Nữ sinh Hà Nội bị đánh hội đồng: Yếu tố nào giúp kiểm soát bạo lực học đường?

Một nữ sinh Hà Nội bị đánh hội đồng và clip được tung lên mạng ngay tuần đầu đi học sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Bạo lực học đường ngày càng trở nên đáng lo ngại. Vậy giải pháp nào để kiểm soát vấn nạn này?

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Vạnlý do dẫn tới bạo lực học đường

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 2.000 vụ học sinh đánh nhau cả trong và ngoài lớp học. Trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam vẫn còn khoảng 5 vụ học sinh đánh nhau, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT. Các nghiên cứu dịch tễ cho biết, tỷ kệ bạo lực học đường có xu hướng trẻ hóa từ 10 đến 15 tuổi so với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng 10 lần. Các vụ bạo lực trên thực tế hiện nay đang trở nên phức tạp hơn dưới ảnh hưởng của phim ảnh trên mạng, game bạo lực và nhiều hình thức bắt nạt trên mạng xã hội.

Sự việc mới nhất được xác nhận liên quan tới nhóm học sinh của Trường THCS Sen Phương, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Các em đánh bạn chỉ vì lời qua tiếng lại trên mạng xã hội. Cùng với nhiều vụ việc tương tự đã cho thấy, kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường của một bộ phận học sinh hiện nay còn nhiều hạn chế.

Bạo lực học đường, câu chuyện không mới nhưng luôn gây nhức nhối với xã hội bởi nó liên quan trực tiếp đến giới trẻ. Cần khẳng định, vấn nạn này để lại những hậu quả đau lòng về mặt tâm lý xã hội và gây ảnh hưởng nặng nề với cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý về những vụ bạo lực học đường, hầu hết trẻ gây ra bạo lực học đường hay trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường đều do trẻ thiếu kỹ năng sống để ứng phó trước những hoàn cảnh bạo lực cụ thể. Đó chính là các kỹ năng sống, cách ứng xử, hành vi, lời nói để thoát ra khỏi những bế tắc trong các tình huống nảy sinh bạo lực như bắt nạt, cô lập, hành hung...

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Giáo dục gia đình tác động hành vi của trẻ

Để giải quyết các vấn đề bạo lực học đường, các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần sự chung tay, chung sức của các bậc cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm và các lực lượng giáo dục trong nhà trường cũng như các lực lượng chức năng trong xã hội. Đặc biệt, cha mẹ cần nắm rõ tâm sinh lý lứa tuổi của con mình, cần quan tâm tới các con một cách toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để tránh xa bạo lực học đường và tự bảo vệ mình.

Về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm giáo dục trẻ Hà Đông cho rằng, lứa tuổi học sinh chưa ổn định về mặt cảm xúc, dễ bị xáo trộn, kích động dẫn đến những hành vi tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng cân bằng tâm lý, kỹ năng kiểm soát cảm xúc để làm chủ và ứng phó với hệ lụy do bạo lực học đường.

“Học sinh thường rất coi trọng tình bạn, chỉ cần một chút bất hòa cũng làm cho trẻ mất ăn mất ngủ, thậm chí rơi vào trạng thái căng thẳng. Vì thế, cha mẹ cần dạy con cân bằng tâm lý bằng cách tránh trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực học đường, là một trong những nguyên nhân dẫn tới trầm cảm và nguy cơ dẫn đến các vụ tự tử.”, ThS. Nguyễn thị Bình nhấn mạnh.

Còn theo TS. BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm nghệ thuật Atelier Minh, nhiều trẻ xu hướng bạo lực nơi trường học thường có cuộc sống trong gia đình không mấy êm đẹp. Có thể trẻ sống trong gia đình bố mẹ quá khắt khe, hoặc bố mẹ hay cãi vã, dùng bạo lực để dạy dỗ con cái,… là những nguyên nhân hàng đầu tạo xu hướng bạo lực của trẻ khi ở trường. Bởi vậy, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc dạy kỹ năng, làm gương và hướng trẻ tránh xa bạo lực học đường.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các nhóm bạn học tiếng Anh, nhóm bạn học tập, nhóm bạn học các lớp nghệ thuật để con vừa có động lực học tập, tâm hồn cởi mở thoải mái, vừa là công cụ hiệu quả để phòng chống bạo lực học đường. Việc duy trì và phát triển sự thân thiết trong các mối quan hệ bạn bè giúp trẻ tương tác với nhau tích cực hơn. Kỹ năng này giúp trẻ biết chọn bạn mà chơi, tránh được những xung đột, gây sự, “đọc vị” được những người bạn “trái tính trái nết” để luôn vui vẻ, an toàn khi chơi cùng chúng bạn ở trường.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Chú trọng công tác tư vấn tâm lý học đường

Hiện nay, bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, của nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các điều tra gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.

Việc phòng chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng đặc biệt là gia đình và nhà trường.

Theo TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Giáo dục (Học viện quản lý giáo dục), nhà trường cần tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh. Các thầy cô giáo phải chú ý để không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp. Bênh cạnh đó, các thầy cô giáo phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu tâm lý ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

ThS Phạm Bích Diệp (phòng Tham vấn tâm lý, Trường THCS – THPT Ban Mai, Hà Nội) khẳng định nhu cầu ngày càng cấp thiết của hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học thời điểm hiện nay. Đồng thời nhấn mạnh, tốt nhất là cần có cán bộ tham vấn tâm lý chuyên trách, được đào tạo bài bản làm công tác tham vấn tâm lý trong mỗi trường học.

Người làm công tác tham vấn tâm lý học đường cần là một người hết sức tâm lý, sẵn sàng lắng nghe; có tâm và lòng nhiệt tình, yêu trẻ; tôn trọng cái tôi và chấp nhận sự khác biệt, cá tính của mỗi cá nhân; nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề tham vấn tâm lý; kiên nhẫn, kiên trì, bền bỉ.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, các phòng tư vấn tâm lý học đường của nhiều cơ sở giáo dục hiện nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả và còn mang tính hình thức. Tương tự, các hoạt động khích lệ trẻ phản ánh hành vi bạo lực, xâm hại trong trường học được tổ chức chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Nếu chúng ta thực hiện tốt, bài bản công tác tư vấn tâm lý học đường chắc có lẽ những sự việc tương tự sẽ được giải quyết sớm hơn và tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nu-sinh-ha-noi-bi-danh-hoi-dong-yeu-to-nao-giup-kiem-soat-bao-luc-hoc-duong-j0JPfp8Mg.html