Núi Tổ nơi ấy bác về

Dân ta thường coi dãy núi Ba Vì là núi Tổ của dân tộc Việt. Từ xưa, danh nhân Nguyễn Trãi cũng khẳng định, đây là vùng núi trời, thờ Thánh Tản Viên Sơn (một trong bốn vị thần bất tử của nước non). Vùng núi cao, sông nước vây quanh, mây trời cuồn cuộn mênh mang, tạo nên không gian tâm linh huyền bí. Câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh gắn bó với dãy núi Tổ này thể hiện sức mạnh của dân tộc trong cuộc chiến chống lại thiên tai, địch họa bao đời nay...

Đá Chông lưu dấu chân Người

Núi Đá Chông chỉ cao chừng 250m, được coi là phần nối dài của dãy núi Ba Vì kéo tới điểm hội tụ sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Nơi đây còn lưu dấu phần sót lại huyền tích của cuộc chiến giữa Sơn Tinh (Thánh Tản) và Thủy Tinh, đó là những tảng đá dựng lên tua tủa với mũi vát sắc nhọn.

Tương truyền, đây chính là vũ khí của Sơn Tinh chống lại giặc Thủy Tinh. Nếu nhìn những tảng đá nhọn vươn lên trời cao, ai cũng nhận biết ra sự khắc nghiệt của thiên nhiên bào mòn núi đá. Câu chuyện huyền thoại đó được viết tiếp những trang sử hào hùng trên mảnh đất Đá Chông này. Bởi đây chính là nơi Bác Hồ đã đặt chân đến và chọn và đặt tên cho nó là núi Rồng (K9). Ta có thể hình dung dãy núi Đá Chông tựa hình con rồng đang cúi xuống uống nước sông Đà.

Đền thơ Bác Hồ tại Đá Chông.

Bác Hồ đã đến nơi này vào một ngày tháng 5-1957, trong chuyến đi kiểm tra Sư đoàn 308 diễn tập trên sông Đà. Ba hòn đá dựng lên như mũi chông hiện nay chính là nơi Bác Hồ đã ngồi nghỉ kế bên. Ít ai ngờ, khu núi Đá Chông này đã được Bác chọn làm Khu căn cứ địa, nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bộ Chính trị, suốt từ năm 1960 đến 1969.

Chúng tôi theo người hướng dẫn viên đi dọc con đường sát sông Đà, dưới những hòn đá chông. Đó là con đường Bác đã đi khảo sát lại toàn vùng và nhận định đây có phong cảnh tự nhiên, linh khí tốt, thuận tiện giao thông đường thủy, phòng khi có biến có thể nhanh chóng ngược sông Đà lên chiến khu Tây Bắc.

Với con mắt nhìn xa trông rộng của Bác Hồ, núi Đá Chông đã được tạo dựng một không gian văn hóa lớn và được coi là chiến khu mới, bởi những ngày tháng đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam còn ở phía trước. Đá Chông gắn bó với công cuộc cách mạng dân tộc ngày một sâu sắc hơn. Đứng trước ngôi nhà làm việc của Bác Hồ, chúng tôi nghe người nữ hướng dẫn viên kể chuyện những sinh hoạt bình dị của Bác trong những năm tháng trên núi Đá Chông.

Bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” vang lên từ đền thờ Bác. Những lời ca trĩu nặng tình cảm của dân tộc với Bác Hồ. Chúng tôi lắng nghe những lời ca ngân vang trong chính trái tim mình: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại/ Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân/ Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”.

Những lời ca như dẫn chúng tôi đến căn hầm, địa điểm lưu giữ bảo quản thi hài Bác đầu tiên, phía dưới kế bên ngôi nhà làm việc. Bác đã yên nghỉ nơi đây một thời gian dài, suốt 6 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Cho đến ngày 18-7-1975, thi hài Bác mới được di chuyển về công trình Lăng, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Dẫu vậy, những hàng cây dâm bụt bên tường nhà vẫn nở những bông đỏ thắm hướng về Người. Đàn cá vàng vẫn tung tăng như ngày nào Bác cho ăn. Những hòn đá chông kia vẫn đội nắng, dầm mưa ngóng đợi Người đến kề bên, với tách trà ấm nóng. Những con đường sỏi dẫn chúng tôi lên thăm ngôi nhà sàn năm xưa vẫn lao xao dưới chân Người.

Tất cả câu chuyện còn nguyên đó với trời đất non sông. Ký ức linh thiêng luôn cất lên lời ca hát về Người như ngày nào không bao giờ dứt bởi: “Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư/ Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam…”.

Linh khí bao la mây trời

Chuyến đi tiếp của chúng tôi theo hình bóng Người chính là ngôi đền thờ Bác trên đỉnh núi Tản (đỉnh vua cao 1.296m). Đúng như hồn dân tộc đã được ghi lại trên đỉnh núi này: “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng/ Hào khí mênh mang vạn thuở còn”. Những khối mây trắng bềnh bồng quấn quýt chúng tôi. Bức tượng Bác Hồ bỗng sáng lên giữa bao la như một mặt trời bừng lên những tia nắng ấm. Chúng tôi ngỡ ngàng với những chùm ánh sáng giữa non ngàn. Hình tượng Bác Hồ trở nên gần gũi thân thương. Đôi mắt hiền hậu như đang muốn nhỏ lệ với chúng sinh. Đó là đôi mặt Phật trong dân gian. Yêu thương con người. Muốn đem phúc lành cho Phật tử.

