Nữ sĩ quan mũ nồi xanh Liên hợp quốc đầu tiên của Việt Nam

Cuốn sổ hành trình của lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam lại có thêm một điểm nhấn mới khi vừa qua, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, cán bộ của Trung tâm GGHB Việt Nam đã nhận quyết định của Chủ tịch nước và trở thành sĩ quan nữ đầu tiên của Việt Nam chuẩn bị đi làm nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Xu-đăng.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga và các nam sĩ quan quân đội các nước trong khóa tập huấn sĩ quan điều phối các hoạt động quân dân sự tại Xri Lan-ca vào tháng 9-2016.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga và các nam sĩ quan quân đội các nước trong khóa tập huấn sĩ quan điều phối các hoạt động quân dân sự tại Xri Lan-ca vào tháng 9-2016.

Cuốn sổ hành trình của lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam lại có thêm một điểm nhấn mới khi vừa qua, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, cán bộ của Trung tâm GGHB Việt Nam đã nhận quyết định của Chủ tịch nước và trở thành sĩ quan nữ đầu tiên của Việt Nam chuẩn bị đi làm nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Xu-đăng.

Chọn mặt gửi vàng

Từng không ít lần tiếp xúc với Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga qua những sự kiện do Trung tâm GGHB Việt Nam tổ chức, nhưng khi biết tin Hằng Nga được cử đi công tác tại Nam Xu-đăng, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Điện thoại qua lại đôi lần mới biết đối với bản thân nữ sĩ quan sinh năm 1981 này, con đường đến với chiếc mũ nồi xanh GGHB Liên hợp quốc (LHQ) quả thực cũng là một cơ duyên bất ngờ.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, năm 2004, Hằng Nga nhập ngũ và tám năm sau đó được chuyển ngạch sĩ quan. Thiếu tá Hằng Nga chia sẻ, trước đây chị chưa từng tham gia công tác đối ngoại quốc phòng. Quãng thời gian làm việc tại Phòng Tham mưu - Kế hoạch thuộc Trung tâm GGHB Việt Nam, công việc thường nhật của chị gắn liền với mảng công nghệ thông tin, cụ thể là phụ trách website và mạng Lan của đơn vị. Sau khi Bộ Quốc phòng có chủ trương cử nữ sĩ quan tới các phái bộ GGHB LHQ, chỉ huy đơn vị nhận thấy Nga có nhiều tố chất của một người làm đối ngoại, và thế là chị được “chọn mặt gửi vàng”.

Cũng từ đây, Thiếu tá Hằng Nga được ưu tiên giảm bớt gánh nặng chuyên môn tại đơn vị để có thể toàn tâm toàn ý cho công tác chuẩn bị tới Nam Xu-đăng. Suốt hơn một năm qua, cuộc sống của chị gắn liền với các chuyến đi tập huấn về GGHB ở nhiều quốc gia như Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xri Lan-ca, U-gan-đa. Những chuyến bay liên tục ấy đã bổ sung cho chị kiến thức cơ bản trong lĩnh vực GGHB LHQ, những bài học về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, mà chị tin rằng có thể áp dụng vào thực tế tại Nam Xu-đăng trong tương lai không xa. Chẳng hạn như ở Hà Lan, chị được học về chuyên ngành quan sát viên quân sự, ở Hàn Quốc là những buổi thực hành lái xe hai cầu, cách xử lý trong trường hợp xe hỏng hóc giữa đường, phương pháp tự sơ cứu cho mình và người khác... Hay gần đây nhất, Hằng Nga đã tham gia khóa học dành riêng cho phái nữ tại Trung Quốc. Tất cả đều là những bài học bổ ích, sát với thực tế tại phái bộ.

Do trước đây làm công việc ít liên quan tới ngoại ngữ, nên việc học tiếng Anh cũng là một thử thách không nhỏ đối với Hằng Nga. Nhưng nhờ được liên tục tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ do các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Mỹ, Ô-xtrây-li-a trực tiếp đứng lớp và sự động viên, giúp đỡ của các đồng nghiệp từng công tác tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi, đến nay Hằng Nga cũng đã vượt qua các bài kiểm tra theo yêu cầu ngặt nghèo của LHQ.

