Nửa triệu chấm đen tang tóc và dấu mốc kinh hoàng trong lịch sử Mỹ

Sau một năm đầy mất mát, Mỹ lại chạm thêm dấu mốc kinh hoàng mới: 500.000 ca tử vong vì Covid-19. Sự tang thương, trống trải ẩn hiện ở mọi nơi, in sâu vào trái tim người còn sống.

Nửa triệu sinh mạng là sự mất mát to lớn không thể đong đếm đối với nước Mỹ, khoảng một năm sau khi ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 được ghi nhận.

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca tử vong. Số người Mỹ tử vong vì dịch bệnh còn nhiều hơn số người Mỹ chết trên mặt trận trong Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam gộp lại, theo New York Times.

Số ca tử vong chạm mốc 500.000 trong bối cảnh ngày càng có nhiều triển vọng trong việc khống chế dịch bệnh: Số ca nhiễm mới giảm mạnh, số ca tử vong cũng giảm, và vaccine đang được triển khai.

Nhưng có lo ngại về các biến chủng mới của virus, và có thể mất nhiều tháng nữa mới kiềm chế được dịch bệnh.

Mỗi bệnh nhân tử vong vì Covid-19 “để lại biết bao nhiêu người tiếc thương, và nỗi mất mát đó có hiệu ứng lan tỏa khắp các thành phố và thị trấn”, New York Times bình luận.

“Mỗi cái chết để lại một khoảng trống trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ: Chiếc ghế ở quầy bar mà vị khách quen thường ngồi, căn bếp giờ không còn người đầu bếp quen thuộc, một bên giường nay không có người nằm”, New York Times viết.

Người còn sống cảm thấy trống trải khi đứng trong chính khoảng không quen thuộc từng dành cho vợ, chồng, cha mẹ, hàng xóm, bạn bè của họ - 500.000 bệnh nhân tử vong vì đại dịch ở Mỹ.

Hàng ghế trống trong nhà thờ

Ở Chicago, cha Ezra Jones đứng ở bục giảng kinh của mình vào mỗi thánh lễ chủ nhật, đưa mắt về hàng ghế cuối. Chỗ đó thuộc về Moses Jones, chú của ông.

Chú Moses thích lái chiếc Chevy Malibu màu xanh lá cây tới nhà thờ, và đến sớm để trò chuyện với mọi người trước khi ngồi vào chỗ quen thuộc, gần cửa. Chú qua đời hồi tháng 4/2020 vì Covid-19.

 Hàng ghế cuối thánh lễ thường thuộc về Moses Jones, qua đời vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Hàng ghế cuối thánh lễ thường thuộc về Moses Jones, qua đời vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

“Tôi vẫn nhìn thấy ông ấy ở đó”, cha Ezra Jones nói với New York Times. “Không bao giờ mất đi”.

Ở khu vực “Thành phố Sinh đôi” của bang Minnesota (hai thành phố cạnh nhau Minneapolis và Saint Paul), LiHong Burdick, 72 tuổi, một nạn nhân khác của Covid-19, đã ra đi và bỏ lại các hội nhóm mà bà rất quý mến: Hội chơi bài bridge, hội chơi mạt chược, và một hội khác để luyện tập tiếng Anh.

Ở căn nhà trống vắng của bà, vật trang trí cho mùa lễ vẫn còn đó. Có những quân bài trên giá ở gần lò sưởi.

“Bước vào là đã thấy mùi hương giống mẹ tôi”, con trai Keith Bartram nói với New York Times.

“Thấy chiếc ghế bà thường ngồi, và các vật dụng trong nhà, cảm giác thực sự rất siêu thực. Tôi tới đó hôm qua, và bỗng dưng muốn suy sụp. Rất khó để đứng đó, khi mà mọi thứ trông như có bà ở đó, nhưng bà đã không còn”.

Khoảng trống để lại

Virus SARS-CoV-2 đã chạm tới mọi ngõ ngách của nước Mỹ, hoành hành ở cả thành phố lẫn thôn xa. Đến nay, tính trung bình, khoảng 1 trên 670 người Mỹ đã qua đời vì Covid-19.

Ở thành phố New York, hơn 28.000 người đã tử vong vì virus, tính ra là 1 trên 295 người. Hạt Los Angeles đã mất đi 20.000 sinh mạng vì Covid-19, tính ra là 1 trên 500 người.

Trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ, vẫn còn đó khoảng trống do những cái chết đột ngột.

Ở Anaheim, bang California, Monica Alvarez đứng tại khu bếp của căn nhà mà cô sống cùng cha mẹ, và nhớ đến người cha Jose Roberto Alvarez.

