Nữ tướng Đồng Kỵ và câu chuyện thử thách niềm tin

Không nhiều người biết rằng doanh nhân Vũ Thị Mai - người được mệnh danh là 'nữ tướng' làng nghề Đồng Kỵ đã từng trải qua không ít nỗi vất vả nhọc nhằn trước khi có được doanh nghiệp bề thế như ngày hôm nay.

Đồng Kỵ từ lâu đã là cái tên nức tiếng trong giới làng nghề Việt Nam. Nức tiếng vì là nơi cho ra đời những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ chất lượng, là làng nghề thuộc diện giàu có nhất nhì Việt Nam, với rất nhiều tỷ phú, nhiều nhà cao tầng, nhiều xế hộp… Và ở cái làng ấy, không mấy người không biết đến vợ chồng nhà Hướng Mai.

Năm 1990, vợ chồng doanh nhân Chử Văn Hướng và Vũ Thị Mai - hai người con của làng nghề Đồng Kỵ "khởi nghiệp" mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Mà nói là “khởi nghiệp” thì không hẳn, bởi với bà Mai, cái nghiệp gỗ đã gắn với bà từ lúc còn… trong bụng mẹ.

Khi ấy, đồ gỗ Hướng Mai chỉ là một xưởng sản xuất nhỏ vài công nhân, với nghệ nhân sản xuất chính là người chồng - ông Chử Văn Hướng, còn bà Mai chỉ lo phụ giúp chồng việc bán hàng.

Đến năm 2001, sau hơn 10 năm túc tắc làm ăn cùng với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, hai ông bà cũng đã có một cửa hàng nhỏ của riêng mình. Đồ gỗ nhà Hướng Mai được khách hàng biết đến nhiều hơn từ đó.

Tiếng lành đồn xa. Chỉ hơn 1 năm sau, doanh nghiệp bất ngờ nhận được một đơn hàng lớn. Có hai người đàn ông tìm đến cửa hàng hết lời khen sản phẩm Hướng Mai đẹp, tinh xảo nên muốn đặt nhiều bộ sản phẩm chế biến từ nguyên liệu gỗ quý để phục vụ cho Đại hội Thể thao Seagames 2003.

Tưởng rằng, sau bao năm cần mẫn làm nghề thì đây sẽ là cơ hội đem về lợi nhuận hấp dẫn đồng thời đưa tiếng tăm của làng nghề tiến xa, bà Mai cùng chồng hăm hở dồn tiền, dồn sức, thậm chí là vay mượn, thuê thêm thợ để mau chóng hoàn thiện cho kịp ngày giao. Thế nhưng, đến hạn giao hàng vào đúng ngày 01/01/2003, sự việc xảy ra khiến hai vợ chồng ông bà Hướng Mai không khỏi choáng váng.

Tất cả giao dịch chỉ là một cú lừa đảo siêu đẳng. Hai người đàn ông kia đã lừa lấy toàn bộ số hàng chất chứa biết bao tâm huyết và kỳ vọng chính đáng của đôi vợ chồng người nghệ nhân đã chăm chỉ làm việc, không quản khó nhọc đêm ngày.

Bà Mai kể lại sau khi trình báo với công an, ông Hướng cứ ở lì tại đồn đến 12 giờ đêm cũng không về vì xót xa. Mẹ chồng bà biết tin cũng khóc hết nước mắt. Tin dữ vào đúng cái ngày đầu tiên của năm đó, có người chủ nào lại không cảm thấy rụng rời, bi thương? Tài sản có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng do chính đôi bàn tay mình làm ra lại “mất trắng” trong phút chốc...

Vậy mà trong hoàn cảnh lúc đó, bà Mai - người phụ nữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình lại là người đủ bình tĩnh và kiên cường nhất.

Doanh nhân Vũ Thị Mai - người được mệnh danh là nữ tướng Đồng Kỵ

Tấm lòng sắt son của người con Đồng Kỵ

"Hồi ấy, người làng cứ lạ là làm sao nhà Hướng Mai bị lừa nhiều tiền thế mà vẫn thấy nó cười… phớ lớ", bà Mai cười sảng khoái kể lại. Cũng phải, nếu không lạc quan, không biết mỉm cười trước mọi thách thức thì làm sao Hướng Mai có được ngày hôm nay.

Mất tiền thôi chưa đủ, cái khó nhất với bà Mai chính là phải cạnh tranh ngay chính với các xưởng sản xuất khác trong làng nghề. Thời điểm này, không ít xưởng gỗ chỉ sản xuất gia công mà thiếu đi sự tinh xảo, thiếu đi cái hồn cốt lâu đời của gỗ Đồng Kỵ, rồi bán với giá rẻ. Cũng có lúc thị trường khó khăn, chính những xưởng gỗ ấy phải bán cho thị trường Trung Quốc với giá còn rẻ hơn nữa.

“Tôi không chọn cách làm ấy, mà quyết định đi theo một hướng đi riêng. Phải xây dựng thương hiệu riêng cho gỗ Hướng Mai - Đồng Kỵ. Sản phẩm của tôi phải là hàng thật, chế tác tinh xảo và tỉ mỉ. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự”, bà Mai khẳng định.

