Nữ thẩm phán - biểu tượng của Tòa án Tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 87

Ngày 18/9/2020, Tòa án Tối cao Mỹ thông báo thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người được nước Mỹ ví là biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng, đã qua đời ở tuổi 87 vì ung thư tụy.

Trong ảnh (tư liệu): Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg tại một buổi chụp hình lưu niệm ở Washington, DC, Mỹ ngày 30/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ảnh (tư liệu): Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg tại một buổi chụp hình lưu niệm ở Washington, DC, Mỹ ngày 30/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

* Biểu tượng của Tòa án Tối cao Mỹ

Joan Ruth Bader (tên thời con gái của bà Ruth Bader Ginsburg) sinh ra tại khu vực Flatbush, Brooklyn, New York năm 1933 và là con của cặp đôi người Do Thái nhập cư. Năm 17 tuổi, Ruth đã phải trải qua nỗi đau mẹ qua đời vì ung thư.

Năm 1954, bà Ruth tốt nghiệp Đại học Cornell và kết hôn với ông Marty Ginsburg, rồi đổi tên thành Ruth Bader Ginsburg. Khi mang thai con đầu lòng, bà Bader Ginsburg đã bị giáng chức tại văn phòng an sinh xã hội. Ở thập niên 50 của thế kỷ trước, việc phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai vẫn khá phổ biến. Điều này đã khiến bà Bader Ginsburg che giấu hoàn toàn lần mang thai thứ hai.

Năm 1956, bà Bader Ginsburg là một trong 9 phụ nữ đăng ký vào học tại trường Luật thuộc Đại học Harvard. Sau đó bà chuyển sang Trường Luật Columbia tại New York. Tuy nằm trong nhóm có thành tích cao nhất lớp nhưng bà Bader Ginsburg lại gặp khó khăn trong tìm việc. Bà Bader Ginsburg cho biết các công ty luật tại thành phố New York khi đó chần chừ không tuyển dụng bà bởi xuất thân là phụ nữ, đã có con và gốc gác người Do Thái.

Bà Bader Ginsburg sau đó trở thành giáo sư tại Trường Luật Rutgers năm 1963 và là người đồng thành lập Dự án Quyền Phụ nữ tại Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU). Năm 1973, bà Bader Ginsburg nhận trọng trách là người đứng đầu bộ phận pháp lý của ACLU.

Năm 1980, bà Bader Ginsburg được bổ nhiệm vào Tòa án Quận Columbia. Đến năm 1993, Tổng thống Bill Clinton đề cử bà Bader Ginsburg vào Tòa án Tối cao. Từ đây, bà Bader Ginsburg chính thức trở thành người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ.
* Biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng

Trong ảnh (tư liệu): Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg phát biểu nhân chuyến thăm trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Ginsburg được ví như biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng tại nước Mỹ, sau nhiều năm hoạt động không biết mệt mỏi nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và người thuộc giới tính thứ ba.

Một trong những vụ việc quan trọng đầu tiên của bà Bader Ginsburg tại Tòa án tối cao là thay đổi chính sách chỉ nhận nam giới tại Viện quân sự Virginia. Nữ thẩm phán Ginsburg khẳng định không có luật hoặc chính sách nào được từ chối cơ hội của nữ giới trong tham gia và cống hiến cho xã hội dựa trên năng lực cá nhân của họ.

Sau này, hình ảnh bà Ginsburg ngày càng trở nên phổ biến với công chúng Mỹ khi một sinh viên trường luật tạo tài khoản mạng xã hội Tumblr dành riêng cho bà với tên Notorious RBG. Từ đây, bà Ginsburg trở thành hiện tượng với thế hệ phụ nữ trẻ tuổi. Thậm chí phong cách thời trang của nữ thẩm phán Ginsburg cũng được công chúng ghi nhận và học hỏi.