Ông Alvarez, 67 tuổi, một nhân viên sửa chữa, qua đời vì Covid-19 vào tháng 7/2020. Trước khi mắc bệnh, ông thường làm ca đêm, rồi về nhà và chuẩn bị bữa ăn vào sáng sớm. Cô Alvarez, làm kế toán, lúc đó cũng thường ngồi vào phòng ăn và bắt đầu làm việc. Cô thường bắt chuyện với cha, trong khi ông làm món trứng bác.

“Sau khi ông mất, chúng tôi đã sắp xếp lại các căn phòng trong nhà”, cô Alvarez nói với New York Times. “Tôi không làm việc trong phòng ăn như trước nữa. Thật may là như vậy, vì ở đó sẽ luôn khiến tôi nghĩ về cha”.

Cô Alvarez không làm việc trong phòng ăn như trước nữa, vì phòng ăn khiến cô nghĩ về người cha qua đời do Covid-19. Ảnh: New York Times.

Còn đối với Andrea Mulcahy ở bang Florida, khoảng trống do Covid-19 gây ra là trên ghế sofa, nơi mà bà và chồng Tim Mulcahy thường ngồi bên nhau.

“Chúng tôi thường nắm tay, tôi cũng hay đặt tay lên đùi ông”, bà Mulcahy nói. Chồng bà qua đời hồi tháng 7/2020 ở tuổi 52.

Trước đây, họ từng cùng nhau đi các chuyến road trip (tự lái xe đi chơi đường dài) hay các chuyến du thuyền ở vùng Caribê, nhưng bà Mulcahy không chắc là muốn đi du lịch khi ông không còn. Hai vợ chồng luôn mơ ước về việc nghỉ hưu tại một thị trấn đẹp xinh nằm gần sông Cumberland ở bang Kentucky.

Ngay cả việc đi siêu thị cũng là khó khăn đối với bà Mulcahy, khi không còn ông, người vốn luôn trêu đùa với bà khi họ mua sắm. Giờ đây, bà bật khóc mỗi khi thấy bánh Oreo ưa thích của chồng trên kệ hàng.

Nỗi đau tột cùng

Cuối tháng 3/2020, giới chuyên gia đưa ra dự đoán gây sốc: ngay cả với các lệnh yêu cầu người dân ở nhà, giãn cách, virus corona có thể làm 240.000 người Mỹ tử vong.

Chưa đầy một năm sau, virus đã làm hơn gấp đôi số người trên tử vong.

Tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn ở các viện dưỡng lão và các viện chăm sóc lâu dài, là nơi virus lây lan dễ dàng trong số các bệnh nhân vốn đã có bệnh nền. Những nơi này có tới 163.000 ca tử vong, chiếm tới 1/3 số tử vong tổng cộng ở Mỹ.

Ở bang New Hampshire, tỷ lệ tử vong liên quan đến viện dưỡng lão lên tới 73%. Ở Minnesota, con số đó là 62%.

Dịch Covid-19 đặc biệt nguy hiểm đối với người Mỹ trên 65 tuổi, chiếm 81% các ca tử vong.

Một trong số họ là Bob Manus, 79 tuổi, là người mà tất cả đều biết, vì sự hiện diện của ông ở góc đường Clark và Yeary, ở Plano, bang Texas. Đeo chiếc còi đen ở cổ, giọng nói to, dứt khoát, mặc áo vest phản quang, ông luôn cẩn thận hướng dẫn trẻ em sang đường đi học mỗi sáng và về nhà buổi chiều.

“Ông ta biết các gia đình, biết cả con chó của họ”, Ann Lin, sống gần đó và thường đưa con đi học, nói với New York Times. Sau khi ông Manus qua đời vì Covid-19 hồi tháng 1, khu phố đã thay đổi, bà Lin nói.

“Bây giờ khác hẳn. Có một sự nặng nề. Nhắc nhở chúng ta rằng Covid đã cướp đi điều gì”.

Một nhóm phụ huynh có kế hoạch dựng tấm bia vinh danh vào đúng vị trí mà ông Manus từng làm việc. “Các con tôi rất buồn”, Sarah Kissel, một chủ tịch hội phụ huynh nói với New York Times. “Họ đang được thấy ông mỗi ngày, bỗng nhiên ông không còn quay lại nữa”.

Chưa ai đứng chỗ đó thay thế ông Manus giúp trẻ em qua đường. Hiện giờ, góc đường này vẫn trống.

Ông Manus để lại khoảng trống ở góc đường mà ông thường đứng, và trong trái tim các em nhỏ và phụ huynh. Ảnh: New York Times.

Hy vọng người thân trở lại

Ignacio Silverio và người em gái, Leticia Silverio, từng có thói quen gặp nhau và nói chuyện bên cốc cà phê ở nhà hàng mà bà Leticia mở tại Redlands, bang California bốn năm trước. Nhưng bà Leticia qua đời ở tuổi 40 vì Covid-19 hồi tháng 8/2020.

