Núi và sông trong ca dao Quảng Ngãi

(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung, người Quảng Ngãi sống trong một khung cảnh thiên nhiên mà núi và sông như xích lại gần nhau. Đi đâu cũng về với bến sông, ngẩng đầu lên thấy núi giăng trước mặt:

Sớm mai em xuống Quán Cơm em thấy hòn núi Hó
Chiều về Đồng Có em thấy hòn núi Tròn
Về nhà than với chồng con
Ra đi gan nát dạ mòn vì đâu.

Quán Cơm ở đầu cầu Trà Khúc, bên tả ngạn. Đò từ đây xuôi về cửa Đại chỉ bằng khoảng thời gian hút hết điếu thuốc rê. Đồng Có gần thị tứ Ba Gia nổi tiếng sầm uất một thời. Từ Quán Cơm về Đồng Có đi hết nửa buổi ghe buồm. Thời ấy, khách lữ hành tính chợ, quán và bến đò ngang để biết mình đã qua hết mấy độ đường, người đi lại trên sông lấy bến đò dọc (bến ghe kinh) làm đích đặng mà đo chặng trên con đường thủy xuôi ngược từ nguồn ra biển.

Núi Ấn - sông Trà. Ảnh: LHK

Nhưng dù buôn hàng xáo (buôn gạo) theo đường bộ hay buôn ghe kinh theo đường sông thì ngước mặt lên là đã nhìn thấy núi. Từ Bình Sơn vào đến Đức Phổ, không tính những ngọn núi ở thượng bạn, sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, kể tên đến 103 ngọn núi và 1 đèo (đèo Cung Quăng – Mộ Đức). Còn trong ca dao, dân ca, thật không thể kể hết có bao nhiêu câu ca, bài hát bắt đầu bằng hình ảnh ngọn núi “ngó lên” là thấy:

Ngó lên Hòn Sỏi nhiều tranh
Liều mình lén mẹ theo anh phen này.

Trong bao nhiêu ngọn núi ấy, có những danh sơn đã được biết bao nhiêu tao nhân mặc khách làm thơ đề vịnh như Thiên Ấn, Thiên Bút, Long Đầu, Thạch Bích, Vân Phong... Người bình dân, không có thời gian nhàn tản để mà ngâm vịnh, thù tạc, họ chỉ kể về ngọn núi quê mình với bạn hữu, người thân để tỏ niềm tự hào, hay giãi bày tâm sự. Mỗi ngọn núi hiện diện trong ca dao như mang theo một mảnh tâm hồn của người dân quê Quảng Ngãi. Này là núi Thình Thình, gắn với ngôi chùa cổ kính và câu chuyện huyền thoại về khoảnh đất thiêng nhà Phật. Còn kia là núi La Hà, nơi nhà thơ Nguyễn Cư Trinh dành cho mỹ tự “La Hà thạch trận” (Trận đá La Hà):

La Hà thạch trận là đây
Bốn phương tám hướng đá xây trận đồ
Ai vô Tư Nghĩa thì vô
Dừng chân ngắm cảnh trận đồ đá xây.

Có 4 sông chính chảy qua tỉnh Quảng Ngãi, đều theo hướng Tây - Đông là Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu, cùng với đó là hàng trăm phụ lưu, chi lưu, hàng ngàn suối khe, kênh rạch, ao đầm, hình thành một mạng lưới sông nước chằng chịt từ miền núi, qua trung du, đổ xuống đồng bằng rồi ra đến biển.

Ai đó đã nói rằng luôn có một dòng sông chảy qua cuộc đời của mỗi con người. Điều đó càng đúng với mảnh đất và con người miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Sông Trà Bồng xanh biếc, nghiêng nghiêng hàng tre soi bóng trong thơ Tế Hanh; con nước Vực Hồng lặng lẽ trôi như ngày qua chầm chậm trong thơ Bích Khê; dòng Trà Khúc, phía hạ lưu, bồi hồi bóng trăng, hiu hiu ngọn gió thấm đẫm nỗi buồn thế sự trong thơ Trương Đăng Quế.

