Nữ sinh ở lại Châu Âu, không về nước tránh dịch: 'vì không biết mình có mang mầm bệnh không. Đọc báo thấy nhiều người lên máy bay và lây virus cho người khác, con không muốn như thế'

Ta không nhìn thấy nó, nhưng nó đã hủy diệt hàng ngàn người chỉ trong 1 thời gian ngắn. Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ rồi khắp cả hành tinh đang chống chọi với nó từng giờ, từng phút, chưa thấy xác chết của nó đâu, chỉ thấy xác người và sự tranh giành quyền được sống. Người ta xa lánh nhau, kỳ thị nhau bởi duy nhất 1 cái tên, Virus Corona. Nhưng rồi cũng thật diệu kỳ, giữa cái thế giới đang đảo điên vì dịch bệnh, giữa cái nghi ngút của sự suy sụp về niềm tin, thì lại nổi lên biết bao những tấm gương đẹp đẽ, những con người phi thường cống hiến hết mình để cứu người, dập bệnh.

Không về Việt Nam tránh dịch, cô gái Phạm Châu Giang (18 tuổi, đang học lớp 12 tại thủ đô Vienna) ở lại Áo với lý do "Nhỡ con dính virus lại truyền cho người khác". Cô bé nhắn: "Con rất nhớ bố mẹ, nhưng con sẽ ở lại vì không biết mình có mang mầm bệnh không. Đọc báo thấy nhiều người lên máy bay và lây virus cho người khác, con không muốn như thế".

Thậm chí, vài ngày sau, anh Phạm Đình Quý (bố của Châu Giang) còn "thử" phản ứng của con khi giả vờ "ép" con về Việt Nam khi thấy diễn biến dịch Covid-19 ở Châu Âu ngày càng phức tạp. Nhưng, con gái của anh vẫn kiên định với lựa chọn ban đầu của mình. Châu Giang nói với bố: "Nếu giả dụ ai cũng về Việt Nam, thì bác sĩ và những người làm y tế sẽ kiệt sức mất..."

Theo anh Quý, từ nhỏ cô bé đã có thói quen tự lập, giàu tính thương người, sớm hiểu về những giá trị cuộc sống.

Sống ở Áo một mình, để phòng dịch Covid-19, Châu Giang đã tự may khẩu trang bằng một lớp vải và 5-6 lớp gạc đệm bên trong, nghiêm túc tuân thủ các chỉ dẫn phòng ngừa của chính quyền sở tại. Ngày từ 17/3, Giang được nghỉ học do chính phủ yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học và tiến hành học online với giáo viên trong trường. Cô bé sinh hoạt chủ yếu tại kí túc xá, thi thoảng ra ngoài đi siêu thị ngay sát trường.

Thương con nhưng cũng hết sức tôn trọng quyết định của con, anh Quý đã gửi tới Châu Giang một lá thư đầy ắp yêu thương, vừa là khích lệ con, vừa là động viên chính mình và đồng bào thêm vững vàng trước bệnh dịch và sự biến thiên của đời sống. Dưới đây là lá thư ấy!

Cảm ơn con đã ở lại nơi ấy!

Việc con ở lại không biết là Bố dũng cảm hay con bản lĩnh nữa. Bố chỉ biết rằng Bố thấy thật tự hào về quyết định của con, niềm tự hào đó không phải là tài năng, không phải là trí tuệ, mà nó là tình yêu sâu thẳm trong trái tim con, tình yêu con người với con người, tình yêu với nơi mà con đang sống. Đó là điều quý giá, điều đẹp đẽ nhất trong cuộc đời này con ạ.

Chắc con còn nhớ câu chuyện Bố kể cho con về nhà thiên văn học Sagan. Năm 1990, trong một ngày lễ tình nhân, ông đã yêu cầu tàu vũ trụ Voyager1 chụp cho một bức ảnh trái đất. Từ khoảng cách 6 tỷ km chụp về, nhìn trái đất là một chấm sáng mờ nhỏ như một hạt gạo nằm trong quầng sáng mênh mông của hệ mặt trời và ông đã nói rằng:

"Hãy nhìn cái chấm ấy, đấy là nhà chúng ta. Trên đó có tất cả những người bạn yêu, bạn biết, bạn đã từng nghe nói tới, những ai đã từng sống cuộc đời của mình. Đấy là tập hợp những niềm vui và nỗi đau của chúng ta, hàng nghìn những tôn giáo, ý thức hệ, học thuyết kinh tế, những người hùng và kẻ hèn nhát, những người sáng tạo và kẻ phá hoại nền văn minh, những ông vua và nông dân, những người trẻ đang yêu, những ông bố bà mẹ, những đứa trẻ tràn đầy hy vọng, những nhà sáng chế và thám hiểm, những người giảng giải về đạo đức, những chính trị gia tham nhũng, những siêu nhân, những nhà lãnh đạo tối cao, những vị thánh và kẻ tội đồ trong lịch sử của loài người chúng ta. Tất cả trong một cái chấm nhỏ lơ lửng giữa tia sáng của mặt trời".

"Trái đất chỉ là một điểm rất nhỏ trong một vũ trụ vô cùng rộng lớn. Hãy nghĩ đến những dòng sông máu đã chảy xuống bởi những vị tướng và các hoàng đế đã kiếm tìm vinh quang và chiến thắng để trở thành những kẻ chế ngự một phần nhỏ của cái chấm ấy. Hãy nghĩ đến những bạo tàn không dứt bởi những cư dân ở một góc nhỏ của chấm ấy với những cư dân khác của góc khác. Họ cứ tiếp tục hiểu nhầm nhau, hăng hái chém giết lẫn nhau và cứ gieo rắc những thù hận mãi. Sự giả dối của chúng ta, việc ta tự huyễn hoặc hình ảnh của bản thân mình, nỗi thất vọng rằng trái đất của chúng ta có một vị trí thuận lợi trong vũ trụ, bị thách thức bởi điểm sáng nhạt ấy".

