Nữ sinh nói dối khiến thầy giáo Pháp bị chặt đầu

Nữ sinh 13 tuổi thừa nhận đã đưa ra thông tin sai sự thật về thầy giáo Paty - người bị chặt đầu sau khi cho học sinh xem tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed.

AFP đưa tin vào ngày 9/3, một nữ sinh giấu danh tính khai báo với cảnh sát rằng mình đã nói dối về việc có mặt trong lớp học của thầy giáo lịch sử Samuel Paty.

Học sinh này cho biết mình đã kể sai sự thật về việc thầy giáo yêu cầu các học sinh Hồi giáo rời khỏi lớp trước khi đưa ra các bức tranh về nhà tiên tri Mohammed.

Cha của nữ sinh này đã dựa vào lời kể của con gái để đăng những video kích động trên Facebook và làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp.

Những bài đăng này được xem là nguyên nhân phần tử Hồi giáo cực đoan Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, biết đến sự việc và sát hại thầy giáo hồi tháng 10/2020.

 Thầy Samuel Paty bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại vào tháng 10/2020. Ảnh: Reuters.

Thầy Samuel Paty bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại vào tháng 10/2020. Ảnh: Reuters.

Các cá nhân đăng video trên Facebook đã bị buộc tội "đồng lõa giết người" và đang chờ xét xử. Trong khi đó, nữ sinh 13 tuổi nêu trên đã bị buộc tội vu khống.

Theo lời biện hộ từ luật sư của nữ sinh, ông Mbeko Tabula, nữ sinh này đã nói dối vì em cảm thấy bị “mắc kẹt” khi các bạn cùng lớp liên tục yêu cầu em làm “người phát ngôn”.

Tuy nhiên, luật sư của gia đình nạn nhân, bà Virginie Le Roy bày tỏ bức xúc: "Người phát ngôn về cái gì cơ chứ? Về những thứ dối trá, về những sự kiện chưa từng xảy ra? Lời giải thích này không hề có tính thuyết phục và khiến tôi càng tức giận vì những hậu quả thực tế nghiêm trọng”.

Ông Samuel Paty là giáo viên trung học ở một thị trấn gần Paris. Ông đã bị giết vào tháng 10/2020 bởi một thiếu niên gốc Chechnya cực đoan sau khi cho học sinh xem tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed trong lớp học về quyền tự do ngôn luận.

Trong đức tin của người theo đạo Hồi, việc mô tả nhà tiên tri thông qua hình vẽ và tranh ảnh bị xem là điều cấm kỵ và mang tính báng bổ.

Vụ việc đã làm chấn động nước Pháp và gây ra những tranh cãi về quyền tự do ngôn luận, sự hòa nhập của cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp. Đồng thời, nó cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của truyền thông xã hội trong việc kích động thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-sinh-noi-doi-khien-thay-giao-phap-bi-chat-dau-post1191479.html