'Nước ăn của dân nhiễm dầu cho thấy kiểm tra giám sát rất yếu và thiếu'

Chuyên gia ngành nước, kỹ sư Trần Quang Hưng nêu quan điểm, Thành phố Hà Nội phải kiểm tra ngay toàn bộ các nhà máy nước để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tại tọa đàm An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý được tổ chức ngày 23/10, kỹ sư Trần Quang Hưng - nguyên Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký hội cấp thoát nước Việt Nam đã có những phân tích rất chi tiết về an ninh nước sạch từ vụ việc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp nước có nhiễm dầu thải cho người dân phía tây Hà Nội.

Theo ông Hưng, an ninh nguồn nước là đảm bảo sự trong sạch, phân phối nước từ đầu nguồn. Đối với nước ta, phần lớn các con sông lớn đều bắt nguồn từ nước ngoài. Vì thế, việc đảm bảo nguồn nước như thế nào được trong sạch là trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của địa phương, thậm chí đây là vấn đề của quốc gia.

Mặc dù vậy trong một trường hợp cụ thể thì Công ty nước sông Đà đã cung cấp nước nhiễm dầu đến người dân, đó là lỗi của doanh nghiệp không thể thoái thác trách nhiệm.

Khi nước có chất độc hại thì công ty xử lý không tốt, để cho nó xâm nhập toàn hệ thống mà vẫn bảo là nước sạch được đảm bảo. Cho đến khi người dân kêu lên, cơ quan chức năng vào cuộc và công khai nước không đạt chất lượng thì công ty vẫn giải thích loanh quanh. Điển hình như tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội ngày 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty nước sông Đà - ông Nguyễn Văn Tốn vẫn nói rằng: “Lúc đó thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng.

Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, lúc đó họ phản biện cắt nước thì lý do gì, bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu?

Sau đó công ty lấy mẫu nước đi phân tích chỉ tiêu B và C, nhưng phân tích phải 10-20 ngày. Quan trọng nhất là lúc đó lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân. Tôi hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước. Có người bảo báo cáo thành phố nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng nước theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo".

Từ sự việc này, kỹ sư Trần Quang Hưng nói thẳng: "Tôi có suy nghĩ đơn giản nếu chúng ta mua một cái bánh, cái bánh đó bị chua, mốc... nhà sản xuất biết thì đến xin lỗi và thu sản phẩm về, đổi sản phẩm khác. Nhưng Công ty nước sông Đà bây giờ vẫn bảo không xin lỗi, chúng tôi là nạn nhân”.

Lối giải thích quanh co của những người có trách nhiệm ở Công ty nước sông Đà khiến cho nhiều người dân cảm thấy họ bị coi thường, vì rõ ràng phải trả tiền mua nước, thế nhưng khi nhận về nước bẩn không thể dùng được, phải xếp hàng ngày đêm nhận nước từ các đơn vị khác, bị đảo lộn cả sinh hoạt mà không có nổi một lời xin lỗi. Ấy thế nên họ có lý do để lo lắng và nghi ngờ về những phát ngôn sau này của doanh nghiệp này.

Kỹ sư Trần Quang Hưng: "Tôi thấy tất cả hệ thống cảnh báo, kiểm tra, giám sát, biện pháp xử lý qua vụ việc việc nước sông Đà nhiễm bẩn đều rất yếu, thiếu và vội” . Ảnh: Nguyễn Chương

Kỹ sư Trần Quang Hưng: "Tôi thấy tất cả hệ thống cảnh báo, kiểm tra, giám sát, biện pháp xử lý qua vụ việc việc nước sông Đà nhiễm bẩn đều rất yếu, thiếu và vội” . Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Hưng phân tích, Công ty nước sông Đà là đơn vị sản xuất nước thì phải biết nguyên nhân tại sao nước bị mùi khét. Chính bởi vậy, việc nên làm đầu tiên là công ty cần xin lỗi và vào cuộc ngay với chính quyền để tìm nguyên nhân, khắc phục tích cực, nhưng rất tiếc họ không làm vậy và nhất quyết không xin lỗi người dân.

"Đó chính là ý thức của doanh nghiêp và đặc biệt là với doanh nghiệp làm dịch vụ đô thi như thế là rất kém", ông Hưng nói thẳng.

Kỹ sư Trần Quang Hưng cũng nêu quan điểm là cơ quan chức năng nói là lấy nước ở 69 điểm kiểm tra và công bố là an toàn nhưng theo ông phải kiểm tra là nếu đun lên, nhiệt độ tăng trên đường ống có mùi không.

“Phải kiểm tra ít nhất 10 ngày mới có thể khẳng định hệ thống đã đảm bảo chưa?

Tôi thấy tất cả hệ thống cảnh báo, kiểm tra, giám sát, biện pháp xử lý qua vụ việc việc nước sông Đà nhiễm bẩn đều rất yếu, thiếu và vội”, ông Hưng nhận định.

Nói một đằng kết quả một nẻo, xử lý trách nhiệm ra sao?

Trong vụ việc này, có ba thông tin rất đáng chú ý: Thứ nhất tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/10 thì lãnh đạo Sở Xây dựng đã cho biết, một số cán bộ của nhà máy nước sông Đà biết có dầu thải tràn xuống dòng nước nhưng không ngăn chặn và không báo cáo. Vậy phải đặt câu hỏi: Họ có vô cảm với sức khỏe của hàng vạn người dân không?