Không quá nặng suy tư, không vương đầy xúc cảm, con sông ca dao yên bình chảy qua những miền quê Quảng Ngãi, mang theo niềm vui, nỗi buồn của những người nông dân sớm khuya lam lũ. Dòng sông là nơi những chuyến đò ngang qua lại đi về, những bạn ghe kinh ngược xuôi trên nguồn, dưới biển, con nước theo mùa mưa nắng đầy vơi. Phải chăng vì vậy mà người ta thường có những tâm trạng khác nhau, lắm khi trái chiều khi nhắc đến dòng sông, bến nước. Người này trong lòng ấp ủ hy vọng khi mái chèo khỏa nước đưa con thuyền xuôi ra phía biển. Người kia lại thẫn thờ khi ở lại, nhìn cánh buồm đưa ai đó ngược dòng sông về tận thượng nguồn.

Bình minh Cổ Lũy. Ảnh: Nguyễn Hy

Tích xưa nói nhiều đến chuyện thề non, hẹn biển (thệ hải, minh sơn) của những đôi trai gái yêu nhau để tỏ lòng sắt son, chung thủy. Trong ca dao Quảng Ngãi lại gặp cánh rừng, con sông làm nhân chứng của lời thề:
Bao giờ Rừng Thủ hết gai
Sông Trà hết nước mới sai lời nguyền.

Mà thật vậy, con sông gắn bó với người bình dân từ chuyện thả lờ bắt cá đến bến nước con đò; từ ngăn sông đắp đập đưa nước vào kênh đến chuyện dựng guồng xe lấy nước sông tưới ruộng. Thời bấy giờ, sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ... là những thủy lộ đóng vai trò quan trọng trong việc đi lại, giao lưu hàng hóa từ trên nguồn xuống cửa vạn qua trung gian những chuyến ghe kinh, những người buôn nguồn. Bến sông, vì thế, đã trở thành nơi những chàng trai, cô gái làm quen, gặp gỡ rồi nhiều khi nên vợ, nên chồng:

Đò đưa sông Vệ nghênh ngang
Bạn hàng nô nức sao chàng ngồi đây?

Vào thế kỷ XVIII, khi giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi, Đạm Am Nguyễn Cư Trinh (1717 – 1767) đã làm 10 bài thơ ca ngợi 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi, gọi là Quảng Ngãi thập cảnh. Người đời sau, nối theo niềm hứng khởi của ông mà vịnh thêm 2 cảnh đẹp nữa để thành Quảng Ngãi thập nhị cảnh. 12 cảnh đẹp ấy cũng được nhắc nhiều trong ca dao, dân ca và thật khó biết giữa “thi sĩ bình dân” và các tao nhân mặc khách ai là người trước tiên nhìn ra vẻ đẹp tiềm ẩn, quyến rũ của núi, sông, trời, biển nơi miền quê Quảng Ngãi. Mà có lẽ chẳng cần bận tâm nhiều quá chuyện ai trước, ai sau. Ngọn núi Thạch Bích kia ánh lên thoáng chốc trong bóng tà huy rồi chìm khuất vào đêm rừng cô tịch. Ông lão ngồi câu bên ghềnh đá Sa Kỳ mặc kệ mưa nắng thời gian. Vậy cớ chi thế nhân lại buông lời chất vấn chuyện sau, chuyện trước. Thì thôi, ngồi lại đây với núi Ấn sông Trà, nhắp cốc nước chè Tam Bảo, vui vầy câu chuyện quê hương:

Ai về Quảng Ngãi mà xem
Bãi dâu xanh mượt đồng ken lúa vàng
Xóm thôn sực nức mùi đàng
Nhắp chè Tam Bảo luận bàn văn chương.

Cái nghĩa sâu thẳm của văn chương là ở đây chăng? Là sông núi, ruộng đồng. Là vẻ đẹp hòa điệu của trời đất, con người trong miên viễn thời gian, vô chung, vô thủy!

Lê Hồng Khánh

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/201512/nui-va-song-trong-ca-dao-quang-ngai-2646131/