hai của thỏa thuận là một tuyên bố chính trị không có tính ràng buộc, phác họa mối quan hệ của Anh với EU trong tương lai bằng các điều khoản mơ hồ.

Trong bối cảnh Hạ viện Anh nhiều lần bác bỏ thỏa thuận Brexit, các nhà lãnh đạo EU bất đắc dĩ phải lùi thời điểm “chia tay” Anh từ ngày 29/3 sang 12/4. EU cũng quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/4 - chỉ hai ngày trước thời hạn mới - để quyết định xem liệu có tiếp tục gia hạn hay tiến hành Brexit không thỏa thuận.

Thủ tướng May đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Công đảng để thỏa thuận được thông qua, đổi lại là những nhượng bộ trong tuyên bố chính trị có thể giúp Brexit “mềm hơn” về dài hạn. Bà May dường như cũng chống kịch bản “ra đi không thỏa thuận” vì những ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế và mối quan hệ giữa các vùng hợp thành nước Anh, đặc biệt là Bắc Ireland. Bà cũng đã đồng ý sẽ từ chức nếu thỏa thuận Brexit được thông qua, một Thủ tướng Bảo thủ khác định hình mối quan hệ với châu Âu trong tương lai. Người kế vị bà May có thể lại là một người theo đường lối Brexit cứng rắn hơn. Do đó, có thể nói còn lâu Brexit mới kết thúc.

Thanh Phương

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nuoc-anh-lac-troi-trong-brexit-102692.html