Chồng bà Leticia vẫn duy trì hoạt động nhà hàng, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Các thành viên khác của gia đình góp thêm tiền hỗ trợ.

Ông Ignacio Silverio vẫn đến nhà hàng. “Lúc đi vào trong là khoảnh khắc siêu thực”, ông nói với New York Times. “Luôn le lói chút hy vọng, rằng có thể tất cả chỉ là mơ, và Leticia sẽ lại chào tôi, và chúng tôi sẽ lại ngồi xuống, uống cà phê”.

Một số gia đình chuyển khỏi nơi ở hiện tại, vốn quá đau lòng vì gợi lại nhiều kỷ niệm.

Tháng 4/2020, Karlee Greer đón cha của cô, Michael Horton, 66 tuổi, ra viện sau khi ông được điều trị Covid-19. Bác sĩ nói ông đã sẵn sàng để tiếp tục quá trình hồi phục ở nhà.

Nhưng bốn ngày sau, ông đột ngột qua đời. Giờ đây, đã 10 tháng trôi qua, cô Greer vẫn cảm thấy đau lòng khi tới phòng của con gái mình, là phòng mà gia đình sắp xếp để ông Horton dưỡng bệnh.

“Mỗi khi tôi bước vào phòng của con gái, cứ như tôi thấy ông ở đó”, cô Greer nói. “Tôi vẫn thấy ông ta ở khắp nơi trong nhà, tôi không thể sống ở đó nữa”.

Ngày 19/2 vừa qua, gia đình chuyển ra ngoài, hy vọng rằng căn nhà mới sẽ tạo những kỷ niệm mới.

Sự mất mát không chỉ được cảm nhận qua những khoảng không vật lý mà người ra đi để lại.

“Mọi người đang cảm thấy khoảng trống về tâm lý và tâm linh”, Paddy Lynch, giám đốc nhà tang lễ ở Michigan, đã làm việc với nhiều gia đình đã mất họ hàng vì Covid-19, nói với New York Times.

Theo ông, một phần của sự trống vắng đó là do không có được các nghi thức, không được cùng nhau bộc lộ sự tiếc thương sau mỗi ca tử vong.

Aldene Sans, 90 tuổi, một người mẹ từng nuôi dạy 5 người con, qua đời hồi tháng 12 khi đang sống trong viện dưỡng lão bị lây lan virus. Lễ tang của bà chỉ có vài khách, để đảm bảo an toàn.

“Thật buồn và kỳ lạ”, con gái bà, Becky Milstead, nói với New York Times. “Chỉ có 9 người ở đó”.

Bà Mulcahy bật khóc mỗi khi thấy bánh Oreo ưa thích của chồng trên kệ hàng. Ảnh: New York Times.

“Ngày buồn trong lịch sử Mỹ”

Ít sự kiện hay dấu mốc trong lịch sử Mỹ có thể so sánh được với việc có 500.000 người chết do Covid-19. Trang nhất báo New York Times bản in ngày 21/2 có đồ họa đặc biệt với khoảng nửa triệu chấm đen tượng trưng cho tổng số người chết tại Mỹ vì Covid-19 từ khi đại dịch bùng phát.

Đồ họa của New York Times hôm 21/2 cho thấy số người chết do Covid-19 tại Mỹ tăng nhanh thế nào, thông qua việc thể hiện sự rút ngắn thời gian đạt các mốc 50.000 ca tử vong tiếp theo.

Trang nhất báo giấy New York Times ngày 21/2. Ảnh: NYT.

Từ ngày 29/2/2020, khi Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên, đến ngày 18/11/2020, khi số ca tử vong lên đến 250.000, thời gian để có thêm 50.000 ca tử vong hầu như là 55 ngày trở lên, chỉ trừ giai đoạn từ 50.000 lên thành 100.000 (trong 33 ngày). Cao nhất là 63 ngày cho giai đoạn từ 100.000 lên đến 150.000 ca tử vong.

Tuy nhiên, thời gian đó ngày càng ngắn hơn trong giai đoạn từ mốc 250.000 đến mốc 450.000 ca tử vong, lần lượt là 26 ngày, 19 ngày, 17 ngày rồi 15 ngày.

Đồ họa chiếm một nửa diện tích trang nhất, với 497.380 chấm đen, mỗi chấm đen tượng trưng cho một người đã tử vong.

Đại dịch cúm năm 1918 được ước tính đã làm chết 675.000 người Mỹ, khi đó dân số Mỹ bằng 1/3 hiện tại. Nhưng đó cũng là thời chưa có vaccine phòng cúm, kháng sinh, máy thở và các công cụ y học khác.

