Núi Trường Lệ - di tích lịch sử lưu dấu chân Bác Hồ về thăm TP. Sầm Sơn

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của TP. Sầm Sơn, niềm tự hào lớn nhất của nhân dân địa phương là được đón Bác Hồ về thăm vào tháng 7/1960.

Núi Trường Lệ - sóng vẫn đời đời ru vỗ vào chân vách đá, dưới tán thông reo vi vút, những nơi lưu dấu chân Bác về thăm nay đã thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của TP Sầm Sơn.

Đó là mùa hè tháng 7/1960, miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, Bác Hồ đi thăm nhân dân một số tỉnh phía Nam Thủ đô Hà Nội, Người ghé Sầm Sơn tắm biển. Bác nói với mấy vị cán bộ cao cấp cùng đi: Mình về với dân, cùng làm với dân để được tắm biển...

Bác Hồ giản dị về thăm Sầm Sơn

Bác Hồ giản dị về thăm Sầm Sơn

Tại đây, Bác chọn chùa Cô Tiên, nằm trên dãy núi Trường Lệ làm nơi ở và làm việc. Trong 3 ngày lưu lại Sầm Sơn (từ ngày 17 đến 19/7/1960), Bác đi tham quan núi Trường Lệ; thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ miền Nam và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển của Tổ quốc.

Đặc biệt, Bác đã trực tiếp tham gia kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn).

Bác Hồ tiến lại gần đưa tay cầm ngay dây kéo lưới với họ như một lão ngư dân thuần thục biển cả, lại vừa thân thương với bà con.

Sau đó, Bác Hồ ghé thăm một gia đình ngư dân xóm Vinh Sơn, phường Trường Sơn. Ðó là gia đình vợ chồng ông Nguyễn Văn Gương và bà Lê Thị Hót.

Ông Nguyễn Văn Gương kể lại: Hôm đó, Bác cởi trần, chỉ mặc chiếc quần cụt vải, sải bước dài trên bãi cát vàng tới chỗ bà con ngư dân đang kéo lưới. Bác vừa đi vừa hỏi bà con: “Cá vào trong lọng có dày không?”, vừa đưa tay cầm ngay dây kéo lưới rùng với họ như một lão ngư thuần thục biển cả, lại vừa thân thương với bà con.

Sau đó, Bác Hồ ghé thăm một gia đình ngư dân xóm Vinh Sơn, phường Trường Sơn

Bác đi rồi, ông cụ xóm chài cửa biển Sầm Sơn ngây ngất bồi hồi nâng cái ly rượu mà Hồ Chủ tịch đã uống, đặt lên bàn thờ gia tiên giữ làm kỷ vật thiêng liêng của gia đình.

Trước khi rời Sầm Sơn vào ngày 19/7/1960, Bác căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch, khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây!”.

Hiện họ còn lưu giữ 1 bức ảnh Bác Hồ ghé thăm, hỏi chuyện làm biển. Bác còn dỗ dành, bế trên tay một bé trai 10 tháng tuổi.

Làm theo lời Bác, hơn nửa thế kỷ trôi qua, Sầm Sơn đã có bao đổi thay. Xóm Sơn, cái xóm chài thèo đảnh của xã Quảng Vinh, nơi Bác Hồ ghé, nay đã thênh thang thành một Phường Trường Sơn của Sầm Sơn. Núi Trường Lệ - nơi lưu dấu chân Bác về thăm Sầm Sơn trở thành địa danh du lịch nổi tiếng.

Cuộc sống người dân thay đổi, Sầm Sơn đã trở thành điểm du lịch đón hàng triệu du khách với dịch vụ chuyên nghiệp lên từng ngày.

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng đất và người thành phố biển vẫn khắc ghi trong tim mình hình ảnh vị cha già kính yêu của dân tộc ân cần, gần gũi hỏi han cuộc sống, thuần thục kéo từng mẻ lưới cùng bà con ngư dân.

Với ý nghĩa lịch sử đó, trong khuôn khổ Vòng chung kết Press Cup 2020, Ban tổ chức sẽ tổ chức chuyến thăm xóm chài Vinh Sơn - TP. Sầm Sơn nhằm tạo cơ hội cho các cầu thủ tham dự giải được chứng kiến nơi Bác Hồ từng đặt chân và được nghe người dân kể về câu chuyện đầy ý nghĩa này.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nui-truong-le--di-tich-lich-su-luu-dau-chan-bac-ho-ve-tham-tp-sam-son-d163723.html