Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản

Thông qua các tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản, của các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới.

 Hội thảo khoa học quốc tế Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772- 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản (Ảnh: TTXVN)

Hội thảo khoa học quốc tế Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772- 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản (Ảnh: TTXVN)

Sáng 3/12, tại thành phố Vinh (Nghệ An), tỉnh Nghệ An phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772- 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Nghị quyết 41C/15 ngày 23/11/2021của Đại hội đồng UNESCO thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) - “Bà chúa thơ Nôm” của Việt Nam đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn học nghệ thuật và đặc biệt là tư tưởng về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, xứng tầm là một Danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một Thi hào. Cũng từ đây, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO trao sứ mệnh vinh quang: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới.

“Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương (1772- 1822) nguyên quán ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), là nữ thi sĩ nổi tiếng và tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa cuối thế kỷ XIX. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong 6 danh nhân được UNESCO vinh danh cùng với Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận, làm rõ những vấn đề về vị thế, tầm vóc và lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ (dịch thuật) Hồ Xuân Hương; vấn đề thân thế, quê hương và thời đại Hồ Xuân Hương; Hồ Xuân Hương trong các mối liên hệ với văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực và văn hóa nhân loại; đặc sắc hiện tượng văn hóa Hồ Xuân Hương; những vấn đề về thi pháp, phong cách nghệ thuật và sức hấp dẫn, lan tỏa của thơ Hồ Xuân Hương; vấn đề tiếp nhận và phát huy giá trị di sản của Danh nhân Hồ Xuân Hương trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, đã từ lâu, Nghệ An luôn được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt và là địa phương có mật độ di sản văn hóa đậm đặc trải rộng khắp từ khu vực đồng bằng đến miền núi. Năm 2022, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tròn 35 năm được UNESCO vinh danh, Nghệ An tự hào có thêm nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO ban hành Nghị quyết vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, trải qua hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn là một hiện tượng văn học tài năng nhưng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Phong cách với cá tính sáng tạo độc đáo của Hồ Xuân Hương chắc chắn sẽ còn là vấn đề hấp dẫn cho những công trình nghiên cứu trong tương lai.

Với tấm lòng yêu mến, tâm huyết với việc tôn vinh và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa gắn với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sự hiểu biết uyên thâm, trách nhiệm cao của các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ là sự tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới. Đồng thời, thông qua hội thảo sẽ có thêm nhiều phát hiện mới, có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân, cũng như đề xuất thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến, giải pháp hay được chia sẻ, thảo luận để giúp tỉnh Nghệ An bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

HP

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nu-si-ho-xuan-huong-danh-nhan-van-hoa-va-gia-tri-di-san-626434.html