Nửa thế kỷ Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh

Nửa thế kỷ qua, VHNT Quảng Ninh không chỉ thể hiện sự mở rộng biên độ nội dung, đề tài mà còn cách tân để đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.

Các đại biểu dự Hội nghị trù bị chuẩn bị cho việc thành lập Hội Văn nghệ Quảng Ninh tại Trung Bản (xã Liên Hòa, huyện Yên Hưng). Ảnh tư liệu của Hội VHNT Quảng Ninh.

Là vùng đất có bề dày văn hóa, có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách, Quảng Ninh có thể cung cấp những chất liệu sinh động và đa dạng cho sáng tạo VHNT. Quảng Ninh còn là nơi sản sinh, hội tụ nhiều thế hệ văn nghệ sĩ có năng lực sáng tác dồi dào. Nói như Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Quảng Ninh là mảnh đất rộng lớn không chỉ sản sinh ra nhiều tài năng VHNT, mà còn là nơi có cơ hội ngay từ những ngày đầu khi thu hút được lực lượng sáng tác đông đảo, ban đầu là sáng tác tự phát theo nhu cầu nội tại chứ chưa cần đến sự đào tạo bài bản ở trường lớp.

Trong bối cảnh cần sự đoàn kết, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, năm 1969, Hội VHNT Quảng Ninh đã ra đời và dần phát huy tốt vai trò của mình trong việc đẩy mạnh sự nghiệp VHNT, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Hội ra đời đáp ứng đòi hỏi nội tại và khách quan của lịch sử và sự phát triển của văn nghệ Quảng Ninh, lực lương văn nghệ sĩ Quảng Ninh. Hội ra đời đã tập trung xây dựng lực lượng sáng tác, biểu diễn; đổi mới hình thức tổ chức hoạt động VHNT theo hướng liên kết vùng, đẩy mạnh xã hội hóa.

Hiện nay, Hội đang thực hiện Đề án xây dựng đội ngũ làm công tác VHNT tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Đề án tập trung phát hiện đội ngũ sáng tác mới; tập hợp đội ngũ quảng bá VHNT; xây dựng đội ngũ nghiên cứu lý luận phê bình; xây dựng cơ sở vật chất mới; hoàn thành các văn bản về cơ chế và thực hiện các cơ chế đối với văn nghệ sĩ. Đây là đề án đầu tiên trong cả nước đề cập trực tiếp, đặt ra những nội dung, giải pháp về đội ngũ những người làm công tác VHNT. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đến đội ngũ văn nghệ sĩ. Tỉnh nhà còn hỗ trợ văn nghệ sỹ đi thực tế, tổ chức các trại sáng tác, trong đó có 2 chuyến thực tế nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh cũng đã vận động kinh phí ủng hộ Quỹ sáng tác của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh và CLB Thơ Lê Thánh Tông.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, từ 84 hội viên ban đầu, đến nay, Hội VHNT Quảng Ninh đã có 545 hội viên sinh hoạt trong 10 chi hội chuyên ngành. Trong đó có gần 200 hội viên của hội đã được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Song hành cùng với sự phát triển của đất nước và của tỉnh, văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã bám sát hiện thực cuộc sống, chuyển tải bằng hình tượng nghệ thuật những vấn đề nóng hổi của đời sống xã hội; đóng góp tích cực vào mặt trận tư tưởng văn hóa của tỉnh cũng như cả nước. Từ phong trào đó, nhiều văn nghệ sĩ đã thành danh. Quảng Ninh có 2 nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 3 người được tặng thưởng Huân chương Lao động, gần 200 lượt người được nhận giải thưởng trong các cuộc thi của các bộ, ngành. Nhiều ca sĩ, diễn viên Vùng mỏ ra đi đã thành danh trên sân khấu cả nước như: Quang Thọ, Doãn Tần, Lê Dung, Diệu Thuần, Trang Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh v.v.

Đưa VHNT đến với quảng đại quần chúng nhân dân là xu hướng chung mà Hội hướng đến trong thời gian qua. Hội đã đề xuất lấy ngày 29/3 hàng năm là Ngày thơ Quảng Ninh và tổ chức tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị theo chủ đề của từng năm nhằm hướng về cơ sở. Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long do Hội đề xuất, qua 8 lần trao giải nhìn chung đã tìm kiếm được một số tác phẩm có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, khích lệ văn nghệ sĩ ở các địa phương sáng tác.

