Nữ sinh lớp 12 đang khỏe mạnh bất ngờ đột quỵ, hôn mê sâu

Liên tiếp trong những ngày gần đây, nhiều bệnh viện tiếp nhận các ca đột quỵ ở người trẻ tuổi, không có bệnh lý nền và không có dấu hiệu báo trước…

Theo thông tin do bệnh viện cung cấp ngày 12/4, bệnh nhân là em B.K. (18 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An). Người nhà cho biết, em B.K vốn khỏe mạnh, buổi trưa mấy hôm trước, sau khi đi học về, em K. vào phòng tắm thay quần áo, khi vừa ra ngoài thì rơi vào tình trạng bất tỉnh, co giật mạnh và hôn mê sâu. Khi thấy con gái không có phản ứng, gia đình lập tức đưa em tới một bệnh viện đa khoa tư nhân.

Sau khi có kết quả chụp CT não, bác sĩ bệnh viện xác định K. bị đột quỵ do xuất huyết não, máu đọng trong não thất và cần phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Lúc này, bệnh nhân hôn mê sâu, liệt nửa người trái, phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản.

Bệnh nhân B.K. qua cơn nguy kịch sau phẫu thuật, đang tiếp tục điều trị. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Bệnh nhân B.K. qua cơn nguy kịch sau phẫu thuật, đang tiếp tục điều trị. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Ê-kíp phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất ra ngoài và cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết sau khi loại trừ nguyên nhân dị dạng mạch máu não. Kết quả chụp CT kiểm tra sau mỗi 24 giờ cho thấy thấy khối máu trong não thất tan nhiều và lưu thông dịch não tủy ổn định trở lại. Hiện tại, bệnh nhân có thể vận động tứ chi, tỉnh táo, nói tốt, sức cơ bên trái cải thiện.

Trước đó, một ca đột quỵ cũng xảy ra ở người rất trẻ. Đang ở công ty, một nữ công nhân 25 tuổi bất ngờ nói khó, yếu tay chân vì bị cục máu đông làm tắc mạch máu não, dẫn đến đột quỵ. Bệnh nhân được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Đà Nẵng khi đã rối loạn tri giác, liệt nửa người bên phải, BS. Dương Quang Hải, Phó trưởng khoa Đột quỵ, BV Đà Nẵng nhớ lại. Cô gái nhanh chóng được chụp CT sọ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối trong vòng chưa đầy 30 phút, kể từ lúc nhập viện. Mặc dù vậy, mạch máu bị tắc chưa được tái thông.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh sau đó cho thấy, bệnh nhân bị hẹp nặng gốc động mạch cảnh trong trái (ở cổ) và tắc hoàn toàn động mạch não giữa trái. Các bác sĩ tiếp tục can thiệp nội mạch, nong và đặt stent vào gốc động mạch cảnh, lấy cục máu đông ra an toàn bằng dụng cụ lấy huyết khối. Như vậy, để cứu bệnh nhân, các bác sĩ phải áp dụng đồng thời cả 3 kỹ thuật, thay vì 1 hoặc 2 phương pháp như thông thường.

Sau 5 ngày can thiệp, tri giác bệnh nhân cải thiện nhanh, sức cơ phục hồi dần. Hiện, cô tỉnh táo, vận động độc lập, chỉ cảm giác hơi yếu nửa người bên phải, và đã xuất viện.

Ở bệnh nhân này, nguyên nhân đột quỵ là do dị tật hẹp động mạch cảnh bẩm sinh. Khi máu đi từ tim qua đây lên não, bị tắc lại và hình thành cục máu đông. Cục máu đông di chuyển lên não, gây tắc mạch, hay nhồi máu não. Trước đó, cô chưa từng có dấu hiệu cảnh báo nào.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi bị đột quỵ (gồm xuất huyết và tắc mạch máu não) chiếm khoảng 15-20%, khá cao. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, như dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp, phình mạch máu não, hoặc người bệnh bị tim bẩm sinh, bệnh lý miễn dịch...

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có các dấu hiệu của đột quỵ cấp, gồm méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó, mất thăng bằng... người thân nên gọi xe cứu thương để đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Với trường hợp đột quỵ do xuất huyết não, bệnh nhân chỉ được cấp cứu và hồi phục tốt nhất trong thời gian vàng (3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ).
Không nên vì bất cứ lý do gì làm trì hoãn thời gian bệnh nhân tiếp cận y tế. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế suốt đời.

Lê Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nu-sinh-lop-12-bi-dot-quy-sos-n189888.html