Drew Gilpin Faust, nhà sử học và cựu hiệu trưởng Đại học Harvard, nói các thành tựu về y tế và xã hội của nước Mỹ đã khiến nhiều người Mỹ tin rằng “chúng ta sẵn sàng cho tất cả - rằng chúng ta đã khuất phục được thiên nhiên”.

“Khi phải chứng kiến bệnh viện dã chiến ở công viên Central Park, và thi thể phải chồng lên nhau vì không còn chỗ chứa, chúng ta quá sốc và không thể ngờ điều này có thể xảy ra với chúng ta”, ông Faust nói với New York Times.

Đồ họa do BBC thực hiện, cho thấy 500.000 người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ thực sự là một con số kinh hoàng.

Số ca tử vong ở Mỹ ngày càng tăng nhanh khi đại dịch kéo dài. Ca tử vong đầu tiên là vào tháng 2/2020. Đến ngày 27/5/2020, số ca tử vong lên mốc 100.000. Mất 4 tháng để tăng thêm 100.000, sau đó mất 3 tháng để tăng 100.000 nữa. 100.000 ca tử vong kế tiếp chỉ mất 5 tuần.

Dù số ca tử vong theo ngày đang giảm, vẫn có khoảng 1.900 người Mỹ tử vong mỗi ngày.

“Đây sẽ là một ngày buồn trong lịch sử Mỹ”, tiến sĩ Ali Mokdad, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington, nói với New York Times.

“Con cháu chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ nhìn lại và đổ lỗi cho chúng ta về thất bại lớn trong chống dịch, ở đất nước giàu nhất thế giới, về việc chúng ta để nhiều người Mỹ chết, và không bảo vệ được cho các cộng đồng yếu thế - người bản xứ, người gốc Nam Mỹ, người Mỹ gốc Phi, cũng như không bảo vệ được cho các nhân viên thiết yếu”, ông Mokdad nói.

Vẫn mất nhiều tháng nữa để tiêm phòng cho người Mỹ. Trong thời gian đó, biến chủng mới lây lan mạnh hơn của virus có thể nhanh chóng đảo ngược những tiến triển hiện tại, khiến số ca nhiễm tăng trở lại.

Dự đoán của Đại học Washington cho thấy số ca tử vong có thể vượt 614.000 ca vào ngày 1/6. Con số thực sẽ phụ thuộc xem người Mỹ tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang đến đâu, và tốc độ triển khai vaccine.

Mark Buchanan, quản lý một quán rượu ở Petoskey, Michigan, luôn nghĩ tới chiếc ghế mà người bạn Larry Cummings, một giáo sư, thường ngồi vào các tối thứ hai, gọi cốc nước đá, rồi nói chuyện về bóng bầu dục Mỹ.

“Luôn là khoảng 21h các tối thứ hai”, ông Buchanan nói với New York Times. “Thấy mở cửa, tôi biết ngay sẽ là Larry bước vào”.

Vợ của ông Cummings, Shannon, nói bà cố an ủi mình với ý nghĩ rằng chồng bà, qua đời năm 76 tuổi vì Covid-19 hồi tháng 3/2020, đã có một cuộc đời đủ đầy, ý nghĩa, phong phú với gia đình, bạn bè và các chuyến du lịch.

“Thấy mở cửa, tôi biết ngay sẽ là Larry bước vào”, ông Buchanan nói. Ảnh: New York Times.

Sau khi chồng mất, bà đã ngủ ở bên giường của chồng, “vì làm vậy, khoảng trống cảm giác bớt trống trải hơn”, bà nói với New York Times.

Gần đây, bà dọn dẹp văn phòng của chồng bà tại trường đại học, dọn dẹp những gì mà ông cất ở đó: bộ sưu tập các khuy cài áo vẽ khẩu hiệu chính trị, các bưu thiếp viết tay từ con gái, một số giấy tờ phục vụ cho chuyến du lịch tới vùng Balkan mà hai vợ chồng lên kế hoạch cho mùa hè năm 2020.

Vào tháng 2, cuối cùng, bà Cummings cũng bán xe của chồng, một chiếc sedan của hãng Volvo, mà cả năm vừa qua đã không được sử dụng.

“Tôi không nhận ra bán nó lại khó như vậy”, bà nói. “Tôi bỗng thấy một cảm giác bất ngờ và làm tôi sốc. Đó là cảm giác chấp nhận rằng ông thực sự không còn ở đây nữa”.

Trái: Túi của ông Larry Cummings chưa hề di chuyển kể từ khi ông qua đời. Phải: Bà Shannon đã ngủ ở bên giường của chồng, “vì làm vậy, khoảng trống cảm giác bớt trống trải hơn”. Ảnh: New York Times.

Trọng Thuấn

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nua-trieu-cham-den-tang-toc-va-dau-moc-kinh-hoang-trong-lich-su-my-post1186330.html