Nữ tỷ phú Thái Lan chi hơn 2.000 tỷ mua 34% cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Tập đoàn WHA của nữ tỷ phú Jarukornsakul vừa chi hơn 2.000 tỷ mua 34% cổ phần tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống doanh nghiệp vừa vướng 'lùm xùm' chưa nghiệm thu đã đưa vào vận hành, sử dụng.

Mới đây, công ty WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP), thành viên Tập đoàn WHA của Thái Lan đã công bố thông tin về việc hoàn tất việc mua lại hơn 33,98 triệu cổ phần (tương ứng với 34% vốn điều lệ) của CTCP Nước mặt sông Đuống từ ông Đặng Tất Thắng. Thương vụ trị giá khoảng 2.073,19 tỷ đồng.

Tại WHA, bà Jarukornsakul đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, trực tiếp sở hữu 10,3% vốn và thông qua WHA Holding Co.,LTD sở hữu 25,3%. Bà Jarukornsakul là 1 trong 50 tỷ phú giàu nhất Thái Lan.

Theo tìm hiểu, nữ tỷ phú Thái Lan Jareeporn Jarukornsakul sinh năm 1967 và hiện là một trong người phụ nữ giàu có, quyền lực bậc nhất tại Thái Lan. Bà từng tốt nghiệp Cử nhân Y tế công tại Đại học Mahidol. Sau này, bà tiếp tục theo học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Bangkok.

Bà Jarukornsakul đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc WHA. Ảnh Internet

Bà Jarukornsakul đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc WHA. Ảnh Internet

Về WHA, đây là tập đoàn đa quốc gia của Thái Lan, được thành lập năm 2003, hoạt động chủ yếu ở khu vực ASEAN. Họ có 4 khu vực kinh doanh chính là logistic kho bãi – xây dựng khu công nghiệp – công nghiệp năng lượng – dịch vụ kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, WHA đang nắm giữ 74% cổ phần tại WHAUP – đơn vị vừa thực hiện thương vụ ngàn tỷ với Nước mặt sông Đuống. Sau thương vụ này, WHAUP trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại CTCP Nước mặt sông Đuống, chỉ sau CTCP Nước Aqua One, do bà Đỗ Thị Kim Liên – Shark Liên làm người đại diện, với tỷ lệ sở hữu 41%.

Được biết, ngoài khoản đầu tư vào Nhà máy nước mặt sông Đuống, tập đoàn của nữ tỷ phú Thái Lan Jareeporn còn sở hữu khoảng 41% cổ phần tại Công ty Cổ phần cấp nước Cửa Lò (CL Wasco).

Mới đây, ở một diễn biến khác, Nhà máy nước sông Đuống đang trở thành tâm điểm của dư luận khi dính vào lùm xùm chưa nghiệm thu đã đưa vào vận hành, sử dụng. Phía Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có thông tin chính thức về vụ việc.

Cụ thể, vào ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng có công văn số 447/GĐ-GĐ3 gửi UBND TP.Hà Nội về việc khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1. Công văn nêu rõ: Công trình nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 đã được Cục Giám định tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Tuy nhiên còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32 Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Công văn lưu ý UBND TP.Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình, đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.

Mặc dù vậy, bất chấp những tồn tại có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình đã được Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng chỉ rõ, CTCP nước mặt sông Đuống vẫn tiến hành lễ khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống, sau đó đưa nhà máy vào khai thác, sử dụng, cấp nước cho người dân.

Việc làm mang tính “tiền trảm hậu tấu" này của CTCP nước mặt sông Đuống khiến dư luận hết sức lo ngại đồng thời đặt ra câu hỏi liệu có phải công ty này đang bỏ ngoài tai những chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan chức năng hay không? Việc công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đưa vào khai thác, sử dụng liệu có phải là hành vi coi thường lợi ích, sức khỏe của người dân? Câu hỏi đặt ra, trường hợp công trình khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã vội vã vận hành, khai thác có ảnh hưởng xấu tới chất lượng, đem lại rủi ro cho công trình?

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nu-ty-phu-thai-lan-chi-hon-2000-ty-mua-34-co-phan-nha-may-nuoc-mat-song-duong-d165454.html