Nữ tiến sĩ lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

Với nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về nhiên liệu sinh học tạo ra từ chất thải nông nghiệp, như dầu hạt cao su, hạt cà phê và chất thải từ hoa quả, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - Phó Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG TP.HCM được bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2017.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng chụp ảnh với học trò. Ảnh: NVCC

Trước đó, vào năm 2016, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng đã được chọn vào danh sách trao giải thưởng Nhà khoa học ASEAN - Hoa Kỳ dành cho các nhà khoa học nữ công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng.

Ước muốn được nghiên cứu chuyên sâu

Sinh ra và lớn lên ở Huế, gia đình làm nông nghiệp, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng luôn mong muốn “làm một điều gì đó liên quan đến nông dân, nông nghiệp”. Đó cũng là lý do mà sau này quay lại trường, cô chọn hướng nghiên cứu về ứng dụng, năng lượng tái tạo và biomass - biến phế phẩm nông nghiệp thành năng lượng và các vật liệu hữu ích.

Năm 1994, cô Phụng trúng tuyển Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG TP.HCM. Với nhiều người, đó là một bất ngờ, bởi trường kỹ thuật thường dành cho con trai và họ nổi trội, hợp với nghề hơn. Tuy nhiên, trong những năm đại học, cô Phụng chứng minh quan niệm trên chỉ là định kiến nhất thời bằng nhiều thành tích vượt trội như đoạt huy chương Vàng Khoa Kỹ thuật Hóa học, tốt nghiệp kỹ sư loại ưu, được nhà trường giữ lại làm giảng viên.

Những tưởng cô bén duyên nghề giáo từ đó, nhưng cô lại gây bất ngờ với thầy cô, đồng nghiệp khi cô quyết định rời trường ra ngoài làm việc ở công ty.

Cô Phụng tâm sự: “Mình là con nông dân, sau mình còn có hai em ăn học, mà lương giảng viên hồi đó thấp quá nên mình muốn tạm "bay đi" để kiếm tiền phụ cha mẹ. Hơn nữa, mình học lý thuyết khá nhiều mà chưa có dịp áp dụng. Mình muốn cọ xát kiến thức nhà trường với thực tế để trưởng thành hơn” .

Một năm làm việc cho vài công ty, từng giữ chức trưởng phòng kỹ thuật và có cơ hội thăng tiến nhưng cô Phụng rơi vào trạng thái “chịu không nổi cảnh nhàn nhã quá” nên cô trở về Trường ĐH Bách Khoa học lên thạc sĩ, tập trung vào hướng nghiên cứu chuyên sâu. “Làm ở ngoài việc cứ đều đều, phải đợi lúc máy móc trục trặc mới có dịp thử sức, đâm ra thấy mình rảnh rỗi quá. Thế là mình quyết định trở về công việc nghiên cứu, để mình được tiếp cận nhiều cái mới hơn” - Cô Phụng chia sẻ.

Năm 2004, cô Phụng thi đậu nghiên cứu sinh ở ĐH Sheffield (Anh) và bốn năm sau thì bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Phụ nữ làm khoa học có nhiều cơ hội

Ngay khi trở về Việt Nam, TS Phụng chọn hướng nghiên cứu tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải nông nghiệp. Đây không phải là hướng đi hoàn toàn mới so với thế giới nhưng ở Việt Nam rất ít nhà khoa học quan tâm và theo đuổi. Mặt khác, Việt Nam có tiềm năng về chất thải nông nghiệp. Cho nên hướng nghiên cứu này hứa hẹn giải quyết vấn đề về môi trường, kinh tế và phát triển bền vững.

Công việc nghiên cứu ứng dụng đòi hỏi bám sát hiện trường, “lăn lộn” trong thực tế. Cô Phụng kể: “Mình phải đi liên tục, tiếp xúc với địa phương, đến nhà máy, ra đồng ruộng rồi thực tế ở nước ngoài”. Biết thế là thiệt thòi cho con và gia đình nhưng - theo cô - thì đó cũng là cách tạo thói quen để các thành viên trong tổ ấm của mình biết hỗ trợ, thương yêu nhau hơn.

Những nỗ lực, hy sinh của PGS.TS Lê Thị Kim Phụng dần đơm hoa kết trái theo năm tháng. Từ năm 2009 đến nay, cô có đến 24 bài báo khoa học được công bố quốc tế. Không những thế, cô còn là một giảng viên giỏi nghề và tận tâm, được nhiều sinh viên quý mến. Bạn Nguyễn Hanh (cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa), chia sẻ: “Cô Phụng rất thương học trò. Mình ngưỡng mộ cô không chỉ ở những buổi học trên lớp mà còn ở cách cô ứng xử rất chân thành, tinh tế với sinh viên. Mình cảm thấy may mắn vì được làm học trò của cô”. Bạn Phan Quốc Hồng Ân (sinh viên K15 - Khoa Kỹ thuật Hóa học), tâm sự: “Bằng sự tận tâm và nhiệt huyết của mình, cô Phụng luôn tạo ra niềm cảm hứng, giúp những sinh viên như mình theo đuổi đam mê trong học tập và nghiên cứu”.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng đặc biệt dành niềm ưu ái, sự động viên, khích lệ cho những nữ sinh viên: “Phụ nữ làm khoa học có rất nhiều cơ hội nên không có vấn đề gì phải băn khoăn cả. Mình cứ làm hết sức và theo đuổi đến cùng đam mê của mình thì thành quả ngọt ngào ắt sẽ đến”. Cô đồng ý trả lời phỏng vấn của phóng viên không phải vì cô muốn nổi tiếng mà vì một lý do rất dung dị và đáng yêu. Cô nói: “Khi mình xuất hiện trên báo mà các bạn nữ đọc được, biết đâu mình có thể gián tiếp tạo ra cảm hứng, tiếp thêm động lực cho các bạn trong khoa học và trong cuộc sống?”.

Việt Nam có hai nhà khoa học nữ được vinh danh trên Asian Scientist Asian Scientist là tạp chí của Singapore xuất bản online từ năm 2011, bản in xuất bản từ năm 2014. Đây là năm thứ hai tạp chí này công bố danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á.

Trong danh sách công bố lần trước, tháng 3.2016, Việt Nam có 2 nhà khoa học nữ được lọt vào danh sách là TS Trần Hà Liên Phương (Trường ĐH Quốc Tế, ĐHQG TP.HCM) và TS Đặng Thị Oanh ( Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Thái Nguyên).

Tiêu chí lựa chọn các nhà khoa học để đưa vào danh sách 100 nhà khoa học châu Á của Asian Scientist là các nhà khoa học được chọn phải được trao các giải thưởng về khoa học trong năm được bình chọn.

Phương Thế Ngọc

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/nu-tien-si-lot-top-100-nha-khoa-hoc-hang-dau-chau-a-597029.ldo