Nữ sinh miền biển và bí quyết chinh phục 13 học bổng đại học ở Mỹ

Xã miền biển Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức lễ 'vinh quy bái tổ' cho nữ sinh Phan Thị Hạnh, người con quê hương xuất sắc dành 13 học bổng danh giá của 13 trường đại học hàng đầu của Mỹ.

Buổi gặp mặt có chương trình ca nhạc “cây nhà lá vườn”, có sự chia vui của các bậc phụ huynh và không thể thiếu nụ cười hạnh phúc của nữ sinh Phan Thị Hạnh.

Những ngày đầu hè 2018, cái tên Phan Thị Hạnh bỗng nổi như “cồn” với thành tích “vô tiền khoáng hậu” ở vùng đất này, khiến ai cũng khâm phục. Sở hữu khuôn mặt ưa nhìn, cùng giọng nói đậm chất miền biển, khả năng diễn thuyết tiếng Anh tuyệt vời, Hạnh trở thành tâm điểm của đám đông, mỗi khi mình có mặt. 13 suất học bổng từ 13 trường đại học hàng đầu của Mỹ là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực của nữ sinh này.

Phan Thị Hạnh

“Cai nghiện” Smartphone và nỗ lực cải thiện tiếng Anh

Theo nữ sinh Phan Thị Hạnh chia sẻ, em từng là một “con nghiện” Smartphone, phần lớn thời gian của mình, Hạnh dành để dùng điện thoại. Mọi thứ cứ trôi qua vô bổ, kể cả khi cập nhật thông tin không cần thiết, Hạnh vẫn chăm chú vào điện thoại của mình. Đây cũng là thực trạng chung đối với bạn bè của Hạnh. “Nhận thấy, bản thân bỏ qua quá nhiều thời gian, ban đầu em giảm thời gian cầm điện thoại và sau đó là quyết tâm “cai nghiện”. Khó chịu lắm, không dùng điện thoại là em thấy thiếu cái gì đó. Để khỏa lấp nỗi buồn, em trò chuyện, trao đổi thông tin với bạn bè và tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường”, Hạnh chia sẻ.

Nữ sinh Phan Thị Hạnh (giữa).

Không chỉ “nghiện” điện thoại, Hạnh từng tự ti với khả năng tiếng Anh của mình. Đậu vào trường Chuyên Đại học Vinh, cô gái miền biển Cương Gián lên kế hoạch luyện tập cho bản thân. Hạnh cho biết: “Em thích môn tiếng Anh từ khi còn học cấp 2, bởi lẽ, giỏi tiếng Anh là em có thể giao lưu với các bạn trên thế giới, biết về nền văn hóa của các quốc gia. Vào lớp 10, em sống xa nhà nên phải thuê phòng trọ, mỗi ngày em đều dành thời gian để luyện kỹ năng nghe, phát âm. Mấy bạn cùng phòng cười vì em phát âm giọng địa phương khiến người khác không thể nghe lại được. Em xem đó là thiếu sót cần khắc phục và chăm chỉ hơn. Em sẵn sàng đọc, giao lưu tiếng Anh với mọi người để hoàn thiện bản thân, kể cả khi em ngồi trên xe buýt về quê. Kết quả mà em nhận được từ sự nỗ lực rèn luyện của mình là em đạt điểm cao trong các kỳ thi IELTS và SAT”.

Chính sự nỗ lực của bản thân, bài luận về sự ảnh hưởng của Smartphone đối với giới trẻ được Hạnh trình bày bằng tiếng Anh là một trong những điểm sáng trong hồ sơ của em. Trong bài luận của mình Hạnh nhấn mạnh vào việc, dùng công nghệ để thay đổi hướng phát triển của công nghệ Smartphone sao cho có thể làm giảm đi tình trạng phụ thuộc vào Smartphone trong giới trẻ.

Bí quyết “săn” học bổng

“Bên cạnh việc phải có kết quả học tập tốt, bài luận viết tốt thì hoạt động ngoại khóa cũng vô cùng quan trọng. Nhiều bạn tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ của mình nhưng đối với em, em chọn các hoạt động ngoại khóa nhất định. Bởi em nghĩ, năng lực mình có hạn nên chỉ tập trung vào một số hoạt động ngoại khóa và xác định hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời gắn liền với hoạt động đó lâu dài. Ngoài ra, em làm quen với các bài thi chuẩn hóa tìm hiểu trường qua website, viết luận… Đó chính là bí quyết của em”, Phan Thị Hạnh chia sẻ thêm.

Phan Thị Hạnh trong niềm vui và sự chúc mừng của gia đình và người dân miền biển Cương Gián.

Với những bộ hồ sơ của mình, Phan Thị Hạnh liên tiếp nhận được những lá thư trúng tuyển đến từ các trường đại học của Mỹ. Đặc biệt, trường đại học Ohio Wesleyan University dù đã hết suất học bổng dành cho sinh viên nhưng vẫn bị bộ hồ sơ ấn tượng của Hạnh chinh phục và quyết định cấp thêm học bổng.

Sau khi cân nhắc, Hạnh quyết định theo học ngành Computer Science tại Depauw University - trường có thứ hạng cao về các ngành khoa học xã hội, ngôn ngữ, sinh học và xếp hạng 53 trong hệ thống National Liberal Arts College với mức học bổng 36.000 USD/năm (gần 900 triệu đồng).

Phan Thị Hạnh và mẹ

“Học bổng này tương đương 80% học phí nên phần còn lại em sẽ phải chi trả. Em dự định sẽ tìm việc làm thêm để có thể trang trải một phần chi phí sinh hoạt ngoài phần hỗ trợ của gia đình. Bởi theo học ngành khoa học máy tính là ước mơ từ nhỏ của em. Nhiều người nói, ngành này sẽ rất hạn chế đối với con gái nhưng em nghĩ mình sẽ làm tốt. Bước đầu, em sẽ học hỏi về phong tục tập quán địa phương nơi em theo học để sang bên đó dễ hòa nhập hơn. Việc tiếp tục thực hiến kế hoạch cho ra đời một công nghệ mới giúp cho người dùng smartphone ít hơn nhưng hiệu quả hơn”, Hạnh chia sẻ về dự định của bản thân.

Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, nữ sinh Phan Thị Hạnh (SN 2000) sẽ viết tiếp những câu chuyện đẹp trên con đường học tập và sự nghiệp sau này của mình. Và Hạnh sẽ là một điểm sáng cho những học sinh khác noi theo.

Cảnh Huệ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nu-sinh-mien-bien-va-bi-quyet-chinh-phuc-13-hoc-bong-dai-hoc-o-my-1299601.tpo