Ngay sau thông tin về việc bà Ginsburg qua đời, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã thông báo treo cờ rủ tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ nhằm tưởng nhớ Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, người vừa qua đời tại nhà riêng. Việc treo cờ rủ sẽ được kéo dài cho tới khi kết thúc lễ tang của bà Ginsburg theo truyền thống.

Một loạt các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện và các nhà lãnh đạo Mỹ đều bày tỏ sự tiếc thương cũng như vinh danh những cống hiên của bà Ginsburg. Thượng nghị sĩ Charles Schumer ca ngợi bà Ginsburg là “người khổng lồ trong lịch sử của Mỹ, một nhà đấu tranh cho công lý, một người tiên phong cho phụ nữ”. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, cũng cho biết ông đánh giá cao những cống hiến của bà Ginsburg và coi bà là “người tiên phong”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi bà Ginsburg đã mở đường cho rất nhiều phụ nữ, trong đó có cả bà và sẽ không bao giờ có một người khác giống như bà Ginsburg.
* Khoảng trống để lại

Theo giới quan sát, việc bà Ginsburg qua đời được dự báo sẽ làm thay đổi tính cân bằng của Tòa tối cao Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump sẽ có cơ hội bổ nhiệm thêm một thẩm phán theo đường lối cánh hữu bảo thủ. Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế nhiều khả năng cũng sẽ đẩy nhanh tiến trình để Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử thẩm phán mới, trước thời điểm bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu tháng 11 tới.

Theo quy định, Tổng thống Mỹ là người đề cử thẩm phán mới và Thượng viện sẽ có trách nhiệm thông qua. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Tòa án tối cao Mỹ luôn duy trì 8 vị thẩm phán và 1 chánh án tại vị, họ có thể làm việc trọn đời. Và hiện nay, tỉ lệ thẩm phán ủng hộ đảng Cộng hòa so với đảng Dân chủ đang là 5-4.

Ngay sau khi bà Ginsburg qua đời, Tổng thống Trump cho biết sẽ thúc đẩy việc đề cử một thẩm phán mới. Thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cũng cho biết Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về đề cử của Tổng thống Donald Trump cho vị trí quan trọng tại Tòa án tối cao, bất chấp cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần.

Phản ứng lại, ứng cử viên tranh cử vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ngày 19/9 đã cho rằng việc đề cử người thay thế vị trí của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg trong Tòa án Tối cao Mỹ cần phải đợi tới sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Phát biểu trước báo giới, ông Joe Biden nói: "Các cử tri sẽ chọn Tổng thống và vị Tổng thống mới sẽ lựa chọn thẩm phán để Thượng viện xem xét".

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới rất gần, việc các ứng cử viên tận dụng mọi cơ hội để tạo thuận lợi cho mình là điều dễ hiểu. Sự ra đi của bà Ginsburg khiến cuộc đua ghế Tổng thống Mỹ năm nay càng trở nên căng thẳng, bởi đảng Dân chủ hy vọng sẽ giữ được ghế của nữ thẩm phán theo khuynh hướng tự do này nếu ông Joe Biden giành chiến thắng. Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng muốn giành ghế này cho một thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ trong nhiệm kì thứ hai của Tổng thống Trump.

Đầu tháng 9/2020, Tổng thống Trump đã công bố danh sách khoảng 20 thẩm phán tiềm năng trong tương lai, bao gồm một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa như Ted Cruz (bang Texas), Tom Cotton (bang Arkansas) và Josh Hawley (bang Missouri). Nếu đảng Dân chủ giành lại thế đa số tại Thượng viện từ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, thì từ nay đến lúc đó, đảng Cộng hòa chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn để tìm người thay thế bà Ginsburg để nâng số thẩm phán bảo thủ hiện có trong Tòa án Tối cao lên 6 người (trên tổng số 9 người)./.

Trọng Đức (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nu-tham-phan-bieu-tuong-cua-toa-an-toi-cao-my-qua-doi-o-tuoi-87/170134.html