Nữ tiến sĩ trẻ say mê nghiên cứu khoa học

32 tuổi, tiến sĩ Phạm Thị Năm công tác tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã sở hữu trong tay hàng chục công trình nghiên cứu khoa học và giải thưởng danh giá Quả cầu vàng. Là người rẽ ngang nhưng khát khao có những công trình nghiên cứu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người đã giúp chị vượt qua tất cả.

Cháy cùng đam mê

12 giờ đêm, căn phòng thí nghiệm của phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vẫn sáng đèn. Hình ảnh này quá quen thuộc với tiến sĩ Phạm Thị Năm, thành viên chính của ba đề tài cấp Nhà nước đã được nghiệm thu, chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Bộ, công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài...

Sở hữu bề dày thành tích trong nghiên cứu khoa học nhưng ít ai biết rằng nữ tiến sĩ sinh năm 1986 này vốn là dân ngoại đạo trong lĩnh vực nghiên cứu. Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Năm từng nghĩ sẽ gắn bó với nghề "gõ đầu trẻ" ở quê nhà Hà Nam. Tuy nhiên, mối lương duyên đã đưa chị đến Viện Kỹ thuật nhiệt đới.

Tiến sĩ Phạm Thị Năm

Tiến sĩ chia sẻ: “Khi vừa làm xong khóa luận tốt nghiệp mình biết được thông tin bạn của thầy giáo đang tuyển nhân sự nên đã nhờ thầy giới thiệu. Tuy nhiên, bạn thầy không nhận mà giới thiệu sang Viện Kĩ thuật nhiệt đới. Duyên với nghiên cứu khoa học và lĩnh vực vật liệu vi sinh của mình bắt đầu từ đó”.

Theo học chuyên ngành Hóa hữu cơ nhưng làm việc tại phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại lại chủ yếu về điện hóa khiến chị gặp không ít khó khăn. Các thiết bị máy móc hầu như chị không biết. Tài liệu phục vụ cho nghiên cứu chủ yếu bằng tiếng Anh khiến chị đọc một bài báo khoa học có khi mất cả ngày. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị nghiên cứu thiếu thốn nên chị thường xuyên đợi đến cuối buổi mới có thể làm việc.

Nhiều lúc máy không có nhưng công trình không thể trì hoãn thêm, chị đành phải sang thí nghiệm nhờ các đơn vị khác hoặc gửi ra nước ngoài. Trong suốt tám năm nghiên cứu vật liệu vi sinh, nhiều lần chị Năm tiến hành tới cả trăm thí nghiệm mà vẫn thất bại. Có những lúc chị muốn buông xuôi tất cả để trở lại với nghề giáo. Tuy nhiên, vì tình yêu với khoa học, chị lại tự động viên “chỉ cần cố một chút nữa thôi…”.

Ngày nào, chị Năm cũng dậy sớm đến phòng thí nghiệm và chỉ về nhà khi đã gần nửa đêm. Thậm chí có lúc, thí nghiệm chưa ra kết quả ưng ý, chị ở lại cơ quan làm việc tới sáng hôm sau. Chị dùng tình yêu và sự nỗ lực không biết mệt mỏi để nuôi dưỡng ước mơ về những loại vật liệu mới có ích cho cộng đồng.

Từng sợ ế vì… làm việc quá nhiều

Đến nay, chị Năm đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu ba đề tài cấp Nhà nước với kết quả nghiệm thu rất khả quan. Trong đó, chị tâm đắc nhất với đề tài "Nghiên cứu tính chất, hình thái cấu trúc vật liệu tổ hợp polyaxit lactic/nanohydroxyapatit có và không có chất tương hợp định hướng ứng dụng trong y sinh". Đề tài nghiên cứu thành công góp phần tạo ra vật liệu mới với khả năng phân hủy sinh học, ứng dụng làm nẹp vít thay thế xương trong y sinh.

"Mình luôn mơ ước vật liệu mới mà cả nhóm đang theo đuổi sẽ được ứng dụng rộng rãi. Điều đó sẽ giúp người bệnh bị gãy, hỏng xương phục hồi nhanh, tốn ít chi phí chữa bệnh hơn so với các phương pháp hiện nay", chị Năm tâm sự.

Gia đình nhỏ của tiến sĩ Phạm Thị Năm

Mỗi nghiên cứu thành công lại trở thành động lực để chị Năm tiếp tục cố gắng. Niềm đam mê khoa học cũng vì thế lớn dần khiến thời gian ở cơ quan của chị nhiều hơn ở nhà. Chị đi làm sớm, về muộn, cuối tuần cũng đến cơ quan. Thậm chí trừ lúc ăn uống, tiến sĩ trẻ lại ngồi vào máy tính làm việc. Chị tếu táo kể: “Có lẽ dành quá nhiều thời gian cho công việc nên mãi mà mình không có người yêu. Cô đồng nghiệp cũng là người thầy, sếp của mình suốt ngày nhắc nhở phải lấy chồng đi. Có lẽ, cô sợ mình ế đến già. Khi ấy, mình chỉ biết cười thôi nhưng may mắn năm 29 tuổi mình cũng lấy chồng”.

Thời gian đầu, chị Năm vẫn dành nhiều thời gian cho công việc. Khi có con, chị phải sắp xếp thời gian cân bằng mọi việc. Những năm 2015 - 2016 là khoảng thời gian khó khăn nhất với chị. Khi đó, chị vừa sinh con lại đến thời hạn của nghiên cứu sinh và là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ, phải nghiệm thu. Có hôm chị phải thức cả đêm ngồi sửa luận án.

Khi đó, chi vô cùng biết ơn chồng và gia đình đã hiểu và tạo điều kiện cho chị hoàn thành các công việc. “Gia đình và niềm đam mê khoa học là hai thứ quan trọng nhất với mình. Vì thế, mình sẽ nỗ lực làm tốt cả hai, đồng thời nắm bắt các cơ hội để có thể xin tài trợ kinh phí cho các nghiên cứu mới phục vụ cộng đồng. Khi bắt đầu, gặp vô vàn khó khăn nhưng nhờ tình yêu và đam mê, mình đã vượt qua được. Vì vậy, mình nghĩ các bạn trẻ yêu thích khoa học hãy mạnh dạn nắm giữ lấy nó, đừng ngại khó khăn. Sự may mắn luôn đến với những người biết nỗ lực trong công việc và cuộc sống”, tiến sĩ Năm chi sẻ.

Phương Thanh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nu-tien-si-tre-say-me-nghien-cuu-khoa-hoc-d2061360.html