Núi tiền Trung Quốc tái thiết Syria: Đòn hiểm Nga vào Mỹ

Nga có thể sẽ dùng tiền của Trung Quốc, huy động các nước SCO-BRICS tham gia tái thiết Syria, tạo sức mạnh đối chọi với liên minh phương Tây.

Nga sẽ đưa Trung Quốc vào định dạng Astana?

Vào tháng 1 đầu năm nay, Nga đã tổ chức Đại hội Đối thoại Quốc gia Syria tại khu nghỉ mát Sochi ở vùng Biển Đen. Hội nghị này được coi là một diễn đàn chính thức với thành phần đầy đủ nhất ở Syria từ trước đến nay, để thảo luận về cuộc xung đột ở Syria.

Moscow đã mời Bắc Kinh tham gia sự kiện này với vai trò là một quan sát viên. Chính phủ Nga tin rằng Trung Quốc quá quan trọng (về địa vị và khả năng tài chính) để bị từ chối một vai trò trong quá trình mang hòa bình đến đất nước bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn như Syria.

Syria sau chiến tranh là một đất nước bị tàn phá hoàn toàn. Việc Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra các khu vực chấm dứt leo thang xung đột đã vận hành tốt để thiết lập lệnh ngừng bắn, tạm ngừng tiếng súng để tạo tiền đề cho việc hòa giải dân tộc, trước khi công việc tái thiết bắt đầu.

Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây rất khó có thể giúp Syria tái thiết đất nước khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, được hậu thuẫn bởi Nga và Iran, vẫn còn nắm quyền.

Luật về cái gọi là "Không hỗ trợ cho chính quyền Assad" đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua và đã được trình bày hai lần trước Thượng viện. Dự luật tìm kiếm kênh viện trợ của Mỹ dành riêng cho các phần lãnh thổ của Syria, nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ.

Sự bất hợp tác của phương Tây để giúp xây dựng lại Syria làm cho Trung Quốc trở thành một sự thay thế khả thi. Bắc Kinh, với núi tiền khổng lồ của mình, đã sẵn sàng để đóng góp cho quá trình tái thiết Syria và đã được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh.

Vừa qua, các doanh nhân Trung Quốc đã tới Syria, khám phá các cơ hội đầu tư. Sau đó, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp trị giá 2 tỷ USD cho 150 công ty Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ tham dự quá trình tái thiết Syria, hậu IS?

Trung Quốc chỉ tham dự quá trình tái thiết Syria, hậu IS?

Trước đây, Trung Quốc đã khởi động Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (BRI) đầy tham vọng, nhằm tái hiện thực hóa “Con đường Tơ lụa trên bộ mới”, tức là một dự án phát triển cơ sở hạ tầng liên lục địa, được đầu tư nhiều tỷ USD, trong đó, Syria được coi là “một đối tác chuyển tuyến”.

Để thực hiện sáng kiến này, Bắc Kinh sẽ vung các khoản đầu tư trên khắp thế giới trong tương lai và Syria có thể là người thụ hưởng một phần trong số đó. Nguồn ngân sách của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những người bảo lãnh quá trình Astana.

Giới chức lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố, ngoài kinh tế, Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ về quân sự và các hình thức trợ giúp khác cho Syria, bởi họ cũng có lợi trong việc giải quyết cuộc xung đột, bởi vì sự ổn định ở Syria làm giảm nguy cơ lính đánh thuê từ Tân Cương sẽ trở về quê hương để tấn công khủng bố.

Năm ngoái, khoảng 5.000 người dân tộc Uyghurs (tức người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc) đã tới Syria để huấn luyện và chiến đấu cho nhiều nhóm dân quân Hồi giáo khác nhau. Việc bình thường hóa tình hình sẽ ngăn cản Syria trở thành thiên đường và nền tảng đào tạo cho những kẻ cực đoan Hồi giáo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không có hòa bình cho người dân Syria nếu đất nước không được xây dựng lại; không có sự ổn định nào có thể đạt được ở Syria mà không cải thiện mức sống của nhân dân và phát triển kinh tế. Việc tái thiết sau chiến tranh là quá sức đối với Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và họ sẽ cần một nỗ lực toàn diện mang tính quốc tế. Do đó, cái túi tiền đầy ắp của Trung Quốc sẽ phát huy tác dụng trong giai đoạn này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nui-tien-trung-quoc-tai-thiet-syria-don-hiem-nga-vao-my-3358162/