Nữ tiến sĩ khoa học với những công trình vì cộng đồng

Sau gần 20 năm gắn bó với việc nghiên cứu nano bạc, đến nay, TS. Trần Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng Công nghệ Thân Môi trường (Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có hàng loạt công trình khoa học về nano bạc được ứng dụng vào đời sống.

Bởi thế, đầu năm 2018, chị đã trở thành một trong 2 người được xướng tên lên nhận giải thưởng danh giá L’oreal-UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”.

Một sáng chế có thể giúp hàng chục ngàn bệnh nhân nhanh khỏi bệnh

Bây giờ, rất nhiều bệnh nhân khi phẫu thuật tại các bệnh viện hoặc điều trị bỏng đã được dùng loại băng nano bạc để băng vết thương. Ưu điểm của loại băng này là giúp vết thương nhanh lành và chống nhiễm khuẩn sau phẫu thuật. Nhưng có lẽ còn ít người biết rằng người sáng chế ra loại băng này là TS. Trần Thị Ngọc Dung.

TS. Dung tâm sự, chị nghiên cứu loại băng nano bạc bắt đầu từ sự ám ảnh khi được các bác sĩ tại nhiều bệnh viện kể rằng có những ca mổ thành công nhưng vẫn không cứu nổi bệnh nhân do nhiễm khuẩn vết mổ trong hậu phẫu vì vi khuẩn kháng thuốc. Vì thế, việc nghiên cứu băng gạc nano bạc được nhiều nước đặc biệt quan tâm nhằm giải quyết vấn đề kháng thuốc kháng sinh. Nhưng giá băng nano bạc nhập khẩu rất cao nên phần đông người dân Việt Nam khó tiếp cận. Vì thế, chị quyết tâm nghiên cứu chế tạo được loại băng gạc nano bạc chất lượng tương đương hàng ngoại, nhưng giá thành rẻ.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tìm kiếm các thiết bị cần thiết đến phối hợp với các bệnh viện để được thử nghiệm cận lâm sàng, lâm sàng trên bệnh nhân và đánh giá chất lượng. Nhưng rồi, với nỗ lực rất lớn, TS. Dung và nhóm nghiên cứu đã vượt qua những thử thách để có được sản phẩm băng nano bạc; đồng thời thuyết phục các bệnh viện lớn đồng ý thử nghiệm.

Một bệnh nhân bị vết thương ở lưng đã điều trị 3 tháng ở bệnh viện tuyến tỉnh, rồi Bệnh viện 108 mà việc điều trị vẫn vô vọng. Đủ loại thuốc kháng sinh nhưng vết loét ngày càng sâu hoắm và rộng hoác do nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân chỉ còn có thể nằm sấp vì vết thương quá lớn và gây đau đớn toàn thân. TS. Dung quyết định phối hợp với các bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân này bằng băng nano bạc.

Kết quả thật ngoài mong đợi: chỉ sau 4 ngày dùng băng nano bạc vết thương đã se miệng, lên da non. Sau một tuần thì các mảng hoại tử sạch hoàn toàn, đủ điều kiện để phẫu thuật làm đầy vết thương đã bị loét sâu và rộng. Khỏi nói hết niềm vui của cả bệnh nhân lẫn các bác sĩ, khi chỉ sau một tuần được chỉnh hình vết thương là bệnh nhân được ra viện.

Cũng thời gian này, các kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng tại các bệnh viện cũng cho thấy băng gạc tẩm nano bạc do TS. Dung chế tạo đã cho hiệu quả điều trị tích cực.

Kết quả thử nghiệm tại Viện Bỏng Quốc gia, Học viện Quân y cũng khẳng định việc điều trị các tổn thương ngoài da, vết thương nhiễm trùng, hoại tử lâu ngày bằng băng nano bạc có tác dụng giảm nhiễm trùng, thời gian điều trị rút ngắn từ 50-10% so với phương pháp thông thường, giảm chi phí, giúp bệnh nhân sớm ra viện. Băng nano bạc còn giúp giảm số lần thay băng, không gây đau, gây xót, giúp bệnh nhân giảm đau đớn, hồi phục nhanh.

Chất lượng băng nano bạc của Việt Nam sản xuất tương đương với sản phẩm cùng loại của nước ngoài, trong khi chi phí sản xuất chỉ bằng 1/8 giá băng ngoại nhập nên giúp mọi đối tượng bệnh nhân đều có thể sử dụng. Với những kết quả nghiên cứu thành công, đề tài này của TS. Trần Thị Ngọc Dung đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt xuất sắc.

Một thành công rất đáng nể của TS. Dung là đã chế tạo được nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước.

Trước đây, Viện Công nghệ môi trường đã hợp tác cùng các nhà khoa học Liên bang Nga để nghiên cứu chế tạo nano bạc cho mục đích khử trùng bằng phương pháp mixen đảo. Tuy nhiên phương pháp này chỉ sản xuất được lượng nano bạc rất nhỏ, vài ml đến vài trăm ml một mẻ, trong khi phải sử dụng các hóa chất đắt tiền, nên chi phí chế tạo cực lớn. Chưa kể qui trình rất phức tạp, dẫn đến chi phí 1 lít nano bạc giá tới trên 10 triệu đồng với 2 ngày chế tạo. Vì thế, công nghệ này khiến cho việc ứng dụng nano bạc rất hạn chế.