Thứ hai, tại Quốc hội, ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã nói thẳng là khi đến kiểm tra bên ngoài khu vực nhà máy nước sông Đà đã thấy ngay mùi khét nồng nặc như cao su cháy, rất khó chịu.

Như vậy là ở phía đầu nguồn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã thấy rõ điều này, còn ở Hà Nội thì người dân phát hiện ra nước có mùi khét, tại sao lãnh đạo Công ty nước sông Đà không biết?

Thứ ba, cũng tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 15/10, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hàm lượng Styren vượt 1,3-3,65 lần, cao dần về phía nhà máy và thấp dần về phía nhà dân, nhưng vẫn là không đảm bảo chất lượng.

Như vậy cơ quan chức năng phát hiện ra nước không đạt chất lượng khi làm xét nghiệm, vậy vì sao ông Tổng giám đốc Công ty nước sông Đà lại nói nước vẫn đạt chất lượng?

Cũng phải lưu ý rằng, việc cơ quan chức năng làm xét nghiệm mới chỉ là những đánh giá cơ bản mà đã cho thấy nước không đảm bảo chất lượng, vậy nếu xét nghiệm đánh giá chuyên sâu với tất cả các chỉ tiêu như Thông tư 41 Bộ Y tế ban hành (có hiệu lực từ tháng 6/2019) thì tại thời điểm đó thì sẽ như thế nào?

Chuyên gia Trần Quang Hưng nhấn mạnh: “Tôi là người dùng nước tôi không cần biết nước của nhà máy nào sản xuất. Tôi chỉ quan tâm nước qua đường ống nhà tôi. Mỗi một gia đình chỉ có duy nhất một đường ống cấp nước. Vậy tôi quan tâm đến người cấp nước qua đường ống đó phải đảm bảo cho tôi 4 chỉ tiêu.

Thứ nhất nước phải sạch đảm bảo theo quy chuẩn nhà nước. Thứ hai là áp lực luôn luôn đảm bảo. Bất cứ khi nào mở vòi nước từ trên tầng đến dưới tầng một. Thứ 3 là phải có nước liên tục 24/24h. Thứ tư là giá cả nước hợp lý với chất lượng chuẩn (sạch thật sự).

Đơn vị nào sản xuất tôi không cần biết, bằng công nghệ gì tôi không quan tâm, đó là việc của chính quyền kiểm soát.

Chính bởi vậy qua sự việc này phải chấn chỉnh lại toàn bộ công tác từ sản xuất nước và phân phối, làm sao đồng bộ, tập trung kiểm soát được từ đầu cho đến cuối. Vấn đề là cơ quan chức năng phải đưa ra được quy trình kiểm tra kiểm soát minh bạch để người dân yên tâm về chất lượng nước. Việc này phải trách nhiệm là của chính quyền và các ban ngành liên quan”.

Cho đến nay người dân không rõ là khi lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nước sinh hoạt từ Công ty nước sông Đà hay bất kỳ công ty nào khác thì thực hiện theo quy trình nào? Kết quả được công bố ở những địa chỉ nào? Nhưng căn cứ nào để người dân thấy thực sự tin tưởng vào kết quả kiểm tra đó?

Theo kỹ sư Trần Quang Hưng, nhiều nước trên thế giới cứ 6 tháng công ty cấp nước phải gửi tới khách hàng bản đánh giá của tổ chức y tế đã kiểm tra chất lượng nước trong suốt 6 tháng đó đảm bảo yêu cầu chất lượng. Đây là yêu cầu bắt buộc vì có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, nhất là hàng triệu trẻ nhỏ đang ở độ tuổi đến trường.

Cảnh tượng người dân xếp hàng lấy từng xô nước miễn phí như thời bao cấp. Ảnh:Nam Dương/giaoduc.net.vn

Cũng liên quan đến vụ việc này, trả lời câu hỏi của phóng viên là có nên rà soát lại toàn bộ việc sản xuất, cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô không? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng khẳng định đây là việc phải làm sau sự cố nước bẩn tại Nhà máy nước sông Đà.

Cơ quan chức năng mà ở đây cụ thể là lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần ra lệnh phải rà soát lại toàn quy trình sản xuất, cung cấp nước sạch và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo các quy định. Công tác kiểm tra, giám sát phải được thông báo rộng rãi trên các phượng tiện thông tin đại chúng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh, qua sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà lần này cho thấy chúng ta có rất nhiều việc phải làm.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét trong các văn bản đã ban hành còn thiếu những nội dung gì liên quan đến vấn đề quản lý.

Đặc biệt là quản lý rủi ro cũng như quản lý hoạt động giữa các cơ quan, chính quyền của các địa phương trong vấn đề cấp nước mang tính chất liên vùng khi có các sự cố xảy ra để phối hợp cùng giải quyết. Cần phải coi đây là vấn đề quan trọng của quốc gia vì nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người dân.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/nuoc-an-cua-dan-nhiem-dau-cho-thay-kiem-tra-giam-sat-rat-yeu-va-thieu-post203724.gd