Nữ sinh quản trị kinh doanh mê nghệ thuật

Xuất thân trong một gia đình không có điều kiện, cũng không nổi bật về ngoại hình, nhưng cô nữ sinh Đào Linh Chi (Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên) vẫn yêu thích múa và luôn ước ao một ngày nào đó được trở thành 'một ai đó'!

Đào Linh Chi (1997) hiện đang là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Đào Linh Chi (1997) hiện đang là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Mình mê múa lắm, có những lúc cảm tưởng như ngôn ngữ múa chính là giọng nói, là hơi thở của mình. Nhưng mình không thể theo học múa chuyên nghiệp từ nhỏ vì gia đình không ủng hộ (hay nói đúng hơn là gia đình không có điều kiện) và ở khoảng thời gian bước ngoặt của tuổi trẻ thì mình lại chưa đủ bản lĩnh và quyết liệt để đưa ra quyết định phù hợp nhất với nguyện vọng của chính mình.

Khi còn là học sinh THPT, gia đình quyết liệt phản đối việc mình theo nghệ thuật, thậm chí mình đã từng “đi thi chui” một vài cuộc thi múa và chỉ đến khi mình đạt giải ở vòng chung kết, bố mẹ mình mới ngỡ ngàng. Lúc chọn ngành học, mình nghe theo lời bố mẹ, chọn theo ngành sư phạm hoặc kinh tế, để khi tốt nghiệp ra trường dễ có công việc ổn định.

Tại sao mình lại chọn Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên?

Vì mình và Khoa Quốc tế bén duyên qua một cuộc thi tài năng (mở rộng dành cho cả sinh viên đại học và học sinh THPT) mình đã đạt giải cao nhất. Từ đó mình thường xuyên góp mặt trong các hoạt động của Khoa Quốc tế dù chưa phải là sinh viên.

Mình yêu thích màu áo xanh tình nguyện và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Ảnh: NVCC

Là một cô gái năng động và cầu tiến, mình luôn thích sự đổi mới và khám phá bản thân. Mặc dù không phải là nơi đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng môi trường học tập và hoạt động phong trào rất năng động ở Khoa Quốc tế rất phù hợp với một người luôn thích khám phá, đổi mới và hội nhập không ngừng như mình.

Ngoài múa, mình còn tham gia biên đạo, MC, mẫu ảnh. Ảnh: NVCC

Khó khăn mà mình cần phải đối mặt là việc duy trì được việc học ở trường song song với các hoạt động nghệ thuật ở ngoài để kiếm thêm thu nhập. Gia đình mình khó khăn nên mọi chi tiêu cá nhân, mình đều phải chủ động. Ban đầu mình đi làm phục vụ tại một nhà hàng, nhưng sau đó mình cảm thấy nó không phù hợp và mình bắt đầu đặt cho ra câu hỏi tại sao mình không kiếm tiền dựa vào thế mạnh của mình? Và từ đó mình bắt đầu tìm kiếm các cơ hội được tham gia các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như lấn sân sang nghề sự kiện - một ngành vừa mới phát triển tại Thái Nguyên.

Mình may mắn nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ của rất nhiều người, tuy nhiên mình vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn khi cùng lúc phải làm quen với rất nhiều vai trò: Diễn viên múa, biên đạo múa, MC, người mẫu ảnh. Những công việc này tuy vất vả nhưng đem lại cho mình nguồn thu nhập ổn định và cơ hội được đi nhiều nơi. Khi thấy mình yêu thích và bước đầu có chút ít thành công với công việc hiện tại, gia đình mình không còn phản đối gay gắt như trước nữa.

Sau một khoảng thời gian trải nghiệm ở rất nhiều các lĩnh vực, mình đã cùng một người bạn đồng hành mở một trung tâm nghệ thuật đào tạo MC nhí với mong muốn giúp các em nhỏ được tiếp cận sớm hơn với các kỹ năng cũng như thay đổi góc nhìn của các bậc phụ huynh về các bộ môn nghệ thuật.

Mình biết có nhiều bạn sinh viên còn vất vả và thành công hơn mình rất nhiều, nhưng mình vẫn mong muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân mình với thông điệp: Hãy luôn có cái nhìn tích cực, lạc quan về cuộc sống, hãy cứ sống hết mình với nhiệt huyết và đam mê. Theo đuổi ước mơ thì không bao giờ là muộn cả, mình dự định sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh sẽ tiếp tục hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và tham gia các khóa học đào tạo biên đạo múa để có cái nhìn sâu và sát hơn về con đường mình đã chọn. Mình mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và cổ vũ tinh thần từ tất cả mọi người.

Đào Linh Chi (Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-guong-mat-sinh-vien/nu-sinh-quan-tri-kinh-doanh-me-nghe-thuat-1627531.tpo