TS. Trần Thị Ngọc Dung nhận giải thưởng L’Oreal - UNESCO.

Để phục vụ nhu cầu sản xuất, TS. Dung đã nghiên cứu chế tạo nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước. Kết quả là với phương pháp này, nano bạc có chi phí thấp hơn 30 lần so với phương pháp cũ, nên có thể tạo ra số lượng lớn, thích hợp ứng dụng trong thực tế. Dung dịch nano bạc chế tạo được có tuổi thọ bảo quản trên 2 năm. Với việc đầu tư được thiết bị sản xuất nano bạc hàm lượng cao, công suất lớn, mỗi ngày Viện Công nghệ Môi trường sản xuất được hàng nghìn lít dung dịch/ngày, thích hợp ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, chế tạo đồ dùng vệ sinh cá nhân.

Nặng lòng với bà con vùng lũ

Có lần xem một phóng sự truyền hình về cuộc sống của người dân vùng lũ ở miền Trung, TS. Dung đã thật sự xúc động trước cảnh giữa mênh mông biển nước mà người dân không có nước sạch để dùng. Và hình ảnh đọng lại trong đầu TS. Dung là hình ảnh người phụ nữ nước mắt lưng tròng bày tỏ: Người dân vùng lũ gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn và đã được các cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ nhiều thứ: gạo, mỳ tôm, tiền… nhưng một vấn đề rất cấp thiết là nước sạch để ăn uống thì lại không có, hoặc có rất ít.

Mong muốn của người dân vùng lũ khiến chị vô cùng trăn trở. Bởi năm nào nước ta cũng có thiên tai, nhiều nơi bị lũ lụt là chuyện không tránh khỏi. Hơn nữa, theo thống kê của Bộ Y tế thì cả nước đang có khoảng 17 triệu người chưa có nước sạch. Nhà nước đang cố gắng xây dựng các trạm cấp nước, song điều này cần cả thời gian lẫn kinh phí chứ không phải ngày một ngày hai. Những vấn đề trên là động lực để tôi bắt tay vào nghiên cứu tạo ra bộ dụng cụ lọc nước khử khuẩn hạn chế trôi bạc ra nước lọc.”- TS. Dung chia sẻ.

Đưa ra giải pháp để làm sạch nguồn nước ăn uống nói chung và khử trùng nước nói riêng luôn luôn là một nhu cầu cấp thiết. Không chỉ ở Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi chính phủ các nước đang phát triển cung cấp dụng cụ xử lý nước quy mô gia đình để khắc phục ngay tình trạng thiếu nước sạch. Trong các giải pháp tạm thời thì việc sử dụng lọc nước bằng màng gốm xốp được quét phủ lớp nano bạc đang được chú ý. Màng lọc này thích hợp cho người dân trong hoàn cảnh lũ lụt, nên đã được nhiều tổ chức hỗ trợ để triển khai ở Ấn Độ, Campuchia, Nicaragoa, Nigeria, Zimbabue, Camerun… Tuy nhiên, giải pháp này lại chưa có ở Việt Nam, hơn nữa, giải pháp dù có hiệu quả, vẫn có hạn chế là nano bạc bị trôi ra theo nước lọc.

Vì thế, TS. Dung tập trung nghiên cứu nhằm chế tạo ra bộ dụng cụ lọc gốm xốp có nano bạc dùng làm sạch nước quy mô gia đình, nhưng bạc sẽ không trôi theo nước lọc. Chính vì thế TS. Dung gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, mà việc khó tìm đơn vị phối hợp để nung gốm là một ví dụ.

Nhưng sau thời gian mày mò nghiên cứu, TS. Dung đã tìm ra phương pháp gắn nano bạc lên màng gốm. Phương pháp này có nhiều ưu thế là có thể sản xuất quy mô lớn, hiệu quả khử trùng nước cao, hạn chế được lượng bạc trôi theo nước lọc từ 16 đến 19 lần, giúp an toàn cho người sử dụng, kéo dài tuổi thọ của màng lọc mà chi phí sản xuất thấp, có thể tạo hình vật liệu lọc theo nhiều dạng khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là xuất sắc và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng Độc quyền Sáng chế số 14431.

Sáng chế này được ứng dụng vào cuộc sống, bà con vùng lũ lụt sẽ chủ động được nước sạch để đảm bảo vệ sinh trong những ngày bão lũ. Không những vậy kết quả nghiên cứu này còn tạo ra được thiết bị lọc và khử trùng nước gia đình đủ khả năng tham gia vào thị trường thiết bị lọc nước rất sôi động hiện nay.

Đặc biệt, công nghệ này còn cho phép tạo ra những thiết bị lọc nước công suất lớn dùng cho công nghiệp nước đóng chai. Vì thế, TS. Dung đang được giao thực hiện dự án cấp Nhà nước "Áp dụng sáng chế số 14431 để sản xuất vật liệu và thiết bị xử lý nước uống an toàn sinh học" năm 2018-2019.

Ngoài hàng loạt sáng chế có tính ứng dụng cao, TS Trần Thị Ngọc Dung còn là tác giả và đồng tác giả của 2 công trình khoa học quốc tế, trên 20 công trình trong nước...

Thanh Hằng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/nu-tien-si-khoa-hoc-voi-nhung-cong-trinh-vi-cong-dong-516963/