Ông kết luận: "Có lẽ chẳng điều gì thể hiện sự điên rồ của con người bằng hình ảnh thế giới nhỏ bé của chúng ta. Hãy tỏ ra có trách nhiệm khi đối xử với nhau tử tế hơn và cùng bảo vệ cái chấm xanh nhạt ấy, ngôi nhà duy nhất chúng ta từng biết"

Lúc đó bố còn bảo với con: Như bố con mình vượt ra khỏi lũy tre làng, chỉ cần nghe được tiếng quê thôi là cũng thấy thân thương. Khi xa đất nước, chỉ cần nghe 2 từ Việt Nam là thấy lồng ngực mình phập phồng trào dâng cảm xúc. Vậy chỉ khi nào mình được bay thật xa khỏi trái đất, để nhìn ngắm về, lúc đó có lẽ bất kỳ ai, chỉ cần thấy cái "chấm trắng, nhỏ như hạt gạo" ấy thôi là sẽ phải thốt lên "trái đất của chúng ta kìa..."

Trái đất đẹp đẽ là vậy mà ngàn đời nay không hết chiến tranh, không hết dịch bệnh, tất cả chỉ là những sự nhỏ nhoi, lòng tham lam và sự hận thù (như nhà thiên văn học đã nói).

Rồi bố nghĩ, bức ảnh của nhà thiên văn học Sagan ấy có lẽ vẫn chưa đủ để chuyển tải và đánh thức tình yêu thương, giá trị nhân văn trong mỗi con người, mà phải có một cuộc chiến tranh từ ngoài hành tinh đến với trái đất này, lúc đó con người mới thấy được nguy cơ, mới nhìn nhận được sự cần thiết phải có nhau trên thế gian này, biết nắm tay nhau, biết yêu thương nhau để chống lại kẻ thù, bảo vệ sự sống, bảo vệ trái đất thân yêu.

Hôm nay (năm 2020) thì có lẽ kẻ thù ngoài hành tinh ấy đã xuất hiện, Virus Corona (nCovid - 19) Nó không phải là 1 loại động vật siêu nhân đến với trái đất bằng đĩa bay, bằng tên lửa, bằng đầu đạn hạt nhân hay quyền năng siêu phàm nào cả, mà nó đến với chúng ta bằng 1 hình hài siêu vi, nó không có mắt, không có mồm và không có cả não. Ta không nhìn thấy nó, nhưng nó đã hủy diệt hàng ngàn người chỉ trong 1 thời gian ngắn. Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ rồi khắp cả hành tinh đang chống chọi với nó từng giờ, từng phút, chưa thấy xác chết của nó đâu, chỉ thấy xác người và sự tranh giành quyền được sống. Người ta xa lánh nhau, kỳ thị nhau bởi duy nhất 1 cái tên, Virus Corona.

Nhưng rồi cũng thật diệu kỳ, giữa cái thế giới đang đảo điên vì dịch bệnh, giữa cái nghi ngút của sự suy sụp về niềm tin, thì lại nổi lên biết bao những tấm gương đẹp đẽ, những con người phi thường cống hiến hết mình để cứu người, dập bệnh. Từ Vũ Hán đến Daegu, từ Iran đến Ý, đến Đức rồi Mỹ... Biết bao hình ảnh xúc động về tình yêu thương giữa con người với con người, họ chiến đấu như thể dành cho nhau từng hơi thở. Họ ôm nhau, họ tặng nhau niềm tin bằng những bản nhạc, những câu hát từ trái tim mình...

Bố chợt nhận ra con virus corona kia có phải là kẻ thù? Hay nó là một thiên sứ thiện lương đang bay tới? Bố không biết nữa, chỉ biết thế giới đang xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và yêu thương nhau hơn.

Còn Việt Nam mình thì sao? Thật tuyệt vời phải không con. Nếu ví thế giới này như một cánh đồng thì Việt Nam ta như một lũy tre còn sót lại hiên ngang giữa đồng trước siêu bão Corona.

Hôm nay cơn bão còn chưa qua và có thể còn nhiều cơn bão khác, nhưng chắc chắn với một truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường, Việt Nam sẽ không chỉ luôn chiến thắng mà còn xây dựng lên hình mẫu một xã hội hòa bình, bác ái.

Mỗi lần bố nhớ về con, tự hào về con bố đều cảm thấy bố con mình thật may mắn khi được sinh ra từ làng quê nghèo Khoái Châu - Hưng Yên. Làng quê ấm tình người đã nuôi dưỡng bố con mình, ban tặng cho bố con mình 1 món quà vô giá. Để rồi hôm nay mỗi bước ta đi là sự khát khao được sẻ chia, được yêu thương, giúp đỡ.

Làng quê đó còn rất nghèo, đất nước đó không có nhiều của cải và những thứ tối tân, nhưng có 1 thứ mà chẳng máy móc có thể sản xuất được, thứ mà cả thế giới đang rất cần. Đó là tình yêu thương đấy con ạ!

Yêu con!

PV

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nu-sinh-o-lai-chau-au-khong-ve-nuoc-tranh-dich-vi-khong-biet-minh-co-mang-mam-benh-khong-doc-bao-thay-nhieu-nguoi-len-may-bay-va-lay-virus-cho-nguoi-khac-con-khong-muon-nhu-the-520202032394275.htm