Nữ thạc sĩ 9x sở hữu 12 bài báo quốc tế

Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Hoàng Nga (sinh năm 1996) là Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Dự án (R&D) của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Lọc - Hóa dầu, Trường Đại học Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM.

ThS Đỗ Nguyễn Hoàng Nga (thứ ba từ trái sang) và nhóm nghiên cứu bên những sản phẩm vật liệu mới thân thiện với môi trường. Ảnh: NVCC

ThS Đỗ Nguyễn Hoàng Nga (thứ ba từ trái sang) và nhóm nghiên cứu bên những sản phẩm vật liệu mới thân thiện với môi trường. Ảnh: NVCC

Cô từng bảo vệ luận án Thạc sĩ bằng tiếng Anh với số điểm 9,9 và vinh dự là một trong 31 học viên, nghiên cứu sinh nhận được học bổng “khủng” do ĐH Quốc gia TPHCM trao.

Đam mê vật liệu tái tạo

Đỗ Nguyễn Hoàng Nga từng tốt nghiệp đại học với tấm bằng Kỹ sư loại giỏi ngành Kỹ thuật Hóa học tại Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM năm 2018 và tiếp tục học thạc sĩ tại trường. Năm 2020, cô tốt nghiệp Thạc sĩ với số điểm trung bình là 9,63, luận án bằng tiếng Anh có số điểm 9,9. Hoàng Nga đang tiếp tục công việc nghiên cứu với nhóm Kỹ thuật quá trình bền vững do PGS.TS Lê Thị Kim Phụng làm trưởng nhóm.

Hướng nghiên cứu của nhóm là phát triển các công nghệ chuyển đổi phụ phẩm nông - công nghiệp thành vật liệu tái tạo có giá trị kỹ thuật cao như aerogel, ứng dụng đa ngành như xây dựng, xử lý môi trường, bao bì thực phẩm và hướng đến các ứng dụng trong y học, pin nhiên liệu…

ThS Đỗ Nguyễn Hoàng Nga cho biết hiện nhóm tập trung nghiên cứu về vật liệu tái tạo từ sinh khối. Lĩnh vực này khá mới mẻ và là xu hướng của thế giới hiện nay khi môi trường ngày càng ô nhiễm. Cách tiếp cận theo hướng phát triển công nghệ không chất thải, biến những thứ vô giá trị thành sản phẩm có giá trị là điều hấp dẫn cô trong hai năm qua.

“Năm 2019, tôi được tiếp cận công nghệ tổng hợp aerogel từ lá dứa thông qua sự hợp tác giữa nhóm Kỹ thuật quá trình bền vững và nhóm nghiên cứu Aerogel của PGS.TS Dương Minh Hải – Trường ĐH Quốc Gia Singapore. Sau đó, tôi cùng nhóm tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu này với các loại chất thải khác như tro bay, vụn cotton thải, sợi lá dứa… Đến nay, các nghiên cứu này đã có những kết quả khả quan ở quy mô phòng thí nghiệm và pilot, làm cơ sở để có thể chuyển giao vào sản xuất công nghiệp khi có đơn vị quan tâm đặt hàng”, Hoàng Nga chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện các nghiên cứu, Hoàng Nga và nhóm gặp không ít khó khăn về kinh phí và trang thiết bị phân tích. Một số thiết bị tại phòng thí nghiệm không có nên nhóm phải liên kết với các phòng thí nghiệm trong nước và cả nước ngoài để gửi mẫu đo đạc. Sự bị động trong việc phân tích đôi lúc khiến cho tiến độ thực hiện gặp khó khăn. Tuy nhiên, một số hướng đề tài nghiên cứu của nhóm có sự hỗ trợ về kinh phí từ các quỹ tài trợ khoa học nên cũng phần nào tháo gỡ được trở ngại của nhóm.

ThS Đỗ Nguyễn Hoàng Nga vừa vinh dự nhận được học bổng sau đại học của ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: NVCC

Mong sớm có mặt trên thị trường

Với hướng nghiên cứu hiện tại về vật liệu tái tạo từ sinh khối, Hoàng Nga và nhóm mong muốn được tạo thêm điều kiện để nghiên cứu và phát triển các công nghệ hiện đại và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

Là một nhóm nghiên cứu thiên về ứng dụng, nhóm luôn đặt tiêu chí tính khả thi khi sản xuất ở quy mô công nghiệp lên hàng đầu. Hướng tái chế không chất thải từ sinh khối nhóm đang tiếp cận phù hợp với xu hướng Việt Nam cũng như trên thế giới khi vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra được rất nhiều người quan tâm. Sau cùng, nhóm vẫn muốn triển khai ứng dụng công nghệ đã phát triển ở quy mô phòng thí nghiệm vào quy mô công nghiệp để loại vật liệu này có mặt trên thị trường sớm.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng – giảng viên hướng dẫn chính cho luận án Thạc sĩ của Đỗ Nguyễn Hoàng Nga cho biết sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM năm 2018, Nga tiếp tục học Thạc sĩ tại trường và tham gia vào nhóm nghiên cứu của bà với vai trò là kỹ sư nghiên cứu. Trong vòng hai năm, Nga đã cùng nhóm nghiên cứu đạt thành tích nổi bật về công bố khoa học với 11 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE, 1 bài báo thuộc Scopus, 2 bài báo trong nước và 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế uy tín với hướng nghiên cứu về phát triển công nghệ chế tạo vật liệu aerogel, loại vật liệu rắn siêu nhẹ chứa hơn 90% không khí, từ các loại chất thải như lá dứa, xơ dừa, bã mía, vụn cotton, lốp xe thải…”.

“Nga có tố chất của một người làm nghiên cứu nghiêm túc, trung thực, đam mê sáng tạo và nhiệt huyết với khoa học, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tư duy phản biện, hòa đồng, năng nổ và vui vẻ với mọi người. Theo lời kể của các sinh viên trong phòng thí nghiệm của tôi, Nga không ngần ngại giúp đỡ các em khi có khó khăn hay trục trặc. Tất cả sinh viên của tôi đều muốn làm việc cùng với Nga vì sự tận tâm và những lời khuyên quý giá Nga dành cho các em”, PGS.TS Kim Phụng chia sẻ.

Để giữ được lửa đam mê khoa học, đặc biệt là với những nhà khoa học nữ, điều cần thiết là sự động viên, quan tâm từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp bởi đó chính là sức mạnh tinh thần giúp chúng ta kiên cường tiến về phía trước. Bên cạnh đó, nhờ có những nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà trường, ĐH Quốc gia TPHCM, Sở KH&CN TPHCM, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, các nhóm nghiên cứu trong nước... nên mình và các cộng sự có thêm sự tự tin và nỗ lực nghiên cứu. - Thạc sĩ Hoàng Nga

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/nu-thac-si-9x-so-huu-12-bai-bao-quoc-te-3DsaBOuMR.html