Nữ sinh mang bầu, bi kịch những bà mẹ tuổi teen bất đắc dĩ

Có em chỉ 13-14 tuổi nhưng đã mang thai 19-20 tuần tuổi mà mẹ không biết, đến khi bác sĩ 'bắt bệnh' thì mới té ngửa người.

13-15 tuổi, mang thai, sinh con

Cơ quan công an Phú Thọ ngày 8/5 cho biết, liên quan đến thông tin về việc nam sinh ở trường THPT Phong Châu (Lâm Thao) có quan hệ với 4 nữ sinh khiến cả 4 đều mang bầu, cơ quan này đã xác minh vụ việc.

Kết quả bước đầu cho thấy, nam sinh lớp 10 chỉ làm một bạn nữ mang thai. Tháng 4/2018, nữ sinh này đã sinh con.

Trường THPT Phong Châu, Lâm Thao (Phú Thọ)

Trường THPT Phong Châu, Lâm Thao (Phú Thọ)

Công an xác định thời điểm hai người quan hệ tình dục, nam sinh dưới 16 tuổi, còn nữ sinh chỉ 14 tuổi 10 tháng.

Trước đó, tại Bảo Yên, Lào Cai, kết quả giám định ADN cho thấy thai nhi trong bụng nữ sinh lớp 8, Trường THCS số 2 Thượng Hà, có quan hệ huyết thống với thầy giáo Nguyễn Việt Anh khiến nhiều người bức xúc, lo lắng. Đến nay, thai đã được 14 tuần.

Theo tố cáo của gia đình nữ sinh, từ năm 2017, khi đang học lớp 7, nữ sinh này đã bị thầy Việt Anh quan hệ tình dục nhiều lần. Sự việc vỡ lở khi nữ sinh này mang thai 3 tháng.

Mang thai sớm (trước 18 tuổi) không phải là chuyện lạ ở Việt Nam. Theo giới chuyên môn, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên ngày càng sớm. Các trường hợp 12-13 tuổi có thai không còn hiếm, cá biệt có em chỉ mới 11 tuổi.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết không ít trường hợp các bà mẹ đưa con đến viện để khám phụ khoa vì nghĩ con bị rối loạn kinh nguyệt nên chậm kinh, bị u nên bụng trướng nhưng sau đó, bác sĩ đã chuyển thẳng bệnh nhân sang khoa sản vì nghi ngờ có thai.

Có em chỉ 13-14 tuổi nhưng đã mang thai 19-20 tuần tuổi mà mẹ không biết, đến khi bác sĩ “bắt bệnh” thì mới biết.

Những nguy cơ trước mắt với những bà mẹ tuổi teen mang thai 'bất đắc dĩ'

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mang thai ở tuổi vị thành niên có nhiều hệ lụy, người mẹ chưa phát triển đầy đủ để nuôi dưỡng thai nhi, kéo theo nhiều nguy cơ tai biến sản khoa như: tiền sản giật, sản giật, chảy máu… cũng cao hơn.

“Đối với những người mang thai tuổi 18-19 nguy cơ thai nghén cao, dễ bị các tai biến thai nghén”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Còn theo Quỹ dân số Liên Hợp quốc, làm mẹ lần đầu khi tuổi còn quá trẻ khiến các em chịu những nguy cơ tử vong và thương tật cao. Thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, mang thai ở tuổi vị thành niên có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn.

Trẻ sinh ra bởi các mẹ vị thành niên có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Ngoài ra, so với các bà mẹ sinh con ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với nhóm dưới 15 tuổi.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cũng cho hay, các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao hơn gấp 3 lần so với các nhóm khác.

Do trước khi mang bầu, các em chưa bao giờ được học và chuẩn bị tốt về sức khỏe và tâm lý làm mẹ. Điều này khiến các em không biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, các vitamin, khoáng chất cần thiết cho bản thân và thai nhi.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Thái Hà, Hà Nội) cho biết, nếu phát hiện mang bầu khi đã quá muộn hoặc biết mang thai nhưng không thông báo sớm với người thân, các cô gái tuổi teen thường bỏ lỡ mất 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là khoảng thời gian cần được thăm khám và quan tâm đặc biệt.

Đến khi sinh nở, khung chậu trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ nên quá trình sinh đẻ gặp nhiều khó khăn, phần lớn phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

Trẻ vị thành niên có thai dễ bị trầm cảm sau sinh. "Làm mẹ sớm, các cô gái trẻ dễ gặp căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các cô gái trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, suy nhược cơ thể trầm trọng" - BS Dung cho biết.

Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, đa số trường hợp mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên bị ảnh hưởng tâm lý, vượt qua cuộc sinh nở khó khăn cũng như cơn đau đẻ chưa từng có, khiến tâm lý của các sản phụ vị thành niên trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào hoang mang, trầm cảm.

Theo đó, chứng trầm cảm sau sinh dao động từ 7-37%. Tỉ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm sau sinh gia tăng cao trong 3 tháng đầu sau sinh.

Quỳnh An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/nu-sinh-mang-bau-bi-kich-nhung-ba-me-tuoi-teen-bat-dac-di-20190509095739321.htm