Nữ văn công Triều Tiên từng 'bị xử bắn' được săn đón ở Hàn Quốc

Chỉ vài năm trước, Hyon Song Wol được cho là đã bị xử bắn. Giờ đây, nữ ca sĩ hàng đầu Triều Tiên là quan chức cao cấp của đảng cầm quyền sang đàm phán với Hàn Quốc.

Chiến lược mới của Triều Tiên: Ngoại giao nữ văn công Xuất hiện trong phái đoàn Triều Tiên đi "tiền trạm" Olympics tại Hàn Quốc, nữ văn công Hyol Song Wol đại diện cho một khía cạnh khác những gì thường thấy từ Bình Nhưỡng.

Trong những ngày qua, nữ ca sĩ Triều Tiên Hyon Song Wol bất ngờ trở thành "ngôi sao sáng" ngay trước thềm thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc.

Cô Hyon, một người có khuôn mặt ăn ảnh, là trưởng nhóm của đoàn văn công Moranbong với toàn bộ thành viên là nữ do đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyển chọn. Cô đã có hai chuyến đi băng qua khu phi quân sự liên Triều (DMZ) với tư cách là nhà đàm phán cũng như là trưởng nhóm tiền trạm, trình bày chi tiết về đề nghị bất ngờ của ông Kim trong việc cử đoàn vận động viên tham dự Olympics Pyeongchang.

Truyền thông Hàn Quốc gần như "phát cuồng" vì cô và họ đối xử với cô như một người nổi tiếng thực sự của K-pop.

Ngôi sao từng 'bị xử tử'

Nữ ca sĩ Triều Tiên không xa lạ với giới truyền thông Hàn Quốc.

Cách đây vài năm, báo chí Hàn Quốc từng loan tin cô bị xử tử do liên quan đến một bê bối tình dục và khiêu dâm. Năm sau đó, cô xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên, khiến tin này bị dập tắt. Cô hiện là thành viên dự khuyết của ủy ban trung ương đảng cầm quyền và là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong nước.

Báo chí và công chúng Hàn Quốc vây quanh nữ ca sĩ Triều Tiên Hyon Song Wol tại thành phố Gangneung hôm 21/1. Ảnh: Getty.

Báo chí và công chúng Hàn Quốc vây quanh nữ ca sĩ Triều Tiên Hyon Song Wol tại thành phố Gangneung hôm 21/1. Ảnh: Getty.

Hôm 22/1, khi cô kết thúc chuyến đi đến DMZ và chuẩn bị quay trở lại Bình Nhưỡng, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết đám đông lớn đợi bên ngoài khách sạn để xem cô dùng bữa sáng. Các nhà báo chỉ nhận được "cái cười mỉm" khi họ hỏi một số câu hỏi trước khi cô rời đi cùng phái đoàn Triều Tiên.

Song không phải tất cả người dân Hàn Quốc đều hoan nghênh nữ ca sĩ cũng như kế hoạch tham dự thế vận hội mùa đông Pyeongchang của Triều Tiên.

Sau chuyến thăm thành phố Gangneung ở phía đông Hàn Quốc, cô Hyon phải giáp mặt với khoảng 150 đến 200 nhà hoạt động tại ga tàu Seoul. Những người biểu tình sau đó đã đốt tấm hình ông Kim Jong Un, lá cờ Triều Tiên và "lá cờ thống nhất" mà hai miền bán đảo dự định sử dụng chung trong lễ khai mạc Olympics.

Triều Tiên dự kiến cử đi 22 vận động viên điền kinh, một đội taekwondo biểu diễn, một đội cổ vũ với vài trăm thành viên đều là nữ và đoàn nghệ thuật Simjiyon gồm 140 thành viên.

Cô Hyon sẽ dẫn dắt đoàn văn công Samjiyon, gồm một dàn nhạc cùng các vũ công và ca sĩ.