3 tháng sau, khi một vị khách người Đài Loan đi cùng phiên dịch đến đặt hàng để mang về kinh doanh tại showroom của họ ở Hà Nội, cả doanh nghiệp lại nhanh chóng lao vào phi vụ sản xuất mới.

Nhưng lần này, đã không còn chủ quan trong giao dịch làm ăn nữa, bà Mai cất công lên Thủ đô tham quan tận mắt showroom của người khách kia rồi mới đặt bút ký hợp đồng. Rốt cuộc thì sau một thời gian dài, mọi công sức, mồ hôi, nước mắt đã được đền đáp xứng đáng. Giao dịch lần này còn mở ra một mối làm ăn lâu dài cho Hướng Mai.

Vợ chồng bà Mai cùng những người thợ chuyên tâm vào làm hàng, trả hết nợ rồi cũng khấm khá lên. Hướng Mai Center ra đời với diện mạo bề thế cũng là nhờ cơ duyên như vậy. Nhờ đó, doanh nghiệp có cơ hội để đón nhiều lượt khách ghé thăm showroom hơn.

"Bí quyết của tôi đơn giản lắm. Làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở", bà Mai bộc bạch.

Đến ngày hôm nay, khi đã điều hành một doanh nghiệp quy tụ 200 - 300 thợ tay nghề cao, làm việc tại 5 xưởng sản xuất nhỏ trong mặt bằng nhà máy rộng 3.000m2; cũng như thường xuyên đón những đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan Hướng Mai Center, doanh nhân Vũ Thị Mai vẫn luôn truyền tinh thần yêu nghề, ý thức làm việc với trách nhiệm cao, xuất phát từ cái tâm như vậy đến với những người cộng sự, với khách hàng của mình.

Bà Mai chọn hướng đi xây dựng thương hiệu thật, sản phẩm thật cho gỗ Hướng Mai - Đồng Kỵ

Quyết tâm đổi mới, phát triển

Đi cùng với hành trình phát triển của Hướng Mai, nữ tướng Đồng Kỵ đã đi tới một quyết định quan trọng, đó là cải tổ bộ máy sản xuất, kinh doanh, và đặc biệt là quyết định thuê CEO chuyên nghiệp từ ngoài vào điều hành.

Theo bà Mai, ý tưởng thuê CEO chuyên nghiệp về điều hành được bà nung nấu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do trước đây nhận thấy nhiều yếu tố chưa đạt đến thời điểm chín muồi nên bà chưa thực hiện. Nhưng ngay sau khi tìm được CEO đủ đức, đủ tài và tin tưởng, bà Mai lập tức nhường ghế điều hành để người mới bắt tay thực hiện hàng loạt chiến lược mới như: áp dụng mô hình điều hành và quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, chú trọng đầu tư các hoạt động quảng bá thương hiệu.

Đặc biệt là chuẩn bị cho các hoạt động thăm dò và xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, mở đầu là thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, được xem là hai thị trường mục tiêu trong giai đoạn tới của Hướng Mai.

Rời ghế CEO và không trực tiếp tham gia các hoạt động điều hành hàng ngày của doanh nghiệp, nhưng với tâm huyết và kinh nghiệm của một người gần 30 năm gắn bó với nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống, với làng Động Kỵ. Bà Mai tiếp tục hướng các hoạt động của mình vào mục tiêu phát triển và giữ gìn làng nghề Đồng Kỵ, hướng tới các hoạt động tri ân cộng đồng và xã hội.

Trong vai trò đại sứ du lịch, đồng thời là người khởi xướng ý tưởng đưa làng nghề trở thành điểm du lịch, tham quan và mua sắm đồ gỗ, bà Mai đang kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị du lịch đẩy mạnh và mở rộng tour du lịch Bắc Ninh với hành trình hành trình đi qua ba điểm tham quan là Chùa Phật Tích, Đền Đô và tham quan, mua sắm tại làng nghề Đồ gỗ Đồng Kỵ.

Theo nữ doanh nhân này, đây là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để quảng bá cho làng nghề cũng như đưa các sản phẩm của làng nghề tỏa khắp cả nước và phát triển ra nước ngoài. Bên cạnh đó, bà Mai dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động đào tạo và nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân trẻ thông qua việc mở trường đào tạo, thành lập quỹ học bỗng, quỹ từ thiện và hướng tới các hoạt động tri ân Tổ nghề.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ này, bà Mai hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và trường tồn cho doanh nghiệp trong giai đoạn mới.

Doanh nhân Vũ Thị Mai - Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai là nhân vật đầu tiên lên sóng format mới của Chương trình CEO-Chìa khóa thành công phiên bản “Những câu chuyện thật”. Chương trình được phát sóng vào lúc 9h45 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh VTV1.

Chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Trung ương hội các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, PwC Việt Nam và Thời trang OWEN. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nu-tuong-dong-ky-va-cau-chuyen-thu-thach-niem-tin-1548141408700.htm