Sở dĩ phải trang bị kiến thức thật tốt, bởi theo tiết lộ của Thiếu tá Hằng Nga, tới đây khi sang công tác tại Sở chỉ huy phái bộ Nam Xu-đăng, tính sơ sơ chị phải đảm đương từ 12 đến 15 đầu việc. Với vai trò là sĩ quan tham mưu, nhiệm vụ chính của Hằng Nga là theo dõi các hoạt động quân sự tại phái bộ, tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu theo chỉ định của LHQ, trực ban tại trung tâm tác chiến của Sở chỉ huy phái bộ và chuẩn bị các báo cáo đặc biệt, các bài thuyết trình về tình hình xung đột xảy ra trên địa bàn… Ngoài ra, còn một nhiệm vụ quan trọng khác là theo dõi các cơ sở dữ liệu tác chiến của phái bộ. Mỗi công việc như thế đều đòi hỏi phải có kiến thức quân sự tốt, cùng khả năng “tác chiến” độc lập và khi cần có thể phối hợp, tương tác “chuẩn” với các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác.

Sẵn sàng với vai trò sứ giả hòa bình

Công tác tại một trong những quốc gia nhiều xung đột và bất ổn như Nam Xu-đăng có lẽ là nhiệm vụ nặng nề với ngay cả những quân nhân nam giới. Nhưng Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đã chuẩn bị đầy đủ tâm thế để vượt qua những rào cản. Chị quan niệm rằng, đã là sĩ quan GGHB thì chẳng phân biệt phái mạnh hay phái yếu.

Trong buổi lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng đã nói, việc Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia lực lượng GGHB LHQ nhằm khẳng định chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta về bình đẳng giới, đồng thời nêu cao vai trò của phụ nữ trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thực hiện vai trò là “nữ sứ giả hòa bình” của Việt Nam tại một phái bộ của LHQ cũng là một vinh dự lớn lao đối với bản thân và gia đình Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga. Nhưng trong niềm vui, niềm tự hào được giao trọng trách cũng xen lẫn sự lo lắng, bồn chồn, bởi là người tiên phong luôn đồng nghĩa với áp lực lớn. Thiếu tá Hằng Nga cho biết khi hay tin mình được lựa chọn, chị đã tìm hiểu qua đồng nghiệp, bạn bè và mày mò trên in-tơ-nét để hiểu rõ về đất nước cũng như những diễn biến chính trị tại Nam Xu-đăng. Điều băn khoăn nhất vẫn là làm sao để bắt nhịp với một cuộc sống và công việc hoàn toàn mới, ở một vùng đất có văn hóa, phong tục hoàn toàn lạ lẫm.

Nhưng cảm giác lo lắng ấy cũng nhanh chóng qua đi. Còn nhớ hôm nhận Quyết định của Chủ tịch nước, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga tâm sự, chị đã chuẩn bị tốt các kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng cần thiết để sẵn sàng lên đường, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ theo yêu cầu của LHQ, vừa giữ gìn hình ảnh của người phụ nữ, quân nhân Việt Nam trong mắt đồng nghiệp, bạn bè quốc tế. “Dù ở Nam Xu-đăng có những khác biệt về văn hóa, phong tục, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”, Thiếu tá Hằng Nga tự tin nói.

Bản thân chị cũng xác định rằng, trong môi trường các phái bộ, LHQ sẽ không phân biệt nam giới hay nữ giới. Bởi vậy, cần sẵn sàng cho những công việc vốn chỉ thích hợp với các đồng nghiệp nam. Việc gì trong khả năng thì sẽ không từ chối để giữ hình ảnh của những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều may mắn với Đỗ Thị Hằng Nga là bên cạnh sự ủng hộ, giúp đỡ của đồng đội, chị còn nhận được sự chia sẻ rất lớn từ gia đình với nhiệm vụ phía trước. Nhiệm kỳ một năm tại Nam Xu-đăng có lẽ sẽ phần nào “dễ thở” hơn với nữ sĩ quan GGHB đầu tiên của Việt Nam, khi hai con nhỏ và mọi công việc ở nhà được hai bên gia đình hứa chăm lo, đỡ đần.

Khi được hỏi về hành trang cho quãng thời gian tới tại quốc gia Bắc Phi, Thiếu tá Hằng Nga nói rằng bên cạnh những gói mì tôm, lương khô dành cho những ngày đầu bỡ ngỡ, chị sẽ mang theo mình bộ áo dài truyền thống và những món quà đặc trưng như ô mai, những chiếc áo in cờ Tổ quốc... để giới thiệu với đồng nghiệp, bạn bè quốc tế về văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Tư tưởng đã thông, kiến thức đã đầy đủ, hành lý cũng gói ghém sẵn sàng, có lẽ cả người sắp đi và những người ở lại đều tin rằng, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga sẽ đủ bản lĩnh để vượt qua bước ngoặt phía trước.

TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35016502-nu-si-quan-mu-noi-xanh-lien-hop-quoc-dau-tien-cua-viet-nam.html