Bộ máy tuyên truyền

Nhìn từ phía Triều Tiên, mối quan tâm sâu sắc của Hàn Quốc dành cho Hyon và cũng như việc đối xử với cô như một siêu sao có phần mỉa mai. Không có "paparazzi" (tay săn ảnh) ở Triều Tiên và cũng không có tin tức về những người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí. Bất kể sự "phát cuồng" nào đối với nghệ sĩ biểu diễn đều phụ thuộc hoàn toàn vào những gì chính phủ muốn công chúng xem.

Vai trò của cô Hyon trong công tác chuẩn bị tiền Olympics là ví dụ điển hình. Việc này hầu như không được kênh truyền thông chính thức nào của Triều Tiên đưa tin. Báo chí chính thống cũng không nói bất kỳ điều gì nhiều nhặn về những người mà chính phủ cử đi.

Và trong khi nữ ca sĩ là trưởng đoàn văn công nổi tiếng nhất của Triều Tiên, thông điệp đáng chú ý là nước này chỉ có một siêu sao, ông Kim Jong Un. Đoàn văn công Moranbong được thành lập để chuyên hát những bài ca ngợi nhà lãnh đạo.

Cô Hyon Song Wol là thành viên nữ duy nhất trong phái đoàn Triều Tiên sang Hàn Quốc để chuẩn bị cho Olympics. Ảnh: Getty.

Đoàn văn công 10 thành viên ra mắt vào năm 2012, chưa đầy một năm kể từ khi ông Kim ngồi vào chiếc ghế quyền lực sau sự ra đi của người cha, nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Cô Hyon và đoàn được cho là sẽ ra mắt quốc tế tại Bắc Kinh vào năm 2015, nhưng kế hoạch đó đã đổ vỡ một cách bí ẩn vào phút chót.

Các thành viên của Moranbong mặc váy ngắn, chơi guitar điện, nhảy một cách đầy khiêu gợi và hát những bản nhạc phương Tây. Điều này từng làm dấy những đồn đoán rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Kim Jong Un sẽ cởi mở hơn với thế giới bên ngoài.

Thay vào đó, nhóm nhạc đã trở thành thành phần tích cực trong bộ máy tuyên truyền lâu đời của Triều Tiên.

Đoàn hát những bài hát khẳng định tình yêu và lòng trung thành với nhà lãnh đạo Kim Jong Un hoặc ca ngợi trí tuệ của đảng cầm quyền cũng như những giá trị của sự hy sinh vì người khác và "sự thống nhất vì một mục đích duy nhất". Đoàn thường được gọi đến biểu diễn tại các sự kiện lớn của đảng, mặc váy ngắn hoặc với quân phục trong các tiết mục.

Ông Kim Jong Il, người vốn dành nhiều thời gian cho nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực làm phim, cũng từng thành lập đoàn văn công có tên Pochonbo. Cô Hyon cũng là thành viên nổi bật trong nhóm.

Mặc dù vẫn được đảm bảo vai trò đặc biệt là mặt "mềm" của chế độ tại Triều Tiên, sự mới mẻ của nhóm Moranbong có lẽ đang ngày càng vơi đi.

Một nhóm tương tự, nhóm Chongbong, được thành lập vào năm 2015 trong nỗ lực nhằm khôi phục sự quan tâm đến một loại nhạc tương tự mang âm hưởng pop, hướng đến giới trẻ.

Song chính quyền dường như không quảng bá nhóm nhạc Chongbong một cách nghiêm túc và giờ đây nhóm này hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Dàn nhạc 140 người của Triều Tiên sẽ biểu diễn ở Hàn Quốc Hai miền trên bán đảo Triều Tiên đã đồng ý đưa dàn nhạc Samjiyon vượt qua khu phi quân sự DMZ và biểu diễn ở Hàn Quốc trong thời gian OIympics mùa đông diễn ra.

Đông Phong
Theo AP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-van-cong-trieu-tien-tung-bi-xu-ban-duoc-san-don-o-han-quoc-post813940.html