Chúng tôi đang như chìm trong cõi u tịch huyền diệu của thiên nhiên dưới ánh sáng nơi thiền tự thì bất ngờ có một nhóm học sinh ríu rít chạy lên. Chúng kháo nhau những câu chuyện về học hành. Cả nhóm đều đỗ đạt thành tựu. Tất cả đều muốn lên đây để báo công với Bác. Có bạn trẻ khoe đủ điểm vào cả hai trường theo nguyện vọng. Đám học trò làm chúng tôi muốn sống lại một thuở mộng mơ. Trên đỉnh núi này những ước mơ được nảy sinh và khát vọng được chắp cánh bay cao.

Những hòn đá chông trước ngôi nhà Bác làm việc.

Người hướng dẫn chúng tôi là một nhân viên kiểm lâm của Vườn Quốc gia Ba Vì. Anh kể những người của đội kiểm lâm có nhiệm vụ hướng dẫn mọi người lên thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ; và kèm theo đó là việc chăm sóc, bảo vệ hàng ngàn héc ta rừng từ độ cao 800m trở lên. Anh kể, đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi được thiết kế mang dáng dấp một nhà sàn thân quen, nơi Người ở ngày nào. Bốn bề rộng mở giữa trời mây bao la.

Gió thổi suốt bốn mùa với những áng mây che phủ. Kết cấu vững chãi, cởi mở giữa thiên nhiên, kiến trúc đền thờ phía trong luôn luôn ấm hơi thở của Người với hương thơm suốt ngày đêm. Mái đền với 8 mũi đao uốn cong về muôn phương của trời mây bao la. Chúng được trụ vững trên những cột đá tảng cùng với bức hoành phi khắc đậm dòng chữ: “Không gì quý hơn độc lập tự do”. Phía trên, lá cờ Tổ quốc được ghép bằng đá hoa cương màu đỏ, uy nghiêm.

Chúng tôi cùng đám học trò ngồi quanh đền nghe anh kiểm lâm kể chuyện về những đêm đông gió rét, hay những đêm sấm sét trên đỉnh núi Ba Vì. Có đêm giá băng, những cành cây lốm đốm những bông tuyết, các anh đã lên lấy những tấm gỗ, cót che cửa đền và thắp đèn bão sưởi ấm không gian quanh đền thờ. Nghe mà thấy gió rét căm căm trong lòng người. Gian khổ xiết bao. Khi những đám mây cuộn lên như sóng biển dâng cao, nhiều đội viên đã ngôi bên tượng Bác cùng nhau hát khúc quân hành dưới ánh chớp của giông sét. Các anh mong muốn canh giấc ngủ cho Bác được an lành. Những ngọn đèn lấp lánh tựa những vì sao bay trên bầu trời cao.

Chúng tôi ngỡ như đáng sống trong những đám mây cổ tích. Bức tượng Bác Hồ bằng đồng sáng bừng ánh vàng trong sương mây. Đó là một ông tiên giáng trần đem lại những niềm vui và hạnh phúc cho con người. Những cô cậu học sinh hồn nhiên chạy ra sân đền sau khi làm lễ dâng hương. Chúng hát, chúng nhảy vì niềm vui tràn ngập trong lòng.

Một chân trời mới đang ở phía trước một tương lai rộng mở trên cõi đời này. Ba Vì mờ cao giờ đây rực sáng khi ánh nắng mặt trời bừng lên. Những đám mây tan dần bay về phía xa. Dòng sông Đà hiện lên như dải lụa êm đềm trôi dưới chân núi. Những giò phong lan lung linh cánh tím nhả nốt những giọt sương cuối cùng bên mái đền. Tiếng chuông thỉnh lên từ ngôi tháp phía dưới, ngân nga cùng lòng người phiêu linh nơi cõi Phật, tĩnh lặng thanh cao.

“Cây đa Bác Hồ” dưới chân núi Tổ

Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi được dẫn đến địa chỉ cuối cùng còn ấm hơi Người dưới chân núi Ba Vì. Cách khu di tích văn hóa lịch sử Đá Chông chừng vài cây số là khu “Đồi cây đón Bác” của xã Vật Lại, Ba Vì. Nơi đây, vào dịp mùa xuân 1969, trước khi mất, Bác Hồ đã trở lại Ba Vì và trồng một cây đa. “Tết trồng cây” được phát động vào ngày 28-11-1959. Ngay sau đó, mùa xuân năm 1960, Bác Hồ đã trồng cây đa đầu tiên ở Công viên Thống Nhất.

Và đây, cây đa Bác trồng lần cuối cùng ở chân núi Ba Vì, vừa đúng tròn 10 năm phát động. Kỳ diệu thay! “Trông cây lại nhớ đến Người”, chúng tôi lắng nghe lời Bác như đâu đây ấm áp:“Ươm mầm xanh ta như mẹ thương con”. Đó là một mùa xuân cuối cùng của Bác Hồ, nhưng lại là khởi nguồn, nối tiếp cho ngàn vạn mùa xuân mới cho con người, cho cuộc đời mãi mãi xanh tươi.
Chung Tử

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nui-to-noi-ay-bac-ve-510816/