Nữ sinh 'chê' ngành công trình khô khan: Quan niệm quá lạc hậu!

Thí sinh nữ thường quay lưng với ngành kỹ thuật công trình là bởi ngành học này và các công việc liên quan thường bị mặc định là khô khan, đòi hỏi nhiều thể lực. Tuy nhiên, quan niệm này đã quá lạc hậu trong xã hội hiện nay.

TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng khoa Công trình ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, công trình là ngành truyền thốngcủa nhà trường, đã đào tạo được 75 năm. Sinh viên học ngành này ngoài kiến thức chuyên môn còn được ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện công việc.

Hiện nay nhà trường đã xây dựng thành công hệ thông tin xây dựng (BIM), ứng dụng của BIM có thể mô hình hóa 3D công trình xây dựng ở các khâu như thiết kế, thi công trong quản lý. Nó giúp sinh viên nâng cao năng suất lao động, chất lượng, công việc, qua đó thu hút nhà tuyển dụng với nhân lực chất lượng cao.

Trước thắc mắc khoa công trình có sinh viên nữ theo học không và cơ hội việc làm với sinh viên nữ ra sao, TS. Ngô Thị Thanh Hương cho biết: “Bản thân tôi cũng là cựu sinh viên của khoa Công trình. Tỷ lệ nữ ở khoa dao động tùy từng khóa khoảng 5-7%. Có một số công ty, doanh nghiệp đến đặt hàng tại khoa chúng tôi lại mong muốn có sinh viên nữ nhưng thực tế lại khá hiếm sinh viên nữ. Các bạn nữ hoàn toàn có thể lựa chọn khoa chúng tôi nếu có đam mê và thật sự mong muốn.

Sở dĩ các thí sinh nữ thường quay lưng với tuyển sinh ngành kỹ thuật công trình là bởi ngành học này và các công việc liên quan thường bị mặc định là khô khan, đòi hỏi nhiều thể lực. Tuy nhiên, quan niệm này đã quá lạc hậu trong xã hội hiện nay.

Trên thực tế, kỹ thuật công trình nói riêng và nhóm ngành kỹ thuật nói chung hầu như không tồn tại hạn chế về giới tính. Thậm chí, ở nhiều khía cạnh, nhân sự nữ còn bộc lộ ưu thế nổi trội hơn hẳn so với “cánh mày râu” nhất là ở sự tỉ mỉ và cẩn trọng”.

Về chuyên ngành thông tin xây dựng tại trường, cô Ngô Thị Thanh Hương chia sẻ: “Trường đang ứng dụng chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, sinh viên có kiến thức xây dựng và trang bị công nghệ thông tin ở mảng tương xứng với ngành kỹ thuật thiết kế thi công và quản lý.

Trước đây, khi dùng công cụ thông thường thực hiện hạng mục công việc có sự rời rạc ở hồ sơ thiết kế và thi công. Hiện nay với công cụ BIM, có thể mô hình hóa công cụ 3D một cách rất trực quan, liên kết giữa dữ liệu từ khảo sát đến thiết kế, thi công và quản lý công trình”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Học ngành quy hoạch và kỹ thuật giao thông vận tải thì sinh viên được trang bị kiến thức như thế nào để phục vụ công việc trong tương lai?

Trả lời về vấn đề này, cô Ngô Thị Thanh Hương cho biết, với ngành quy hoạch và kỹ thuật giao thông vận tải ngoài năng lực chuyên môn của kỹ sư với giao thông thì sinh viên được trang bị thêm mảng quy hoạch giao thông hướng tới quá tình vận hành trong tương lai hệ thống giao thông thông minh.

Nếu một sinh viên khi vào trường chưa có năng lực công nghệ thông tin thì nhà trường có đào tạo mặt bằng chung về công nghệ thông tin. Nhất là với giao thông thông minh, trang bị chuyên môn, học phần mang tính cơ bản về công nghệ thông tin và học phần ứng dụng cho mảng về chuyên môn, thực hiên đồ án liên quan đến sử dụng công nghệ thông tin.

Hiện nay nhà trường liên kết đào tạo với trên 30 trường trên thế giới trong đó có cả những trường ở Đức, Mỹ, Anh, Nhật … Hằng năm nhà trường dành chỉ tiêu cho sinh viên tham gia vào lớp dự tuyển du học. Khi tham gia lớp này sinh viên được học tiếng tại trường và đưa sang các trường ĐH ở nước ngoài.

Như năm 2020, có 30 suất học dự tuyến du học Pháp, khi học ở Pháp sinh viên được miễn 100% học phí và miễn 50% chi phí ăn ở và đi lại. Năm nay cũng có 50 chỉ tiêu du học Đức, cũng như thế, du học sinh sẽ được miễn học phí, quá trình học và thực hành sinh viên còn được hưởng lương.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/con-gai-co-nen-hoc-khoi-nganh-cong-trinh-khong-253985.html