Nữ tỷ phú trồng rau sạch

Hơn 16 năm làm thuê ở những đồn điền trồng rau hữu cơ tại Đài Loan (Trung Quốc), với bao vất vả nhọc nhằn nhưng đổi lại bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Khi về nước, bà đã đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ với nhiều sản phẩm rau, củ chất lượng cao và trở thành tỷ phú trong lĩnh vực này…

Bà Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) trong trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ của mình.

Thành công từ những nhọc nhằn

Đến xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) hỏi thăm gia đình vợ chồng ông bà Cuối Quý thì ai cũng biết. Người dân nơi đây mến mộ và kể nhiều câu chuyện về bà Đặng Thị Cuối - một phụ nữ nông dân có dáng người nhỏ nhắn nhưng gặt hái được những thành công không hề nhỏ…

Chia từng mớ rau, cân cà chua vào túi, đóng gói cho khách hàng, bà Đặng Thị Cuối vui vẻ cho biết: "Cơ ngơi hiện nay là điều không tưởng đối với vợ chồng tôi những năm về trước. 16 năm đi làm thuê tại những trang trại trồng rau hữu cơ ở Đài Loan, mỗi ngày tôi phải làm việc hơn 10 tiếng, trồng rau như chăm “con mọn” phải kỹ lưỡng từ khâu làm đất đến gieo trồng, tưới nước. Bên đó họ làm nông nghiệp thực sự khác so với quê mình, đầu tư bài bản từ nhà màng, nhà kính, chọn giống rau đến sơ chế, làm sạch cho vào bao bì chở đến các siêu thị... Tất cả điều đó không chỉ tạo cho tôi một niềm đam mê mà còn thôi thúc tôi phải mang nghề này về gây dựng ở quê nhà...".

Năm 2017, sau khi xuất khẩu lao động trở về, bà Cuối cùng chồng khởi nghiệp với nghề trồng rau sạch. "Khi đặt vấn đề này, chồng tôi không khỏi băn khoăn và bảo, chưa thấy có ai giàu bằng nghề trồng rau, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Với số vốn ban đầu khoảng 500 triệu đồng, tôi đầu tư xây dựng một khu nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.360m2 của gia đình. Để sản xuất rau sạch, bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau được nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Rau lên xanh tốt, lứa đầu tiên được thu hoạch sau hơn 4 tháng, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi nâng niu từng cây rau, trân trọng thành quả của mình, thế nhưng khi mang ra chợ bán, kết quả nhận được chỉ là sự thất vọng, bởi người dân thấy rau… quá đẹp, không dám mua vì sợ thuốc kích thích. Tôi về bàn với chồng ngày hôm sau mang rau ra chợ tặng cho tất cả mọi người. Sau những lần như vậy, vài người, rồi nhiều người đến tận vườn để tìm mua, đến lứa rau sau thì tôi bán hết ngay tại ruộng”, bà Đặng Thị Cuối nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp đầy gian nan, vất vả…

Khi hiệu quả của mô hình trồng rau sạch ngày một rõ rệt, với số vốn tích lũy và vay thêm từ ngân hàng, năm 2018, bà Cuối thuê 5ha đất của các hộ dân trên địa bàn xã Đan Phượng để mở rộng diện tích canh tác và thành lập Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Với tư duy “đầu tư một lần nhưng bền vững cho nhiều năm sau”, bà Cuối xây dựng hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động với kinh phí hơn 11 tỷ đồng.

Hiện tại, hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Cuối mộc mạc chia sẻ: “Bên cạnh những loại rau truyền thống là cải bắp, cải thảo, su hào, rau muống; trang trại còn có những loại rau đặc biệt như mướp hồ lô, su hào, bắp cải tí hon… Hiện tại, chúng tôi đã chuyển giao mô hình cho một số hợp tác xã ở các huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Phúc Thọ và Trường Trung học phổ thông Tân Lập (huyện Đan Phượng) để nhà trường hướng nghiệp cho học sinh.

Đồng hành, hỗ trợ bà Đặng Thị Cuối là người chồng - ông Nguyễn Đăng Quý. "Khi vợ tôi nói về ý tưởng làm giàu từ nghề trồng rau sạch, tôi hoang mang lắm, vì nghĩ đầu tư vào đó sẽ mất không vốn liếng, nhưng thấy vợ quyết tâm, tôi “miễn cưỡng” đồng ý. Từ khi đặt những hạt giống rau đầu tiên xuống đất, chờ nảy mầm và thu hoạch, hai vợ chồng đều mất ăn, mất ngủ và khó khăn rồi cũng qua đi. Có được kết quả như hôm nay là cả quá trình hy sinh thầm lặng của vợ tôi. Hơn 3 năm nay, bà ấy chưa bao giờ có giấc ngủ trọn vẹn. Ngày nào vợ tôi cũng dậy từ hơn 3h sáng để cùng với người lao động hái rau, sơ chế, đóng gói, chuẩn bị cho các đơn hàng…”, ông Quý chia sẻ.

Cho gia đình và cho cả cộng đồng

Trồng rau trong nhà màng, sử dụng giống của Đài Loan, Nhật Bản không chỉ mang lại năng suất cao gấp 3 lần (1,2-1,6 tấn/sào) so với phương pháp truyền thống mà còn bảo đảm chất lượng. Hiện mỗi ngày Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cung cấp cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm khoảng 2-4 tấn rau xanh các loại, thu về từ 50 đến 100 triệu đồng. Bà Đặng Thị Cuối cho biết, tới đây, hợp tác xã sẽ thuê thêm 2 mẫu ruộng để trồng dâu tây, cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng. Trong đó mô hình trồng dâu tây sẽ kết hợp làm du lịch.

Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với mức thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng. Nói về người chủ doanh nghiệp đầy nhiệt huyết, bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Đan Phượng cho biết, hơn 3 năm làm việc tại hợp tác xã, điều có thể cảm nhận ở bà Cuối là sự cần mẫn, chịu thương chịu khó. Dù bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn trước, nhưng bà Cuối vẫn ngày đêm lặn lội với những cây rau, mong muốn tạo ra những sản phẩm rau chất lượng cho cộng đồng…

Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Nguyễn Thị Kim Cúc: “Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Cuối còn chuyển giao kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng rau sạch cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Hy vọng, thời gian tới, ở Đan Phượng sẽ xuất hiện nhiều mô hình trồng rau sạch tương tự, tạo thêm nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng…".

Ghi nhận về mô hình này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận xét: “Tại các hội chợ do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức, sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý là một trong những gian hàng tiêu biểu, được khách hàng nhiệt tình đón nhận. Những loại rau như: Su hào hoa, súp lơ hoa, mướp tròn… không chỉ lạ mắt mà còn có giá trị cao. Đây là mô hình mới để các hộ dân có nhu cầu trồng rau sạch trên địa bàn Hà Nội tham quan, học hỏi kinh nghiệm và triển khai…”

Những nỗ lực của bà Đặng Thị Cuối không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mà còn góp phần thay đổi diện mạo của vùng quê Đan Phượng. Quê hương “người gái đảm” hôm nay có một nữ tỷ phú nông dân thật đáng khâm phục.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/959871/nu-ty-phu-trong-rau-sach