Thời gian qua, tỉnh nhà đã tổ chức hàng loạt các sự kiện VHNT mang tầm quốc gia, quốc tế góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Quảng Ninh đến với đông đảo bạn bè quốc tế, mở rộng giao lưu về VHNT, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, biểu diễn. Quảng Ninh 3 lần đăng cai Liên hoan Thơ châu Á -Thái Bình Dương, Liên hoan âm nhạc mới Á – Âu, Liên hoan ảnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, Hội thảo Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, triển lãm “Con đường di sản”, phục vụ tháng du lịch Châu Âu năm 2013, tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng sáng tác, tuyên truyền về biển đảo trên các báo văn nghệ v.v.

Nhà thơ Huy Cận (thứ hai, trái sang) và các văn nghệ sĩ Quảng Ninh tại Đại hội Hội VHNT Quảng Ninh khóa VII, năm 1998. Ảnh tư liệu của Dương Phượng Toại.

Trong những năm qua, văn nghệ sĩ Quảng Ninh có nhiều đóng góp cho sự phát triển của VHNT cả nước làm nên diện mạo chung cho nền VHNT nước nhà. Nhắc đến Quảng Ninh là công chúng nhớ ngay đến một vùng VHNT khai thác đề tài công nhân, công nghiệp sản xuất than. Bên cạnh đề tài người thợ mỏ, Quảng Ninh còn còn cung cấp hàng loạt đề tài phong phú để các văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tác, như: Đề tài Phật giáo gắn với thiền phái Trúc lâm Yên Tử và vương triều Trần, đề tài lịch sử gắn với những chiến công trên sông Bạch Đằng, đề tài Vịnh Hạ Long, đề tài biên giới biển đảo, đề tài các dân tộc thiểu số v.v.

Các tác phẩm đó không chỉ bó hẹp trong công chúng tỉnh nhà mà còn đến gần hơn với công chúng cả nước. Nhiều tác phẩm có tiếng vang, được công chúng đón nhận rộng rãi, được dịch ra tiếng nước ngoài, được trung ương trao giải cao. Quảng Ninh có 5 nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT là Võ Huy Tâm, Trần Nhuận Minh, Lý Biên Cương, Dương Hướng và Võ Khắc Nghiêm.

Lĩnh vực âm nhạc có nhiều nhạc sĩ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, UBND tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tặng Bằng khen, như: Lê Chí Phúc, Lê Nguyên Thêm, Xuân Nhật, Đỗ Hòa An, Vũ Đức Tạo, Lê Đăng Vệ, Vũ Việt Hồng, Tuấn Đạt, Nguyễn Thành Long v.v.. Hay như lĩnh vực nhiếp ảnh ghi dấu sự thành công của Trần Đức Sửu với “Sức sống nhân lên” (được tham dự Triển lãm ảnh nghệ thuật 3 nước Đông Dương năm 1990), “Xế chiều” (Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 1991); Dương Phượng Đại với “Nắng sớm mỏ than” (Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2011) và “Hạ Long buổi sớm” (giải Nhì Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới”, năm 2007 và được triển lãm tại Slovakia), Bạch Ngọc Tư với “Điểm hẹn” (giải Xuất sắc cuộc thi ảnh quốc tế Gia Định năm 2012). NSNA Đỗ Kha được công nhận kỷ lục “Người chụp ảnh Vịnh Hạ Long đen trắng cổ nhiều nhất Việt Nam” và NSNA Đỗ Khánh Giang được công nhận kỷ lục “Người chụp ảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao nhiều nhất Việt Nam”.

Chỉ tính riêng trong 5 năm qua đã có hơn 200 hội viên được nhận giải thưởng từ các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác VHNT trong và ngoài tỉnh. Có 4 nhà văn Quảng Ninh đã vịnh dự nhận giải thưởng văn học đề tài văn học công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng (Nhà văn Trần Tâm giải Nhất bộ tiểu thuyết Đất bỏng, nhà thơ Trịnh Công Lộc giải Nhì chùm thơ viết về mỏ, nhà văn Trần Chiểu giải Ba tiểu thuyết Than mặt quỷ, nhà thơ Trần Đình Nhân giải Khuyến khích chùm thơ Người ở mỏ).

