Núi quần áo cũ khiến Trung Quốc đau đầu

Trung Quốc vứt bỏ 26 triệu tấn quần áo cũ mỗi năm, trong đó chưa đến 1% được tái sử dụng hoặc tái chế. Điều này đang đặt ra bài toán khó cho Bắc Kinh.

Kho chứa của một công ty thu gom quần áo cũ ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Kho chứa của một công ty thu gom quần áo cũ ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Tầng lớp trung lưu trẻ cộng với sự bùng nổ của thương mại điện tử đã biến Trung Quốc thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ hồi năm ngoái. Trung Quốc chiếm 20% doanh thu toàn cầu của gã khổng lồ bán lẻ thời trang Nhật Bản Uniqlo. Doanh số Uniqlo tại thị trường 1,4 tỉ dân này đã tăng gần 27% lên hơn 4 tỉ USD trong năm tài chính 2017-2018. Phần lớn các sản phẩm Trung Quốc mua là thời trang nhanh, tức quần áo được sản xuất hàng loạt, giá thành rẻ nhưng thời gian sử dụng ngắn. Ðược biết, Trung Quốc sản xuất trên 5 tỉ áo thun/năm. Kết quả là mỗi năm nước này vứt bỏ tới 26 triệu tấn quần áo cũ, trong đó chỉ dưới 1% được tái sử dụng hoặc tái chế, theo Tân Hoa xã.

Một phần nguyên nhân tạo nên núi quần áo cũ khổng lồ trên là hoạt động tái chế còn vướng mắc. Theo luật ở Trung Quốc, việc bán quần áo đã qua sử dụng không vì mục đích từ thiện bị cấm do những lo ngại về sức khỏe và an toàn. Tại đây, quần áo đã qua sử dụng bị xem là không hợp vệ sinh, thậm chí đen đủi. Sợ bị “kỳ thị” nên người dân Trung Quốc, ngay cả ở những vùng tương đối nghèo khó, cũng không có thói quen mặc lại đồ cũ. Bộ Dân chính Trung Quốc cũng thừa nhận “rất khó giải quyết” tình trạng quần áo chất đống tại các điểm thu gom.

Do vậy, hàng may mặc chất lượng cao đã qua sử dụng thường được bán ra nước ngoài. Theo Hiệp hội tái chế hàng dệt may (Anh), xuất khẩu quần áo xài rồi của Trung Quốc đã tăng từ mức dưới 1% tổng kim ngạch thế giới năm 2010 lên tới 6,4% trong năm 2015. Rất nhiều đồ cũ được xuất sang Ðông Nam Á và châu Phi. Ðơn cử như ở Kenya, Trung Quốc hiện đã vượt mặt Anh để trở thành nhà cung cấp quần áo cũ lớn nhất cho thị trường này (chiếm khoảng 30%).

Tuy nhiên, đa số quần áo bị loại bỏ của Trung Quốc đi thẳng vào thùng rác, càng làm trầm trọng vấn đề môi trường của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong số 654 bãi chôn lấp khổng lồ ở Trung Quốc, phần lớn đã hết chỗ trước kế hoạch. Bãi rác lớn nhất nước này tọa lạc tại tỉnh Thiểm Tây có kích thước bằng 100 sân bóng đá, nhưng đã bị lấp đầy sớm hơn 25 năm.

Do không còn chỗ chứa rác quần áo, Trung Quốc năm 2018 buộc lòng phải đổ hơn 200 triệu mét khối chất thải xuống vùng ven biển. Một phương án xử lý khác được nước này nhắm tới là đốt rác. Những mảnh vải vụn được nhồi vào chất thải phân hủy sinh học và xử lý trong các lò đốt rác thành năng lượng. Bắc Kinh coi các lò này như một dạng năng lượng tái tạo, bất chấp lượng khí thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường mà chúng tạo ra. Theo Hãng tin Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tìm cách tăng gấp đôi công suất của các lò đốt trong 5 năm qua. Alan Wheeler tại Văn phòng Tái chế Quốc tế khẳng định đó không phải là giải pháp bền vững về môi trường. Theo ông, cách đơn giản hơn nhiều là giảm bớt mua sắm quần áo.

Theo Quỹ Ellen MacArthur có trụ sở tại Anh, ngành công nghiệp thời trang xả khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn toàn bộ các chuyến bay và vận tải biển cộng lại. Trong khi đó, ước tính việc tái sử dụng 1kg quần áo “tiết kiệm” 3,6kg CO2, 6.000 lít nước, 0,3kg phân bón hóa học và 0,2kg thuốc trừ sâu so với việc may thêm trang phục từ nguồn nguyên liệu thô.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nui-quan-ao-cu-khien-trung-quoc-dau-dau-a126562.html