Nước Anh bắt đầu giám sát Deltacron – biến thể lai giữa Delta và Omicron

Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết giới chức y tế nước này đã chính thức giám sát biển thể Deltacron, được cho là lai giữa 2 biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2, sau khi ghi nhận 1 bệnh nhân nhiễm biến thể này.

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 14/2 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.442.938 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 412.037.817 ca, trong đó 5.833.690 ca tử vong và 332.301.400 ca đã được chữa khỏi.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (144.211.432 ca), tiếp theo là châu Á (108.212.265 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (93.081.414 ca) và Nam Mỹ (52.079.709 ca). Châu Phi (11.332.326 ca) và châu Đại Dương ( 3.123.104 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

 Nước Anh bắt đầu giám sát Deltacron – biến thể lai giữa Delta và Omicron (Ảnh minh họa: DPA)

Nước Anh bắt đầu giám sát Deltacron – biến thể lai giữa Delta và Omicron (Ảnh minh họa: DPA)

Tại châu Âu, Nga ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua cao nhất châu lục là 197.949 ca, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này lên 14.133.509 ca; tiếp đến là Đức 108.216 ca; Pháp 86.562 ca; Italy 51.959 ca; Anh 41;270 ca;…Trong đó, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết giới chức y tế nước này đã chính thức giám sát biển thể Deltacron, được cho là lai giữa 2 biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2, sau khi ghi nhận 1 bệnh nhân nhiễm biến thể này. Tuy nhiên hiện chưa rõ việc đột biến xảy ra đầu tiên tại Anh hay ở nước khác. Hai biến thể gốc đều thuộc loại lây lan nhanh, nhưng chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Cơ quan này không cho biết có phát hiện biến thể lai ở các bệnh nhân khác hay không.

Tại châu Á, một số quốc gia trong khu vực ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao trong 24 giờ qua là: Thổ Nhĩ Kỳ 73.787 ca; Nhật Bản 67.506 ca; Indonesia 44.526 ca; Ấn Độ 33.291 ca;… Trước tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo số ca mắc COVID-19 theo ngày ở nước này có thể lên tới 15.000-20.000 ca do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Tuy nhiên, ông khẳng định xu hướng gia tăng số ca mắc hiện nay hoàn toàn nằm trong dự kiến.

Ngày 13/2, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine kêu gọi người dân cảnh giác hơn và tuân thủ các quy định y tế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tiếp tục tăng nhanh tại nước này. Trong ngày 13/2, nước này ghi nhận 401 ca mắc mới, gồm 4 ca nhập cảnh, và tất cả đều nhiễm biến thể Omicron.

Tại châu Mỹ, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với 79.325.576 ca mắc và 943.397 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 31.652 ca nhiễm mới. Trong khi đó, Bộ Y tế Cuba (MINSAP) cho biết trong vòng 24 giờ qua, đảo quốc Caribe đã ghi nhận 888 ca mắc mới COVID-19, con số thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Tại châu Phi, nhiều quốc gia đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Tính đến 6 giờ sáng 14/2 (giờ Việt Nam), toàn châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 11.332.326 ca mắc COVID-19. Nam Phi vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất “Lục địa Đen”, tiếp đến là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi Trung Phi chịu ít tác động nhất.

Tại châu Đại Dương, Australia ghi nhận 23.764 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 2.901.923 ca. Trong nỗ lực sống chung an toàn với COVID-19, Australia thông báo chính thức mở cửa biên giới cho tất cả các du khách quốc tế, các loại thị thực kể từ ngày 21/2, với điều kiện những người này tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Những người chưa được tiêm vaccine phải nộp đơn xin miễn trừ y tế nếu muốn nhập cảnh vào Australia và sẽ phải cung cấp bằng chứng rằng họ không thể tiêm vì lý do y tế./.

KG

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nuoc-anh-bat-dau-giam-sat-deltacron-bien-the-lai-giua-delta-va-omicron-603958.html