Có được những thành công đó là do VHNT Quảng Ninh tỏ ra cởi mở, phóng khoáng, ít bị gò vào khuôn khổ và tương đối nhạy bén để dễ dàng tiếp thu tư tưởng, phong cách, trào lưu sáng tác mới. Điều này trông cậy nhiều vào sự cách tân của thế hệ trẻ, mang đến luồng sinh khí mới làm trẻ hóa VHNT Quảng Ninh. Trong những năm gần đây, VHNT Quảng Ninh có sự xuất hiện của nhiều văn nghệ sĩ trẻ có triển vọng. Nhiều nhất có lẽ là lực lượng trẻ trong sáng tác văn xuôi với Thanh Nga, Huệ Ninh, Cao Nguyệt Nguyên, Đinh Phương, Quỳnh Giao, Hàn Băng Vũ v.v. Sự quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ đã tạo ra vườn ươm, bổ sung một lực lượng đáng kể trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Các tác giả trẻ Uông Triều, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên đều được giải cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Riêng Thanh Nga, Uông Triều và Đinh Phương đều đã chuyển lên Hà Nội công tác nhờ những sáng tác VHNT.

Sau 30 năm đổi mới, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã đạt được thành tựu to lớn. Quảng Ninh đã tham gia nhiều cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp khu vực, toàn quốc và đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Nhiều vở diễn đã gặt hái thành công, như: “Tấm Cám” (của Lưu Quang Thuận), “Đội máy xúc vùng mỏ” (của Nguyễn Anh Sinh), “Cánh chim địa chất” (của Đức Nhuần), “Lò 68” (của Vương Lan), “Chị Ngần”, “Người không thể chết” và “Vùng đất gẫy” (của Thanh Đạm), “Con nghé hoa” (của Trường Thịnh), “Thạch Sanh” (của Đức Minh), “Nhân danh công lý” (của Võ Khắc Nghiêm), “Lệ Chi Viên” (của Hoàng Hạc), “Ngôi sao Hạ Long” (của Trần Đình Ngôn) v.v..

Từ các vở diễn này, Quảng Ninh có thêm đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu với 2 NSND (nghệ sĩ Vũ Minh Huệ, diễn viên Đoàn NT Chèo và nghệ sĩ Vũ Tiến Mác, diễn viên Đoàn NT Cải lương), 17 NSƯT và 159 Nghệ sỹ Vùng mỏ. Đấy là còn chưa kể những nghệ sĩ đã thành danh từ Quảng Ninh đã mất hoặc phát triển sự nghiệp ở tỉnh ngoài, như: Cố NSND Lê Dung, cố NSND Trần Khánh, cố NSND Trần Cẩm, NSND Quang Thọ, NSND Thanh Xuân, NSƯT Dương Phú, NSƯT Đức Long, NSƯT Diệu Thuần, NSƯT Hương Dung, NSƯT Thúy Nội.

Nửa thế kỷ qua, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Quảng Ninh (nay hợp nhất thành Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) đã đạt được những thành quả xuất sắc: Đoàn NT Chèo được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2013) và hạng Ba (2008), đoạt 11 Huy chương Vàng, 24 Huy chương Bạc; Đoàn Kịch được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Ba đoạt 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc; Đoàn NT Cải lương được trao tặng 18 Huy chương Vàng, 19 Huy chương Bạc.

Trong lĩnh vực văn nghệ dân gian, nhiều chương trình bảo tồn đã được thực hiện và đem lại kết quả tốt như: “Hát Soóng cọ” của người Sán Chỉ, “Hát Then - đàn Tính” của người Tày ở huyện Bình Liệu, tục “hát dân ca” và “cấp sắc” của người Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y ở huyện Hoành Bồ; sưu tầm, phục dựng “lễ Đại phan” của người Sán Dìu ở huyện Vân Đồn, “Lễ cầu mùa” của người Sán Chỉ (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên), phục dựng lễ hội đình Tràng Y (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà), sưu tầm xuất bản sách Ca dao Vùng mỏ, sưu tầm và tổ chức liên hoan hát nhà tơ, hát - múa cửa đình ở Quảng Ninh. Tỉnh nhà cũng có 31 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ nhân Nhân dân và 62 Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Kế thừa và phát huy truyền thống sáng tạo VHNT, văn nghệ sĩ Quảng Ninh bằng trách nhiệm công dân của mình đã và đang ra sức tự đổi mới để bứt phá mạnh mẽ hơn trên hành trình sáng tạo. Họ đã đem đến bức tranh đa dạng, phong phú về tư tưởng nghệ thuật và phong cách sáng tạo, góp phần xứng đáng xây dựng quê hương Quảng Ninh giàu đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh của con người Vùng mỏ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201907/nua-the-ky-hoi-van-hoc-nghe-thuat-quang-ninh-2446950/